Thứ Tư, 20/11/2013 10:51

DN dệt may đau đầu vì nguyên liệu

Một mặt cần nhanh chóng kích thích nhà đầu tư vào Việt Nam. Đồng thời, cũng cần có những quy định để cân đối lợi ích giữa DN Việt Nam và nước ngoài. Quy tắc xuất xứ nguyên liệu phải được xử lý để tránh tạo thành rào cản lớn cho DN Việt Nam, vốn đang bị phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên phụ liệu từ nước ngoài.

Đã nhiều tháng nay, bà Từ Thị Bích Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Anh, DN có các sản phẩm dệt may xuất khẩu đến thị trường Malaysia, Mỹ… đôn đáo tìm nguồn nguyên liệu thay thế. Nghe những thông tin về đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), bà càng tỏ ra lo lắng về khả năng khó đáp ứng yêu cầu của hiệp định này để hưởng ưu đãi thuế.

Chủ yếu nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, DN dệt may khó thụ hưởng ưu đãi TPP

Cũng bởi, Mỹ Anh hiện tại sử dụng đến hơn 50% nguyên liệu, chủ yếu là vải may, các loại phụ liệu cuối cùng được nhập từ Trung Quốc. Trong khi, theo quy định đang được đàm phán TPP, để hưởng ưu đãi thì DN phải có toàn bộ nguyên liệu có xuất xứ từ các nước thành viên (gồm Việt Nam, Brunei, Singapore, Malaysia, Chile, Úc, New Zealand, Peru, Mexico, Canada, Nhật Bản và Mỹ).

Chẳng hạn với Mỹ, thị trường nhập khẩu chủ lực chiếm 40-43% giá trị xuất khẩu của dệt may Việt Nam, nếu TPP được thông qua, thuế suất sẽ về 0%, từ mức bình quân khoảng 17% - 18% theo Hiệp định thương mại song phương (BTA)... Điều này sẽ khiến dệt may Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn với một số các quốc gia không phải thành viên TPP. Tuy nhiên, “Chúng tôi theo dõi rất sát diễn biến và các thông tin liên quan đến ngành dệt may trong đàm phán TPP.

Do đó, với quy định xuất xứ từ sợi trở đi, nếu được thực thi, chắc chắn các sản phẩm dệt may của chúng tôi sẽ khó có khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu”, bà Lộc thừa nhận. Nguyên nhân chính, theo vị nữ doanh nhân này là bởi Malaysia xuất khẩu chính sang Mỹ, nhập khẩu cũng từ các nước thành viên TPP nên đang trong điều kiện tiếp cận ưu đãi tốt hơn.

Nhưng, thay đổi nguồn cung cấp nguyên liệu nhập khẩu không dễ. Tại hội nghị mới đây, cập nhật tình hình mới nhất về quá trình tham gia đàm phán TPP của Việt Nam, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, ngay từ đầu Việt Nam đã không đồng ý với quy tắc “từ sợi trở đi”, do đây là yêu cầu ngặt nghèo, rất khó khi Việt Nam hiện chưa có năng lực để có thể sản xuất từ sợi.

Bởi trong các nước TPP, DN chỉ có thể nhập được vải từ Hoa Kỳ và Mexico, nhưng nếu nhập từ hai nước này sẽ làm đội chi phí giá thành, triệt tiêu mọi lợi ích của DN xuất khẩu dệt may Việt Nam.

Tìm nguồn hàng trong nước thay thế gần như là giải pháp duy nhất cho vấn đề này, nhưng thực thi không dễ dàng. Theo bà Lộc, hiện nguồn nguyên phụ liệu vải may trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu, lại tập trung chủ yếu trong miền Nam. Là DN dệt may phía Bắc, có quy mô nhỏ và vừa nên Mỹ Anh rất khó để ký được đơn hàng cung cấp nguyên liệu.

Đại diện Mỹ Anh cho rằng, nếu vấn đề này không được xử lý, chắc chắn sản phẩm may mặc xuất khẩu của các DN Việt Nam khó có thể cạnh tranh được với các nước, do mức thuế suất cao.

Để đáp ứng yêu cầu của TPP, một số DN đã tính đến việc chủ động sản xuất nguyên phụ liệu trong nước. Ông Nguyễn Văn Châu, Chủ tịch HĐQT CTCP Thuý Đạt, DN chuyên xuất khẩu các sản phẩm dệt sang Nhật Bản cho biết, công ty đã triển khai dự án trồng bông tại Lào được hơn 3 năm nay. Nếu dự án đi vào hoạt động, DN có thể cung cấp một lượng bông lớn cho thị trường nội địa. Tuy nhiên, ông Châu cho hay, đến nay dự án vẫn dậm chân tại chỗ do thiếu vốn.

Cơ hội tăng trưởng vượt bậc của dệt may khi TPP được thông qua đang là “cần câu” để nhiều DN trong ngành bám vào, hy vọng một sự tăng trưởng mới trong giai đoạn tới. Ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam phân tích, có đến 60% thị trường của dệt may Việt Nam đến từ các nước thành viên TPP nên đây rõ ràng là cơ hội lớn cho ngành.

“Dệt may có thể tăng trưởng 15% - 20% trong giai đoạn 2013 - 2017, quy mô xuất khẩu đạt 25 tỷ USD vào Mỹ và đến năm 2025 sẽ đạt trên 50 tỷ USD”, ông Trường dự tính.

Song, ông Trường cũng cho biết, đây chỉ là con số ước tính về mặt lý thuyết. Trên thực tế, những yếu tố khác như việc mở rộng sản xuất, những yêu cầu mới được mở rộng trong TPP ở các kỳ đàm phán sắp tới... khiến vị này quan ngại khả năng hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam khó có đột biến.

Nguy cơ từ khả năng hạn chế của DN trong nước, đi cùng với sự thu hút vốn, công nghệ nước ngoài vào sản xuất nguyên phụ liệu đang là rào cản lớn nhất để ngành dệt may Việt Nam tiếp cận với lợi ích của TPP, khiến những ưu đãi này trở thành nền tảng cho đột phá của ngành.

Từ đó, ông Trường cho rằng, cần nhanh chóng kích thích nhà đầu tư vào Việt Nam. Đồng thời, cũng cần có những quy định để cân đối lợi ích giữa DN Việt Nam và nước ngoài. Quy tắc xuất xứ nguyên liệu phải được xử lý để tránh tạo thành rào cản lớn cho DN Việt Nam, vốn đang bị phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên phụ liệu từ nước ngoài.

Thực tế, những quy tắc xuất xứ của ngành dệt may giữa Việt Nam và Hoa Kỳ hiện đang có nhiều điều khác biệt, nên cần đàm phán để tạo ra các điều kiện phù hợp với yêu cầu thực tiễn của DN.

Được biết, nội dung đàm phán liên quan đến dệt may sẽ được thảo luận trong các phiên sắp tới của TPP. Việc có hay không áp dụng quy tắc “xuất xứ từ sợi” sẽ có ý nghĩa quyết định lớn đối với ngành dệt may Việt Nam.

Hà Sơn

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Kiếm tiền triệu, đốt tiền tỷ (20/11/2013)

>   SBIC sẽ thay Vinashin từ ngày 1.1.2014 (20/11/2013)

>   Tái định hình thị trường hàng không (20/11/2013)

>   Nhập siêu từ Trung Quốc tăng 'phi mã' (20/11/2013)

>   Nhập siêu cả năm 2013 được dự báo ở mức 500 triệu USD (20/11/2013)

>   70% Smartphone trên thế giới của SamSung sản xuất tại VN (19/11/2013)

>   Nợ đọng xây dựng cơ bản đã giảm một nửa (19/11/2013)

>   SCIC được bật đèn xanh "cắt lỗ" (19/11/2013)

>   Nợ xây dựng cơ bản đã giảm 42.000 tỷ đồng (19/11/2013)

>   Cơ cấu thủy sản xuất khẩu: Nhiều thay đổi (19/11/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật