Thứ Sáu, 15/11/2013 13:50

Sao không công bằng khi “cứu” doanh nghiệp?

Tại sao thành phố không kéo dài thời gian hỗ trợ, tại sao lại có sự phân biệt giữa các doanh nghiệp, tại sao vẫn gây phiền hà…là những băn khoăn của các đại diện doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội tại buổi đối thoại với lãnh đạo thành phố, sáng 14/11.

* Doanh nghiệp chờ… gỡ vướng

Lãnh đạo thành phố Hà Nội cho biết, đây là cuộc gặp gỡ thứ 9 trong năm 2013 giữa lãnh đạo thành phố với các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn.

Chủ trì cuộc đối thoại, gặp gỡ, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có khoảng trên 10 vạn doanh nghiệp, nhưng do điều kiện không cho phép, thành phố chỉ mời được hơn 60 doanh nghiệp đại diện đến để tham dự buổi gặp gỡ, trao đổi, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Vị Phó chủ tịch thành phố cho biết, đây là cuộc gặp gỡ thứ 9 trong năm 2013 giữa lãnh đạo thành phố với các doanh nghiệp. Tất nhiên, bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã thành lập nhiều đoàn công tác, đến trực tiếp các doanh nghiệp, khu công nghiệp để lắng nghe “tâm tư nguyện vọng” của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện kinh tế khó khăn hiện nay.

Nhưng, trong khi Phó chủ tịch Nguyễn Văn Sửu có phần hơi lạc quan khi đánh giá “sau 9 lần gặp gỡ, có vẻ như những bức xúc, cáu gắt của các doanh nghiệp đã đỡ đi nhiều, chứng tỏ khó khăn cũng đang dần được khắc phục”, thì theo các doanh nghiệp, khó khăn hiện vẫn còn nguyên.

Tổng giám đốc Công ty ty Động Lực Lê Văn Thành cho hay, do ảnh hưởng nặng nề của khó khăn kinh tế, bao nhiêu tài sản của nhiều doanh nghiệp đã bị “quét” hết rồi, nên giờ muốn hồi phục lại được như trước đấy là rất khó. Có chăng chỉ mới đỡ hơn được năm ngoái chút ít.

Doanh nhân này cho biết, ông có một nhà máy sản xuất giày với 500 công nhân nhưng giờ “đi” hết vì lãi suất vay ngân hàng trong mấy năm qua quá cao. Do đó, hiện nay theo ông Thành, đa số doanh nghiệp trẻ thuộc Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội, trong đó có công ty của ông vẫn chủ yếu đang nghe ngóng, chưa dám mạnh dạn đầu tư.

“Nếu Hà Nội có một chương trình, cam kết gì đó mang tính lâu dài, ổn định thì các doanh nghiệp mới an tâm đầu tư”, ông Thành kiến nghị.

Ông Phan Hồng Việt, Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Hà Nội cũng đề nghị UBND thành phố cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư trong năm 2014. Kiến nghị này cũng được đại đa số các doanh nghiệp phát biểu sau đó chia sẻ và ủng hộ.

Tuy nhiên, ngoài việc kiến nghị kéo dài thời gian hỗ trợ sang năm 2014, một số doanh nghiệp khác cũng tỏ ra khá “buồn” cho số phận khá trớ trêu của doanh nghiệp mình.

Bà Lê Minh Hằng, Tổng giám đốc Công ty Dệt 10/10, cho hay, là doanh nghiệp mang về một lượng ngoại tệ khá lớn cho thành phố, bởi theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới, sản phẩm màn tuyn của doanh nghiệp này chiếm 70% thị phần của thế giới, vượt cả Trung Quốc, nhưng trong danh sách các doanh nghiệp và ngành hàng được hỗ trợ lại không có “màn tuyn” - một sản phẩm chủ lực của công ty này. Chính vì vậy, dù là doanh nghiệp dệt may nhưng công ty của bà không được hỗ trợ gì trong suốt nhiều năm qua.

Do đó, trong năm 2012, tình cảnh của doanh nghiệp gần như đã “xuống đáy” nhưng mỗi tháng vẫn phải đóng 15 - 17 tỷ tiền thuế.

Bên cạnh đó, nhiều chính sách về thuế, phí…của thành phố lại không ổn định, thay đổi tăng cao thường xuyên đã khiến doanh nghiệp toát mồ hôi.

“Chúng tôi chấp hành nghiêm túc các thủ tục, quy định về thuế nhưng phải cho chúng tôi một lộ trình, có thể là trong 5 - 7 năm vì chúng tôi làm việc với nhiều doanh nghiệp, nhiều tổ chức nước ngoài nên mức giá cần phải ổn định để đối tác không nghi ngờ”, bà Hằng nói.

Giám đốc Công ty May Mỹ Anh, bà Nguyễn Mỹ Lộc cho biết, hiện công việc kinh doanh của doanh nghiệp vẫn đang chật vật, đầu ra không có, trong khi tiền lương, bảo hiểm lại thay đổi tăng “xoành xoạch”, trong khi những khoản này chiếm tới 70% doanh thu của doanh nghiệp, nên buộc doanh nghiệp phải vay lãi cao để trả cho người lao động.

Nhưng bức xúc hơn mà bà Lộc kể ra chính là tiền thuê đất hiện nay thành phố cũng như Chính phủ đã giới hạn một số doanh nghiệp được ưu đãi, nên doanh nghiệp của bà với quy mô nhỏ, không phải những ngành nghề đặc thù…đã phải nằm ngoài diện hỗ trợ.

Thực tế đó đã khiến cho doanh nghiệp Mỹ Anh của bà phải nộp tiền thuế đất tăng gấp 7 lần năm 2010 nhưng vẫn không được hưởng ưu đãi, trong khi Chính phủ cho nhiều doanh nghiệp khác chỉ cần cao gấp 2 lần là được ưu đãi.

Chính vì vậy, theo doanh nhân này, “đã cứu thì phải cứu đều, phải công bằng, doanh nghiệp lớn cũng như bé vì cứu chúng tôi cũng chính là cứu người lao động”, bà Lộc nói.

Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Hà Nội Phan Hùng Việt cho hay, hiện doanh nghiệp nay đang khá khó khăn nhưng công ty vẫn cứ loay hoay trong việc kê khai đủ điều kiện để được hưởng hỗ trợ thuế vì quá nhiều thủ tục rườm ra, phức tạp. Ngay cả việc công ty chuyển đổi sang mô hình “cổ phần”, thì mọi rắc rối lại phát sinh từ đó. Một số công ty phá sản, đóng cửa nhưng thủ tục cũng rất phức tạp, buộc họ phải chọn phương án là trốn hay tự biến mất.

Đại diện Hiệp hội Công Thương Hà Nội khẳng định, các chương trình hỗ trợ của thành phố là “rất tốt”, song doanh nghiệp phải vay được vốn thì mới được hỗ trợ từ gói này. Tuy nhiên, việc vay vốn của doanh nghiệp từ ngân hàng là rất nan giải. Nhiều doanh nghiệp có đề án kinh doanh tốt nhưng không có tài sản thế chấp nên cũng không vay được vốn, nên rốt cục là cũng không được hỗ trợ.

Đáp lại những băn khoăn của các doanh nghiệp, Phó chủ tịch Nguyễn Văn Sửu cho biết, sẽ tiếp thu những ý kiến xác đáng của các doanh nghiệp. Với những gì còn thiếu sót, chưa phù hợp, thành phố cam kết sẽ bổ sung, khắc phục. Tuy nhiên, với một số quy định do Chính phủ ban hành, như đối tượng, ngành nghề, quy mô được hỗ trợ…thì Hà Nội cũng đành phải chấp hành theo. Đại diện Cục Thuế Hà Nội cho biết, các thủ tục liên quan đến thuế, phần lớn là do doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của nhà nước. Nếu thực hiện đầy đủ, hoàn toàn không có chuyện ngành thuế gây khó dễ.

Từ Nguyên

Vneconomy

Các tin tức khác

>   PV Oil đạt mốc xuất bán tấn dầu thô thứ 300 triệu (15/11/2013)

>   “Tháo chạy” khỏi xăng sinh học? (15/11/2013)

>   Doanh nghiệp chờ… gỡ vướng (15/11/2013)

>   Tây Ninh: Mía cháy hàng loạt gây hại gần 10 tỷ đồng (14/11/2013)

>   Giá điện có thể tăng 22% trong 2 năm tới (14/11/2013)

>   Lương ngành bán lẻ dự báo tăng cao nhất thị trường (14/11/2013)

>   9 tháng, xuất khẩu Việt Nam sang Malaysia tăng 16,4% (14/11/2013)

>   Vinacomin sẽ đạt doanh thu 5,5 tỷ USD (14/11/2013)

>   Hà Nội nới quy định hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp (14/11/2013)

>   Siêu thị nội trước nguy cơ thâu tóm bởi đối tác ngoại (14/11/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật