Thứ Bảy, 16/11/2013 11:28

TPP- Khi lợi thế không tự đến

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đặt ra không ít thách thức, bởi là một hiệp định thương mại tự do kiểu mẫu của thế kỷ 21. Các cam kết trong TPP tương thích với yêu cầu cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế và thay đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chủ trì Hội nghị về TPP sáng 15/11/2013 tại Hà Nội

Ông Trần Quốc Khánh- Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế- cho biết: Đến nay, TPP đã hoàn tất 19 vòng đàm phán chính thức và nhiều phiên giữa kỳ, với hơn 20 nhóm đàm phán và gần 30 vấn đề. Các bên đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về hợp tác và xây dựng năng lực, doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, chính sách cạnh tranh, gắn kết môi trường chính sách…

Đàm phán TPP đang bước vào giai đoạn quyết định với gần 20 lĩnh vực đang đàm phán như: Mở cửa thị trường hàng hóa, quy tắc xuất xứ, mua sắm chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, thương mại điện tử… Trong đó, liên quan đến mua sắm chính phủ, từng nước có biểu cam kết riêng, như cam kết diện cơ quan, cam kết phạm vi hàng hóa, dịch vụ, cam kết ngưỡng giá trị, với mức trên đó phải cho phép các nước TPP tham gia đấu thầu.

“Đây là lần đầu tiên Việt Nam đàm phán về mua sắm chính phủ”- Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết: "Việt Nam đồng ý mở cửa thị trường mua sắm chính phủ, loại trừ các lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Việt Nam cũng bảo lưu việc mua sắm phải từ các DN nội địa, tất nhiên, phải công khai minh bạch, bởi đó là tiền thuế của dân".

TS.Võ Trí Thành- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương- nhận định: Thứ nhất, nội dung sâu rộng. Thứ hai, kết nối doanh nghiệp. Thứ ba, mở cửa sâu gắn với chuỗi giá trị toàn cầu. Thứ tư, các vấn đề “sau đường biên giới”. Những đòi hỏi đầy tham vọng của TPP cho thấy quá trình đàm phán không đơn giản, thậm chí rất căng thẳng, nhất là đàm phán về chính sách cạnh tranh, phán xử tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước, tiêu chuẩn lao động… Ông Thành nhận xét, khó khăn để ra đời một TPP cũng hàm nghĩa hiệp định có thể có những tác động đáng kể đến các nền kinh tế thành viên, cả đối với GDP và xuất khẩu. Dù mức độ tự do hóa cao, nhưng xét về trung và dài hạn, gắn với cải cách thể chế kinh tế “sau đường biên giới”- những yêu cầu chủ yếu của TPP và dịch chuyển dòng vốn đầu tư- thì tác động thực tế vẫn có thể lớn hơn nhiều.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng:

TPP là một hiệp định kinh tế quan trọng, chất lượng cao. Nếu lấy các tiêu chí của WTO để so sánh thì các tiêu chí đưa ra đàm phán trong TPP là WTO+. 12 nước thành viên tham gia đàm phán TPP chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu và 30% thương mại toàn cầu, gồm nhiều nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản... Vì vậy, Việt Nam quyết tâm tham gia đàm phán thành công hiệp định này.

 TPP kỳ vọng có tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam. Theo tính toán của TS. Võ Trí Thành, xuất khẩu và GDP của Việt Nam có thể tăng tương ứng 68 tỷ USD và 36 tỷ USD, hay 28,4% và 10,5% vào năm 2025. Nhưng Việt Nam vẫn là một nền kinh tế chuyển đổi, trình độ phát triển thấp, khoảng cách giữa đòi hỏi của TPP và năng lực thực tế của Việt Nam là không nhỏ. Vì vậy, Việt Nam cần nỗ lực hoàn thiện thể chế kinh tế, khung khổ pháp lý, chế tài thực thi, để có thể đáp ứng cam kết trong TPP, trước mắt, cần khôi phục lòng tin đối với thị trường và nhà đầu tư. Lợi ích cũng không tự đến đối với ngành hàng, DN nào, ngay cả những ngành hàng được xem là lợi thế khi Việt Nam gia nhập TPP. Dệt may phải bảo đảm nguyên tắc xuất xứ để được hưởng thuế suất 0% của nước thành viên nhập khẩu. Với ngành thủy sản, thuế suất không còn là rào cản chính, nhưng các biện pháp kiểm dịch SPS có thể ngặt nghèo hơn.

Hiện nay, các nước TPP đang nỗ lực thúc đẩy đàm phán để cơ bản kết thúc đàm phán vào cuối năm 2013, theo tuyên bố của các nhà lãnh đạo TPP bên lề Hội nghị Cấp cao APEC tại Bali hồi tháng 10/2013. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, điều này phụ thuộc nhiều vào mức độ tham gia của các bên đàm phán, nếu các bên linh hoạt cho nhau, vẫn có thể hoàn tất.

Hải Vân

công thương

Các tin tức khác

>   Thành lập CLB cá ngừ xuất khẩu (16/11/2013)

>   Tìm giải pháp cho thách thức logistics (16/11/2013)

>   Casino Vân Đồn chọn nhà đầu tư ngoại (15/11/2013)

>   Bridgestone nâng vốn đầu tư lên 1,2 tỷ USD (15/11/2013)

>   Việt Nam sẽ có được nhiều lợi ích từ "sân chơi" TPP (15/11/2013)

>   Gay go giật lại miếng bánh vận tải biển (15/11/2013)

>   Sao không công bằng khi “cứu” doanh nghiệp? (15/11/2013)

>   PV Oil đạt mốc xuất bán tấn dầu thô thứ 300 triệu (15/11/2013)

>   “Tháo chạy” khỏi xăng sinh học? (15/11/2013)

>   Doanh nghiệp chờ… gỡ vướng (15/11/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật