Doanh nghiệp tạm nhập tái xuất sẽ đóng cửa hàng loạt?
Hàng trăm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tạm nhập tái xuất tới đây có thể sẽ phải đóng cửa, giải thể sau khi Thông tư 128/BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1/11/2013.
Bởi lẽ, tính đến trước thời điểm trước ngày 1/11/2013, khi mà Thông tư 79/2009 và Thông tư 194/2010 của Bộ Tài chính quy định chứng từ thanh toán đối với loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất vẫn có hiệu lực, thì Bộ Tài chính có quy định “doanh nghiệp kinh doanh hàng hoá tạm nhập, tái xuất hoặc hàng hoá tạm xuất, tái nhập, nếu trong hợp đồng nhập khẩu và hợp đồng xuất khẩu có qui định người mua hàng trực tiếp thanh toán tiền hàng cho người bán và doanh nghiệp Việt Nam chỉ được thanh toán tiền hoa hồng của lô hàng tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập, thì chứng từ thanh toán trong bộ hồ sơ xét hoàn thuế được thay bằng chứng từ thanh toán tiền hoa hồng cho doanh nghiệp Việt Nam”.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, quy định này đã tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam khi kinh doanh tạm nhập tái xuất, vì doanh nghiệp phía Việt Nam chỉ là đơn vị cung cấp dịch vụ tạm nhập tái xuất qua lãnh thổ Việt Nam và hưởng phí hoa hồng, còn việc thanh toán giá trị của lô hàng được thực hiện thỏa thuận thanh toán bù trừ lẫn nhau, theo thông lệ thương mại quốc tế.
Thế nhưng, với việc ban hành Thông tư 128/2013, thay thế Thông tư 194/2012, quy định chứng từ thanh toán hàng tạm nhập tái xuất phải bao gồm hai chứng từ: chứng từ thanh toán hàng tạm nhập và chứng từ thanh toán hàng tái xuất và bỏ hẳn quy định sử dụng chứng từ tiền hoa hồng như ở Thông tư 194 trước đây.
Theo ông Phan Minh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Đại Dương Hoàng Kim, quy định này đã thực sự gây rất nhiều khó khăn cho hàng trăm doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất hiện nay, bởi số lượng hàng tạm nhập tái xuất hàng ngày có trị giá lớn, nếu áp dụng phải có hai loại chứng từ thanh toán sẽ rất phiền hà cho doanh nghiệp, phát sinh chi phí, chậm tiến độ kinh doanh và có nhiều rủi ro về tài chính.
“Có những lô hàng trị giá hàng chục triệu USD, nếu bắt doanh nghiệp phải đứng ra thanh toán nhập về thì không biết chúng tôi lấy tiền ở đâu ra, trong khi chúng tôi được nhà nước công nhận như những doanh nghiệp làm thuê với vốn chỉ có một vài chục tỷ đồng. Hàng loạt doanh nghiệp tạm nhập tái xuất tới đây chắc chắn sẽ phải đóng cửa vì quy định này của Bộ Tài chính”, vị này nói.
Còn theo đại diện một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu khác, cho biết tới đây không biết các doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập tái xuất sẽ xoay xở ra sao để tồn tại khi mà vốn của các doanh nghiệp Việt hầu hết đều ở quy mô nhỏ, không thể có đủ vốn để thực hiện mua bán trực tiếp với bên thứ 3. Hơn nữa, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang “dở khóc dở mếu” với những hợp đồng đã ký trước ngày 1/11/2013, tức là khi quy định cũ vẫn còn hiệu lực.
Ngoài ra, trước phản ánh của một số doanh nghiệp về việc một số cục, chi cục Hải quan phía Bắc vẫn áp dụng quy định cũ, tức là chỉ yêu cầu doanh nghiệp xuất trình 1 chứng từ hoá đơn tiền hoa hồng để được hoàn thuế, đại diện Đội Kế toán Thuế Hải quan Khu vực 1, Hải quan Nội Bài đều khẳng định với VnEconomy “không có chuyện đó”. Mọi quy định hiện này đều phải theo Thông tư 128 của Bộ.
Đại diện Vụ Kiểm tra thuế, Tổng cục Hải quan cho hay, theo Thông tư 194 trước đây, hàng hoá tạm nhập tái xuất thuộc đối tượng chịu thuế nhưng chưa phải nộp ngay. Trường hợp doanh nghiệp đã nộp thuế thì sau khi xuất hàng sẽ được hoàn thuế, nhưng phải có chứng từ để chứng minh đã có giao dịch qua ngân hàng, trong đó chỉ yêu cầu chứng từ thanh toán tiền hoa hồng của bên thứ 3 cho doanh nghiệp tạm nhập tái xuất trong nước.
Tuy nhiên, theo vị này, quy định này đã không phù hợp với Nghị định 12 hướng dẫn Luật Thương mại, tức là yêu cầu doanh nghiệp tạm nhập tái xuất phải có 2 hợp đồng riêng biệt.
Liên quan đến những vướng mắc đối với các hợp đồng đã ký trước ngày 1/11/2013, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, đã nhận được phản ánh này từ các cục hải quan tỉnh, thành. Tới đây, Tổng cục sẽ có hướng dẫn cụ thể đối với những trường hợp này.
Song Hà
vneconomy
|