Dệt may và lộ trình thoát “kiếp”... gia công
Tại Hội thảo Kinh tế Mùa thu cuối tháng 9/2013 tại Huế, PGS-TS Trần Đình Thiên đã đưa ra nhận xét kèm theo những câu hỏi: Cơ cấu kinh tế của Việt Nam đã được xây dựng theo kiểu nhập khẩu hầu hết đầu vào của sản xuất, mô hình tăng trưởng phụ thuộc vào nhập khẩu.
Bây giờ phải tái cơ cấu như thế nào để thoát được sự phụ thuộc đó? Tức là phải bỏ nguồn lực vào sản xuất đầu vào, hoặc nhập khẩu đầu vào từ các thị trường khác, có chất lượng và đẳng cấp công nghệ cao, thay vì chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc như nhiều năm qua. Nhưng chúng ta có làm được việc đó không và trong bao lâu sẽ làm được?
Những câu hỏi đó xuất phát từ thực tế. Không nói tới tầm vĩ mô lớn lao, chỉ riêng một số nhóm ngành hàng công nghiệp, dù giá trị xuất khẩu lớn, nhưng giá trị nguyên phụ liệu, linh kiện nhập khẩu không nhỏ, giá trị gia tăng thấp, trong đó dệt may là một ví dụ điển hình.
Theo Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu dệt may 13 tỷ USD; nhập khẩu bông, xơ sợi dệt và vải hơn 8 tỷ USD (chưa kể nguyên phụ liệu), riêng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng không nhỏ, hơn 4 tỷ USD, chẳng hạn: Xơ sợi dệt 0,334 tỷ USD/1,121 tỷ USD; vải 2,779 tỷ USD/6,046 tỷ USD; nguyên phụ liệu dệt may, da giày 0,887 tỷ USD/2,729 tỷ USD...
Không ngoại lệ, ngành dệt may Việt Nam đang phải phụ thuộc rất lớn vào “người khổng lồ” Trung Quốc có sức chi phối mạnh mẽ chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu dệt may toàn cầu. Trung Quốc đang chiếm 27% nguồn cung bông, 60,42% xơ, 50,6% vải dệt, 48% số cọc sợi, bỏ rất xa Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan về số lượng cung ứng lẫn thị phần chi phối.
Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, ngành dệt may còn lâu mới thoát khỏi “kiếp gia công”, “phận phụ thuộc”, khó hưởng lợi nhiều từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp ký kết...
Song, không lẽ không có lối thoát khả dĩ? Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã có câu trả lời, dù có thể chưa hoàn hảo.
Theo người đứng đầu Vinatex, con đường đầu tư đã được định vị: Trong 2- 3 năm tới Vinatex sẽ tăng tốc đầu tư nguyên liệu nhằm đón đầu TPP, thậm chí có thể sử dụng một phần lợi nhuận của tập đoàn để đầu tư. Nếu không tập trung đầu tư nguyên liệu thì chẳng biết khi nào mới rút ngắn khoảng cách giữa gia công với sản xuất tạo giá trị gia tăng cao.
Dĩ nhiên, đầu tư vào nguyên liệu, tạo nên những ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ để “bù” con số nhập khẩu hàng chục tỷ USD là con đường dài đầy cam go, song không thể không đi! Tiến sĩ Alan Phan- cựu Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa- từng nói: “Để tạo ra sự đột phá, cần phải suy nghĩ sáng tạo tìm ra hướng đi mới”. Ngẫm thấy rất đúng!
Trần Phương
công thương
|