Thứ Ba, 19/11/2013 15:42

Nợ xây dựng cơ bản đã giảm 42.000 tỷ đồng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định trước nghị trường Quốc hội sáng 19/11 là nợ xây dựng cơ bản chỉ còn khoảng 43.000 tỷ đồng.

Tại Kỳ họp thứ 4 (cuối năm 2012), Bộ Tài chính báo cáo nợ xây dựng cơ bản ước vào khoảng hơn 100.000 tỷ đồng, nhưng con số của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra chỉ có 85.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Bùi Quang Vinh phát biểu trước Quốc hội

“Số liệu nợ khác nhau là do thời điểm thống kê khác nhau. Nợ xây dựng cơ bản không bất biến, như hôm nay cơ quan này thống kê, tổng hợp thì nợ còn từng này, nhưng mấy ngày sau cơ quan khác thống kê thì giảm đi, do trong thời gian giữa 2 lần thống kê, tổng hợp, khối lượng nợ đã được thanh toán một phần”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh giải thích.

Dù con số nợ là 85.000 tỷ đồng hay hơn 100.000 ngàn tỷ đồng cũng khiến nhiều đại biểu Quốc hội lo lắng, bởi nợ xây dựng cơ bản là một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp xây lắp và 30-50 ngành liên quan xây dựng và cả hệ thống ngân hàng bị ảnh hưởng do tồn kho và nợ xấu.

Giải thích tình trạng nợ xây dựng cơ bản những năm trước ở mức quá cao, thậm chí có địa phương như Hà Giang đã rơi vào tình trạng “vỡ nợ” do số nợ xây dựng cơ bản gấp nhiều lần tổng mức đầu tư của ngân sách, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, trong số nợ có khoản nợ nằm trong kế hoạch.

Nợ trong kế hoạch, nghĩa là hàng năm, Nhà nước ghi kế hoạch cho các địa phương được xây dựng những công trình nào, tổng mức đầu tư bao nhiêu, nhưng các địa phương thường làm vượt quá khối lượng. Thậm chí, có địa phương sẵn sàng cho doanh nghiệp ứng trước vốn thi công vượt quá khối lượng rất lớn so với tiến độ nên Ngân sách Trung ương không có tiền thanh toán dẫn đến nợ nần.

“Số nợ được tại các công trình, dự án đã ghi kế hoạch thì Nhà nước chịu trách nhiệm. Còn nếu không nằm trong kế hoạch mà địa phương tự đầu tư thì địa phương nào đầu tư thì ngân sách địa phương đó phải chịu trách nhiệm bố trí vốn để trả nợ”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết.

Tuy nhiên, chỉ sau một năm xử lý, như khẳng định của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, nợ xây dựng cơ bản đã giảm được khoảng 50%, từ 85.000 tỷ đồng xuống chỉ còn 43.000 tỷ đồng ở thời điểm hiện tại.

“Đây là nỗ lực cao của Chính phủ cũng như các bộ ngành, địa phương”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Giải thích câu hỏi của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Tâm vì sao chỉ sau một năm, số nợ đọng xây dựng cơ bản giảm được một nửa, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, là do các bộ ngành, địa phương quyết liệt thực hiện Chỉ thị 1792/CT-TTg (ban hành ngày 15/10/2011) về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ.

Chỉ thị 1792/CT-TTg quy định nhiều chế tài rất mạnh mẽ nhằm lập lại trật tự trong đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ như yêu cầu các cấp có thẩm quyền không được ký, phê duyệt dự án khi không cân đối được nguồn vốn và phải chịu trách nhiệm nếu vi phạm.

Tất cả các dự án khởi công mới phải được thẩm định, nếu thuộc ngân sách địa phương thì sở kế hoạch và đầu tư, sở tài chính chịu trách nhiệm thẩm định, và chỉ khi có đủ tiền mới trình UBND cấp tỉnh ký quyết định đầu tư.

Trong trường hợp Ngân sách Trung ương chịu trách nhiệm hỗ trợ cho địa phương thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thẩm định, nếu có đủ điều kiện mới ghi kế hoạch vốn cho địa phương và địa phương.

“Bên cạnh đó, kể từ năm 2011 đến nay, khi trình Quốc hội bố trí vốn xây dựng cơ bản, Chính phủ đều quy định cụ thể thứ tự ưu tiên bố trí vốn đầu tư, trong đó việc bố trí vốn cho công trình, dự án đã hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng mà thiếu vốn được ưu tiên số 1. Hơn nữa, trong vòng 2-3 năm trở lại đây, số lượng công trình, dự án mới khởi công rất ít so với trước đây nên không phát sinh thêm khối lượng nợ XDCB”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh giải thích vì sao khối lượng nợ xây dựng cơ bản lại giảm được khoảng 42.000 tỷ đồng chỉ trong vòng 1 năm vừa qua.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng nói thêm rằng, con số nợ 43.000 tỷ đồng là chỉ tính đối với các công trình, dự án nằm trong danh mục đầu tư đã được phê duyệt. Còn địa phương nào tự ứng ngân sách để xây dựng công trình, dự án thì Ngân sách Trung ương không chịu trách nhiệm.

“Chúng ta đã có mấy trường hợp, địa phương không có vốn nhưng vẫn cứ đầu tư xây dựng công trình, dự án sau đó lên Trung ương đề nghị cấp vốn. Nếu Trung ương cứ chạy theo địa phương, thanh toán cho địa phương những khoản “làm ngoài kế hoạch” thì tạo ra tiền lệ xấu. Vì vậy, trong điều hành, Chính phủ dứt khoát chỉ thanh toán cho những công trình nằm trong kế hoạch đầu tư đã có trong danh mục mà thôi”, Bùi Quang Vinh phát biểu.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng khẳng định, số tiền nợ đọng xây dựng cơ bản không đáng ngại vì nằm trong mức an toàn.

“Luật Ngân sách nhà nước cho phép ứng tối đa 30% nguồn vốn xây dựng cơ bản của năm sau để triển khai công trình, dự án của năm trước. Hiện nay bình quân chúng ta bố trí nguồn vốn xây dựng cơ bản khoảng 170-190 ngàn tỷ đồng, tức là số nợ đọng tối đa nằm trong mức an toàn là 50-60 ngàn tỷ đồng”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói thêm.

Mạnh Bôn

đầu tư

Các tin tức khác

>   Cơ cấu thủy sản xuất khẩu: Nhiều thay đổi (19/11/2013)

>   Tập đoàn bán lẻ Wal-Mart vi phạm quyền lợi của nhân viên (19/11/2013)

>   Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả DNNN (19/11/2013)

>   Các nhà đầu tư ngoại vẫn e ngại về tham nhũng và thủ tục (19/11/2013)

>   Đã có lãi, EVN vẫn không thể giảm giá (19/11/2013)

>   Thí điểm mô hình chính quyền cảng tại Hải Phòng (18/11/2013)

>   Xuất khẩu qua Ấn Độ đạt gần 1,9 tỉ USD (18/11/2013)

>   Luật Đầu tư công: Phải điều chỉnh toàn bộ dòng vốn Nhà nước (18/11/2013)

>   Hơn 2.000 tỷ đồng cho tuyến cáp ngầm đưa điện ra Phú Quốc (18/11/2013)

>   SCIC sở hữu danh mục đầu tư gần 3,4 tỷ USD (18/11/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật