Chủ Nhật, 17/11/2013 21:49

Công nghiệp sáng tạo Việt Nam: Vẫn ở vạch xuất phát

Chỉ có phát triển công nghiệp sáng tạo (CNST), các doanh nghiệp Việt Nam mới có thể thoát khỏi được tư duy "gia công nô dịch" và định vị mình cao hơn trong chuỗi giá trị của thế giới. Sáng tạo chính là đẳng cấp sản phẩm cao nhất mà Việt Nam cần hướng đến cùng với định vị toàn cầu.

Năm 2008 trở thành dấu mốc khởi đầu đối với ngành CNST của Việt Nam khi Hội Đồng Anh mang đến khái niệm CNST thông qua sự kiện “Thành phố Sáng tạo”. Thế nhưng, sau 4 năm, CNST vẫn chỉ dừng lại là một khái niệm rất lạ lẫm với Việt Nam, từ giới chức quản lý đến tầng lớp trí thức, doanh nhân và các nhà sáng tạo chứ chưa nói đến người dân.

Sản xuất tại Công ty cổ phần dệt sợi Damsan (Thái Bình)

Chuyện nước người...

Tại châu Âu và Bắc Mỹ, đã hình thành mạng lưới các thành phố sáng tạo và được UNESCO công nhận, như thành phố văn học Edinburg (Scotland), thành phố âm nhạc Bologna (Ý), Seville (Tây Ban Nha) hay thành phố thiết kế Montreal (Canada), Berlin (Đức). Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá là cửa ngõ sáng tạo kết nối giữa châu Âu và châu Á.

Đối với châu Á, tuy khởi động muộn hơn các quốc gia châu Âu, nhưng các thành phố sáng tạo cũng đã được hình thành trong những năm 2001 – 2006 tại những thành phố lớn như Yokohama (Nhật Bản), Thượng Hải (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc). Tại Úc, một số dự án nhằm phát triển ngành CNST được tiến hành từ năm 2008 tại bang Queensland, với một số đề xuất được phê duyệt như việc xây dựng Trung tâm thiết kế tại địa điểm dễ tiếp cận thuộc khu vực trung tâm của bang. Còn ở khu vực Mỹ Latinh, các chương trình đào tạo ngành CNST cũng được tổ chức bởi các tổ chức phi chính phủ như ACB/JR, MJK… dành cho trẻ em thuộc đối tượng cần được bảo vệ, chăm sóc.

Ngoài ra, các chương trình trao đổi và kết nối khu vực đã tạo cơ hội chia sẻ những kinh nghiệm trong khu vực về âm nhạc, múa và thời trang giữa các quốc gia Nam Mỹ. Những lễ hội carnival hình thành nền công nghiệp carnival tại các quốc gia như Brazil, Cuba, Columbia. Chile với sự phát triển công nghiệp âm nhạc, đội ngũ nhân lực có trình độ cao, được đánh giá là quốc gia đi đầu trong hệ thống thông tin công nghệ sáng tạo với những thống kê về CNST được xuất bản thành ấn phẩm mỗi năm.

Tại Columbia, nhiều lĩnh vực CNST được xem là có đóng góp khoảng 10% cho sự giàu có của quốc gia này như công nghiệp thời trang, chế tác đồ trang sức, sản phẩm chăm sóc sức khỏe cá nhân (personal care products) và du lịch nghỉ dưỡng (health tourism). Báo cáo của UNCTAD (2008) cho thấy có khoảng 7 quốc gia châu Phi như Nam Phi có nền công nghiệp biểu diễn và 2 trong số đó đã hình thành được nền công nghiệp ghi âm là Nam Phi và Zimbaque. Các quốc gia vùng Trung Đông, theo khảo sát của WIPO (2004), lựa chọn xuất bản sách, âm nhạc (hòa âm ghi âm), sản xuất phim ảnh và công nghiệp phần mềm như là những ngành công nghiệp tiềm năng để phát triển CNST. Các nước thuộc khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia và Indonesia cũng đã đi đầu và có sự đầu tư rất lớn, bài bản cho CNST, đặc biệt Indonesia có hẳn Bộ Du lịch và Công nghiệp Sáng tạo chuyên trách phát triển lĩnh vực này.

... và chuyện nước mình

Nhìn từ chuyện nước người soi lại chuyện của nước Việt mới thấy, đến lúc này Việt Nam vẫn chưa có một chính sách, chiến lược quốc gia cho lĩnh vực đầy tiềm năng này. Hiện tại mới có Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao cho Viện Văn hóa - Nghệ thuật Quốc gia (VICAS) chủ trì lập đề án chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) tầm nhìn đến năm 2020 bao gồm các bộ môn như âm nhạc, nghệ thuật trình diễn, điện ảnh, tạo hình… Tuy nhiên, CNVH là lớp bên trong của CNST và Kinh tế sáng tạo. Muốn phát triển CNVH thì cần phát triển CNST trước để tạo ra cái nền tảng và môi trường. Mặt khác, CNVH hay CNST nên được nhìn nhận và phát triển ở góc độ kinh tế trong sự tôn trọng, kế thừa, khai thác các giá trị văn hóa thì sẽ hợp lý hơn là xuất phát điểm ở chính góc độ văn hóa.

Chính vì chưa có một chính sách, chiến lược tổng thể nên dẫn đến tình trạng các thành phố lớn như TP.HCM, Bình Dương và Hà Nội đang tự “lần mò” nghiên cứu và tự làm CNST theo cách của mình. Và cũng chính vì tính cát cứ trong phát triển CNST mà TP.HCM dù có được chương trình Sáng tạo Sài Gòn (Creative Saigon) từ năm 2010 đã vội "chết yểu"chỉ vì sự thay đổi lãnh đạo của chương trình. Một thành phố năng động như TP.HCM mà còn gặp nhiều khó khăn đến thế trong phát triển CNST trách gì các thành phố khác không làm nổi.

“Không ai cấm chúng ta sáng tạo”

Ngoài việc thiếu cơ chế chính sách đóng vai trò bà đỡ ra thì chính tính thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp, nhà sáng tạo Việt Nam đang là một cản trở lớn cho việc hình thành và phát triển nền CNST Việt Nam.

Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa - Giám đốc chiến lược của FPT cho rằng, không ai cấm chúng ta sáng tạo, không ai cấm chúng ta hợp tác, liên kết, chia sẻ. Nhưng ở Việt Nam thì các nhà sáng tạo thường có cái tôi rất cao, luôn coi những sáng tạo của mình là nhất. Họ chỉ “chơi” với những ai họ thích. Còn các doanh nghiệp thì thiếu tầm nhìn, chiến lược và đặc biệt kinh doanh manh mún, lẻ tẻ không có tính liên kết, thiếu các kinh nghiệm hợp tác. Đứng một mình thì làm tốt nhưng tham gia một hệ thống thì dẫm chân nhau, xung đột và kết quả là không có được những dự án, mô hình, mạng lưới ở quy mô lớn trong thời gian dài.

Những hạn chế, bất cập bên trên ngoài những nguyên nhân từ lịch sử, văn hóa và trình độ kinh tế thì có một phần không nhỏ là do hệ thống đào tạo của chúng ta đã không theo kịp xu hướng thế giới và các đòi hỏi phát triển của thị trường. Người Việt Nam có thể sản xuất ra những chiếc giày Adidas và nhiều sản phẩm cao cấp khác bán khắp thế giới nhưng với điều kiện là trong những nhà máy, công ty của nước ngoài tại Việt Nam. Vậy vấn đề ở đây là do đào tạo và quy trình sáng tạo, sản xuất chứ không phải là vấn đề tố chất con người chúng ta, ông Hòa nhấn mạnh.

Việt Nam đang được đánh giá là trung tâm cơ hội mới của thế giới bởi những ưu việt trong giao thoa của địa lý, văn hóa, ngôn ngữ. Nhưng chúng ta vẫn đang ngụp lặn ở đáy các bảng xếp hạng của thế giới ở hầu hết các chỉ số. Một phần tình trạng này là do tư duy “gia công nô dịch” của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chưa được cởi trói. Khi chúng ta dám cạnh tranh ở những phân khúc cao hơn chúng ta sẽ tạo ra những giá trị lớn hơn và có được vị thế cao hơn trên thế giới. Và sáng tạo chính là đẳng cấp sản phẩm cao nhất mà chúng ta cần hướng đến cùng với định vị toàn cầu. Vấn đề của các cá nhân sáng tạo, các doanh nghiệp sáng tạo lúc này là cần giải phóng niềm tin, để tự tin vào chính mình. Để có thể mạnh mẽ đưa ra lựa chọn đi đến cùng theo con đường CNST, nhằm đạt được vị thế khác đi cho quốc gia, doanh nghiệp và từ mỗi cá nhân. Đó là thông điệp mà ông Nguyễn Hữu Thái Hòa - Giám đốc chiến lược của FPT muốn chuyển tới cộng đồng Việt. Và không phải ông không có lý!.

Vũ Hiệp

hải quan

Các tin tức khác

>   Niềm vui 60 tỷ USD: Việt Nam được bao nhiêu? (17/11/2013)

>   Thủy sản Sông Hậu thêm khó khăn vì nội bộ mâu thuẫn (17/11/2013)

>   Đa ngành có phải là cái bẫy ? (17/11/2013)

>   Báo Italy: Việt Nam sẽ là điểm hấp dẫn nhà đầu tư (17/11/2013)

>   Hà Nội: Gỡ mãi nhưng… doanh nghiệp chưa hết khó (16/11/2013)

>   Hãng kem của tỷ phú Warren Buffett đến Việt Nam (16/11/2013)

>   TPP- Khi lợi thế không tự đến (16/11/2013)

>   Thành lập CLB cá ngừ xuất khẩu (16/11/2013)

>   Tìm giải pháp cho thách thức logistics (16/11/2013)

>   Casino Vân Đồn chọn nhà đầu tư ngoại (15/11/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật