Thứ Năm, 21/11/2013 07:00

Đồ gỗ cho không gian nhà Việt

Trước tình hình xuất khẩu đồ gỗ khó khăn, nhiều doanh nghiệp quay lại thị trường nội địa và nhận thấy, để bán được hàng tại “ao nhà” không phải chuyện dễ. Bởi phải “chen chân” với hàng nhập khẩu và sự thích ứng với “không gian nhà Việt” chưa theo kịp thị hiếu khách hàng, cũng như còn nhiều khoảng trống trong sáng tạo sản phẩm.

Sopha đã “co” bớt để tương thích với không gian nhà người Việt

Hội chợ về đồ gỗ và trang trí nội thất Việt Nam Vifa Home 2013 với chủ đề “Giải pháp mua sắm cho ngôi nhà Việt” – được tổ chức lần thứ ba với mục đích kết nối nhà sản xuất với người tiêu dùng trực tiếp. Đưa hàng với tiêu chuẩn xuất khẩu đến tận tay người tiêu dùng Việt Nam. Với mục đích như vậy, nhìn lại đồ gỗ Việt Nam đã đáp ứng như thế nào cho ngôi nhà Việt?

Có chuyển biến nhưng chưa đủ

Từ những năm trước, tình hình xuất khẩu khó khăn các doanh nghiệp muốn quay lại thị trường nội địa, chinh phục người tiêu dùng trong nước, nhưng khi đó các mặt hàng đưa ra trưng bày, chưa có kế hoạch và mục tiêu rõ ràng, bán hàng theo kiểu “có gì bán nấy” – đồ gỗ xuất khẩu còn tồn đem bày bán. Với các mẫu mã dành cho nước ngoài, kiểu dáng không phù hợp, kích thước to không tương thích với ngôi nhà Việt; cả chất liệu và màu sắc cũng không tương hợp. Tình trạng này đã được cải thiện dần từ năm ngoái đến nay và có những tiến bộ nhất định.

Dù không đưa ra mẫu mã mới nhưng các doanh nghiệp đã có kế hoạch cụ thể cho thị trường nội địa, biết người tiêu dùng muốn gì. Bà Thái Ngọc Quyên, trưởng phòng kinh doanh nhãn hiệu Cozy với mặt hàng chính là sofa, cho biết: “Trước đây chúng tôi chuyên làm xuất khẩu nên khi đưa hàng ra bán thường có kiểu dáng to và chất liệu bằng da 100%. Hàng như vậy khó bán vì không phù hợp với kích thước phòng khách nhà người Việt và giá cao. Năm nay, chúng tôi chọn các chất liệu có giá thấp. Để thu hút khách mùa cuối năm, chúng tôi giảm giá đến 70%, ví dụ một bộ sofa chỉ khoảng 5,7 triệu đồng thì khách đến mua nhiều, trong tháng này hàng bán tăng gấp đôi”.

Với NTC Furniture, họ chọn một số mẫu xuất khẩu mà khách hàng nội địa ưa thích từ năm ngoái, chỉnh sửa kích thước và màu sắc cho phù hợp với gu người Việt, cộng với chính sách giảm giá đã thu hút được khách đến mua hàng. Bà Đỗ Thị Bích Sâm, tổng giám đốc công ty Bảo Hưng, cho biết: do có lợi thế làm hàng xuất đi Nhật và công ty chọn những mẫu nhỏ gọn phù hợp với không gian nhà người Việt để bày bán nên nhiều khách hàng quan tâm. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, một khách hàng ở quận 1, nói: “Năm nào tôi cũng đi hội chợ xem hàng, hàng tập hợp nhiều nhãn hiệu dễ lựa chọn, chất lượng tốt, nhiều phong cách, giá năm nay giảm nhiều nên dễ mua”.

Sản phẩm vẫn còn khoảng trống

Tuy nhiên, theo quan sát trong hội chợ và ngoài thị trường, hàng Việt chỉ chiếm ưu thế trên một số mặt hàng như hàng bằng gỗ tự nhiên – mặt hàng thuận tay với các doanh nghiệp xuất khẩu. Trong không gian ngôi nhà Việt các doanh nghiệp cung cấp được hàng cho phòng ngủ, bàn ăn là những mặt hàng chiếm đến 70% trong mặt hàng đồ gỗ. Còn những không gian khác trong nhà thì sản phẩm còn quá ít ỏi. Mặt hàng sofa của Việt Nam khó cạnh trạnh với hàng ngoại, chủ yếu do mẫu mã không phong phú bằng. Mẫu hàng ngoại thay đổi liên tục, chủ yếu hàng có xuất xứ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, hàng này chất lượng kém hơn hàng xuất khẩu Việt Nam nhưng mẫu mã trông thu hút hơn nên vẫn được khách hàng chuộng. Các loại bàn ghế bằng nhựa hay chất liệu tổng hợp có tính thời trang, hầu như Việt Nam không sản xuất mà chỉ bán hàng của Trung Quốc.

Một số doanh nghiệp trong nước chuyên tâm phát triển mặt hàng này để cạnh tranh và hy vọng sẽ có thị phần trong tương lai như Cozy, BMD… đưa ra các mặt hàng phù hợp với thị hiếu và túi tiền người tiêu dùng. Họ hy vọng sẽ tăng thị phần trong tương lai với những cố gắng về dịch vụ như mở cửa hàng, nhận đặt hàng từng bộ.

Mặt hàng trang trí nội thất còn đơn điệu về mẫu mã và chủng loại. Hàng đưa ra trưng bày vẫn quay đi, quay lại với đèn bằng vải, bình sơn mài công nghiệp với mẫu cũ, màu sắc sặc sỡ, các loại tượng từ gốc cây dành cho người lớn tuổi! Những mặt hàng này chỉ dành cho xuất khẩu, bán theo dạng hàng tồn, ít phù hợp với người Việt. Theo quan sát thị trường, thiếu hẳn các loại hàng dành cho các căn nhà hiện đại. Trong khi khách hàng cần những mặt hàng mang tính thời trang với vật liệu nhẹ với giá vừa phải, hầu như chỉ có một vài doanh nghiệp đáp ứng những mặt hàng này. Và, dường như bỏ ngỏ cho hàng Trung Quốc với sản phẩm phong phú về mẫu mã nhưng chất lượng khó kiểm soát được.

Thu Thủy

Sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Từ 20/12, sữa ngoại phải có chứng nhận chất lượng (21/11/2013)

>   Tìm cách tăng sản lượng dầu (21/11/2013)

>   Kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt mức kỷ lục (20/11/2013)

>   Nên coi ôtô nội địa hóa từ 40% là xe chiến lược? (20/11/2013)

>   Điều kiện thành lập – giải thể Công ty TNHH MTV thuộc sở hữu Nhà nước (20/11/2013)

>   Doanh nghiệp tạm nhập tái xuất sẽ đóng cửa hàng loạt? (20/11/2013)

>   DN dệt may đau đầu vì nguyên liệu (20/11/2013)

>   Kiếm tiền triệu, đốt tiền tỷ (20/11/2013)

>   SBIC sẽ thay Vinashin từ ngày 1.1.2014 (20/11/2013)

>   Tái định hình thị trường hàng không (20/11/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật