Thứ Hai, 18/11/2013 21:50

Luật Đầu tư công: Phải điều chỉnh toàn bộ dòng vốn Nhà nước

Chiều 18-11, cho ý kiến vào dự thảo Luật Đầu tư công lần đầu tiên trình Quốc hội (QH), các Đại biểu (ĐB) QH đều nhất trí về sự cần thiết phải nhanh chóng ban hành Luật nhằm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, lãng phí, đồng thời bảo đảm tính công khai, minh bạch; đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế.

Đầu tư lãng phí không ai chịu trách nhiệm

ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) cho rằng, đầu tư công của chúng ta đang lãng phí dàn trải, kém hiệu quả. "Đường cao tốc của chúng ta làm 12 triệu đô/1km2, trong khi Trung Quốc là 5 triệu đô/1km2; Mỹ là 4,5 triệu đô/1km2. Từ đó, cho thấy đầu tư công rất lãng phí, dàn trải"- ĐB Thạch nói và dẫn chứng: "Nhiều người nói đường cao tốc Hà Nội- TP. Hồ Chí Minh đầu tư nhiều, lãng phí cũng có, nhưng hiệu quả thấp khi ít người đi. Trong khi đó, đường Hải Phòng- Hà Nội rất đông người đi lại, nhưng lại đang xuống cấp".

Đoàn TP.HCM thảo luận tại tổ

Từ đó, ĐB Thạch cho rằng, Luật nên để Chính phủ phê duyệt dự án nhóm A, thì chính xác hơn. Bởi quy định như Dự thảo Luật vẫn chưa chặt chẽ, có quá nhiều dự án. Quan điểm của ĐB Thạch cũng là nỗi lo chung của nhiều ĐB. Như lời ĐB Nguyễn Thị Huệ (Đoàn Đăk Lăk) thì: "Điều chỉnh về vốn trong đầu tư công phải kiểm soát được đầu tư công dàn trải. Nếu không bố trí được vốn sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư, thì ai chịu trách nhiệm về phê duyệt chủ trương đầu tư?".

Còn ĐB Nguyễn Đức Hiền (Đoàn Nghệ An) nói: "Ở các nước khác, đầu tư 3 đơn vị thì được 1 đơn vị đầu tư công tăng thêm. Nhưng ở Việt Nam thì phải cần 8 đến 10 đơn vị. Chính vì vậy, quyết định kế hoạch trong đầu tư phải đi trước một bước, bởi hiện quy hoạch thường chậm và đi sau nên không thể hiện được thống nhất các vấn đề dẫn đến đầu tư dàn trải, tràn lan".

Theo ĐB Hiền, việc lập quyết định đầu tư, thẩm định đang nhiều bất cập, chưa làm hết trách nhiệm, còn dễ dãi dẫn đến vốn khó khăn, hiệu quả đầu tư thấp, nên cần quy định cụ thể hơn trong dự án Luật. Phát hành trái phiếu Chính phủ cũng không đủ nguồn vốn cho các công trình đang dở dang dẫn đến thất thoát vốn.

ĐB Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) cho rằng, hiện nay có cái khó là trong chủ đầu tư, nhưng hiện nay chủ đầu tư công không có vốn, tài sản mà chỉ có thẩm quyền, do đó dự án tham mưu như thế nào thì làm thế đó, dẫn đến tất cả dự án vượt trần đẩy dự toán lên rất nhiều và khi lãng phí thì chẳng ai bị quy trách nhiệm.

“Điều này tạo điều kiện cho tham nhũng rất lớn, vì vậy phải làm rõ chủ đầu tư là ai chứ nếu là cơ quan chức năng hay chủ tịch tỉnh thì rất là khó. Nếu không đầu tư công sẽ thất thoát rất lớn. Doanh nghiệp đứng sau sẽ là người thực thi điều này. Toàn bộ ngân sách là của dân đóng góp từng xu từng đồng”, ĐB Khiết cho hay.

Cùng tâm trạng chung, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) nói: Việc quản lý đầu tư công kém hiệu quả, bỏ tiền ra không xứng với hiệu quả. Ví dụ như bỏ tiền ra mua cái áo, phải dùng được 5 năm, nhưng lại chỉ dùng được 1 năm. Trong khi đó, vẫn thiếu trách nhiệm của người đứng đầu trong phê duyệt, thẩm định đầu tư công. ĐB khuyến cáo “đừng để dân ta nghèo tiếp”.

Thêm quy định để tránh tham nhũng, lãng phí

Theo ĐB Trần Du Lịch (TP. HCM) cần phân định rõ về mặt quan điểm của Luật, Luật điều chỉnh đầu tư của Nhà nước hay điều chỉnh nguồn vốn của Nhà nước, bởi 2 vấn đề này hoàn toàn khác nhau.

ĐB Trần Du Lịch cho rằng, Luật này phải điều chỉnh và quản lý toàn bộ dòng vốn của nhà nước hoặc vốn có nguồn gốc ngân sách nhà nước, không phân biệt, dù ai quản lý, đầu tư đều bị chi phối. Theo đó, cả hệ thống chính trị phải tuân theo, ai sử dụng nguồn đầu tư này đều thuộc diện điều chỉnh. Còn theo như quy định tại dự thảo Luật thì chỉ quản lý cơ quan đầu tư.

“Trong điều kiện quan điểm hệ thống tài chính công như hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm là tốt nhưng phải phân biệt được nguồn tiền nào là của ngân sách trung ương, nguồn tiền nào của ngân sách địa phương và ai là người quyết định cao nhất nguồn vốn đó. Nếu dự án lớn mà của địa phương thì vẫn phải do HĐND địa phương quyết và chịu trách nhiệm”, ĐB Trần Du Lịch phân tích.

Tìm hiểu rõ nguyên nhân tại sao hiện nay đầu tư lãng phí, ĐB Lịch cho rằng, hiện cơ quan dân cử không quyết định đầu tư. “ Chúng ta bội chi nhưng chúng ta có nhìn thấy dự án nào không, QH có thấy gì đâu mà có ý kiến cho rằng QH phải chịu trách nhiệm”.

Do đó, ĐB đề nghị phải thay đổi quan điểm, nếu dựa vào cách nhìn hiện nay, cũng có tiến bộ nhưng không giải quyết được tình hình đầu tư lãng phí và không kiểm soát được đầu tư công.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP. HCM) bày tỏ quan điểm: Đầu tư công nước ta thời gian qua rất lớn và tiếp tục gia tăng vì kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Thời gian qua, lĩnh vực đầu tư công đã có thành công nhất định, nhưng vẫn còn một số khuyết điểm nhất định. ĐB cho rằng, sự ra đời của Luật Đầu tư công là sự đổi mới mạnh mẽ về thể chế để nâng cao hiệu quả đầu tư công, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công một cách hiệu quả.

Đánh giá một cách tổng thể dự án Luật, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM) cho rằng, Luật trình QH lần này là cần thiết nhưng làm “hơi vội vã”, bởi nhiều nội dung soạn thảo mới chỉ dừng mở mức như nêu yêu cầu. Theo ĐB “đọc lên không biết nói cái gì”. ĐB ví dụ, quy định tại Điều 55 “các chương trình đầu tư công chịu sự giám sát của cộng đồng”, vậy ai là “cộng đồng”. Hoặc như quy định tại Điều 68 giống như gạch đầu dòng của 1 văn bản chứ không phải một điều luật.

ĐB Võ Thị Dung (TP. HCM) cho rằng nguyên tắc đầu tư công quy định trong Luật là chưa mạnh mẽ, vì “thời gian qua đầu tư công của chúng ta quá lãng phí là có tội với nhân dân về quản lý nguồn vốn nhà nước”.

Do đó, ĐB đề nghị phải nêu mạnh mẽ nguyên tắc sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, công khai, minh bạch, để phòng chống tham nhũng. “Một nguyên tắc bất di bất dịch là phải chống tham nhũng và công khai minh bạch”, ĐB Võ Thị Dung đề nghị phải nêu rõ và bổ sung thêm nguyên tắc này.

Trong quản lý nhà nước về đầu tư công, ĐB cho rằng, trong các quy định cần làm rõ chế tài khi có hành vi vi phạm nguyên tắc đầu tư công, xử lý vi phạm, xử lý khiếu nại tố cáo… để quản lý chặt chẽ nguồn vốn này và có xử lý nghiêm minh khi vi phạm.

Quy định về giám sát đầu tư của cộng đồng, đồng tình với quan điểm của ĐB Trương Trọng Nghĩa, ĐB Võ Thị Dung cho rằng quy định như trên không rõ ràng và không thể thực hiện được. Do đó, cần có một chương riêng, quy định cụ thể như thế nào là giám sát cộng đồng và quyền hạn của cộng đồng để thực thi dễ dàng.

Góp ý cụ thể vào dự thảo Luật, theo ĐB Bùi Thị An, Luật Đầu tư công đã chú ý đến sự giám sát của cộng đồng trong các công trình, nhưng quyền lực của cộng đồng đến đâu, như thế nào lại chưa rõ.

Theo ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc), nếu không quy định rõ về quy trình thủ tục và những tiêu chí, tiêu chuẩn thì vẫn không thể hạn chế được việc lách luật. “Chính lãng phí, tham nhũng ở chỗ này”, ĐB Thủy kết luận.

Về phạm vi điều chỉnh của Luật, ĐB Thủy cho rằng quy định này rất quan trọng, bởi khi đã xác định được thì điều chỉnh mới hợp lý. Cụ thể hơn, theo ĐB, khi bàn về Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nói rất nhiều đến trách nhiệm người đứng đầu, nhưng ít đề cập đến trách nhiệm người đứng đầu trong phê duyệt đầu tư. Do đó, cần có quy định rõ trong Luật này trách nhiệm người đứng đầu, người phê duyệt chủ trương đầu tư. Đồng thời, cần quy định cụ thể quy trình thủ tục, tiêu chí, tiêu chuẩn để tránh đầu tư dàn trải.

Minh Anh

hải quan

Các tin tức khác

>   Hơn 2.000 tỷ đồng cho tuyến cáp ngầm đưa điện ra Phú Quốc (18/11/2013)

>   SCIC sở hữu danh mục đầu tư gần 3,4 tỷ USD (18/11/2013)

>   Cánh đồng mẫu lớn: Lối thoát đầy cạm bẫy (18/11/2013)

>   Vinashin, Vinalines qua báo cáo của Bộ trưởng Thăng (18/11/2013)

>   Trả KCN Lai Vu về cho Hải Dương (18/11/2013)

>   Sản phẩm than: Xuất hay nhập? (18/11/2013)

>   Đừng ưu ái DN ngoại quá đà! (18/11/2013)

>   Cứu DN có nợ xấu: Cần làm thận trọng (18/11/2013)

>   Bridgestone đầu tư thêm gần 650 triệu đô la (17/11/2013)

>   Công nghiệp sáng tạo Việt Nam: Vẫn ở vạch xuất phát (17/11/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật