Thứ Ba, 05/11/2013 15:19

Thủ lĩnh, bản lĩnh và búa rìu - Kỳ cuối:

Búa rìu - Công cụ thanh khoản?

Sau thời điểm WB và IMF có những đánh giá tích cực về chính sách tiền tệ góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ông Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Ngân sách của Quốc hội cũng đã có đánh giá về lĩnh vực này trên VTV xứ ta.

* Nỗi buồn mang tên 'Bình Thống đốc'

Trụ sở NHNN Việt Nam.

Xin Tiến sĩ (TS) cho biết vai trò của chính sách tiền tệ mà NHNN đã kiên trì theo đuổi trong suốt hai năm qua đối với các mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô?

TS Trần Du Lịch: Về tổng thể, chính sách tiền tệ thực hiện trong năm 2012-2013 xuyên suốt từ Nghị quyết 11 của Chính phủ từ năm 2011 với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì mức tăng trưởng hợp lý. Những kết quả mà ta đánh giá là năm 2013 có thể tăng trưởng chưa đạt mục tiêu yêu cầu nhưng về mặt những nhân tố ổn định kinh tế vĩ mô tốt hơn nhiều trong nhiều năm vừa qua.

Theo ông kết quả nổi bật nhất của thực thi chính sách tiền tệ là gì?

TS Trần Du Lịch: Đầu tiên và lớn nhất đó là kiềm chế lạm phát. Nếu như năm 2011, mặc dù đã thực thi Nghị Quyết 11 nhưng lạm phát vẫn trên 18%, năm 2012 là 6,51% và hiện tại tỷ lệ lạm phát vẫn giữ khoảng như năm 2012 có nghĩa là “lạm phát không còn là con ngựa bất kham nữa” . Cái đó có đóng góp rất lớn của việc kiên trì chính sách tài chính tiền tệ.

Thứ 2 là đã ổn định được tỷ giá đồng tiền Việt Nam và tăng được dự trữ ngoại hối. Đây là lúc tiềm lực dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước đã đủ mạnh để thị trường không thể làm mưa làm gió như trước.

Thứ 3 là vừa kiềm chế được lạm phát vừa giảm được lãi suất. Trước đây hai việc đấy ngược nhau là muốn chống lạm phát thì phải tăng lãi suất nhưng nay chống được lạm phát nhưng lại giảm được lãi suất.

Để đạt được những điều như vậy có những giá phải trả tuy nhiên phải khẳng định sự đúng đắn của chính sách tiền tệ ( Nguồn VTV- 18/10/2013)

Sự trả giá, như vị TS nói, có lắm thứ. Có những thứ mất mát thua thiệt ngành ngân hàng (NH) có thể tính đếm được. Năm 2012 nền kinh tế phải trả lãi 20 tỷ USD với mức lãi suất trước đây. Bây giờ, lãi suất giảm 50%, đầu tiên cái lợi của nền kinh tế đã giảm một nửa chi phí tài chính phải trả lãi cho NH, lãi cho NH 1 phần, và lãi cho người gửi tiền.

Nhỡn tiền, lãi suất từ 9,99% xuống 8% rồi phá giá lãi suất còn 5,91%/ năm. Rồi các gói ưu đãi hàng ngàn tỷ đồng được các ngân hàng liên tiếp đưa ra, cho vay. Điều đó có nghĩa là các ngân hàng chấp nhận hòa vốn hoặc không có lãi để cho vay ra.

Điều này đã phản ánh giá vốn vay đã rẻ hơn trước rất nhiều và các NH đang muốn đẩy vốn ra nền kinh tế?

Đêm trước ngày công bố sự kiện lấy phiếu tín nhiệm, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đang ở đâu?

Vẫn sắc diện bình thản thường ngày, ông Bình cho cuộc họp giải lao. Châm một điếu thuốc mới, ông thong thả kèm cái cười gần như thường trực, tôi mới nhận được tin kết quả bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội. Thống đốc NHNN đội sổ...

Ông không ở nhà với vợ cùng 3 con sinh ba, hai trai một gái và đốt thuốc để đợi một cái kênh nào đó thạo tin. Trợ lý Thống đốc cho biết, cuộc họp từ chiều dưới sự chủ trì của Thống đốc và các yếu nhân của ngành như Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ, Chánh thanh tra, Vụ trưởng Vụ tín dụng, Vụ trưởng Tổ chức, Vụ trưởng Ngoại hối... ở trụ sở NHNN từ đầu giờ chiều đến 6 giờ tối vẫn chưa kết thúc. Thống đốc Nguyễn Văn Bình đề nghị họp tiếp. Mọi người đồng ý.

Những suất cơm hộp được phân phát...

Nội dung cũng vẫn là những việc cũ được triển khai từ thời điểm cuối năm 2011 như tái cấu trúc hệ thống ngành. Hạ lãi suất nhưng không bơm tiền mặt. Xử lý nợ xấu vv... Nhưng ở cuộc họp này, nhịp độ công việc được triển khai quyết liệt hơn. Và cả khôn khéo hơn.

21 giờ hơn, một trợ lý vào xin lỗi và ghé tai ông Bình điều gì đó...

Vẫn sắc diện bình thản thường ngày, ông Bình cho cuộc họp giải lao. Châm một điếu thuốc mới, ông thong thả kèm cái cười gần như thường trực tôi mới nhận được tin kết quả bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội. Thống đốc NHNN đội sổ...

Các thành viên dự họp, vốn đã quá quen với tính cách lẫn tính nết của ông Thống đốc. Hằng bao năm ở cùng nhau. Không phải cương vị bây giờ mà từ khi ông là Chánh Văn phòng, Chánh thanh tra hoặc lâu hơn, trước nữa... Nhưng cả phòng họp không có ai cười như ông.

Chất giọng người chủ trì cuộc họp điềm tĩnh, rành rẽ như xua bớt không khí lặng lẽ có phần váng vất như bị choáng...

Nếu mọi người thấy những cách thức chúng ta đã thống nhất, đã bàn là đúng để vực dậy ngành ta nói riêng và ổn định nền kinh tế vĩ mô thì hãy cùng tôi kiên quyết bảo vệ cái đúng đã bàn định và cứ thế mà làm - ông đưa cặp mắt nhìn khắp lượt- Rồi bà con sẽ hiểu chúng ta. Đó là cách thanh minh tốt nhất. Cả nhà mình chắc còn nhớ trong phiên trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã chia sẻ động viên chúng ta rằng, ngành NH sẽ không cô đơn. Tôi muốn nói thêm, các bộ phận có trách nhiệm phải kiên định tự tin hơn trong công việc vốn đã nặng nề khó khăn, sắp tới sẽ càng chồng chất hơn. Nhà khó mới biết lòng con thảo.

Chẳng hay những kiên định, tự tin của Thống đốc lây lan đến các cộng sự của mình bằng cách nào? Tái cấu trúc, hạ lãi suất, đồng nghĩa với những thiệt thua nhỡn tiền. Những lấn bấn của việc thu nhập tụt, người dôi dư? Rồi riêng Thống đốc, chốc nữa về nhà riêng, ông sẽ sẻ chia những gì với bà vợ cũng là nhân viên của ngành?

Thị trường ngoại tệ Việt, luôn bấp bênh, biến động và sự quản lý thường tất bật chạy sau những diễn biến, sau những cơn sốt đô la.

Dịp mới đây, tôi được ngồi với ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Cục trưởng kiêm Chánh thanh tra NHNN. Ông Nghĩa bộc bạch, cách đây 2 năm, vào giữa năm 2011, những người làm NH chúng tôi từng thường trực một cảm giác bất an, thậm chí run sợ bởi nguy cơ rất lớn là hệ thống ngân hàng có thể sụp đổ! Toàn bộ nền kinh tế vĩ mô có thể rơi vào khủng hoảng. Vào thời điểm đó, tỷ lệ lạm phát rơi vào khoảng 18-19%, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam tụt từ 23 tỷ xuống còn 7 tỷ USD.

Nhưng với nhiều cách làm rốt ráo và sáng tạo, chúng tôi đã tăng được dự trữ ngoại tệ từ 7 tỷ lên 28 tỷ USD. Anh Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc từng chia sẻ với chúng tôi cảm giác kinh ngạc! Bởi vào năm 2007, chúng ta mua 10 tỷ đô la thì đã đưa lạm phát từ 4,5% lên 18% vì không thể nào trung hòa nổi khối lượng tiền Việt đưa ra thị trường lớn như vậy. Trong khi đó, vào thời điểm này, trong vòng thời gian rất ngắn, chúng ta mua đến 20 tỷ USD, gấp đôi con số chúng ta mua năm 2007, không những không làm cho lạm phát tăng thêm mà làm cho nó giảm từ 18% xuống 7%.

Còn về vàng? Có ý kiến ông Thống đốc đã làm nhạt bớt đi sắc vàng của câu thành ngữ được đảm bảo bằng vàng? Thời điểm ông nhậm chức, cả nước giăng giăng trên 11 ngàn cơ sở kinh doanh vàng. Nay còn hơn 3.000. Rồi nữa, hình như trước đây sự giao dịch, chẳng hạn thị trường bất động sản, người ta trao đổi, thế chấp bằng vàng. Nhưng bây giờ là tính bằng tiền VND?

Hình như quyết định của ông Thống đốc không quyết liệt hô hào thực hiện triệt để việc thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới là một việc khôn ngoan. Có nên nhập khẩu vàng thoải mái để đáp ứng nhu cầu về vàng trong nước? Rồi chấp nhận một số lượng lớn ngoại tệ sẽ ra khỏi đất nước, gây sức ép lớn lên tỷ giá, ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối và dự trữ ngoại tệ quốc gia? Rồi nữa, vô tình khuyến khích hoạt động đầu cơ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường ngoại hối? vv...

Có lẽ các chuyên gia kinh tế sẽ mổ xẻ quyết định ấy cùng phân tích những quyết định pháp lý mới về vàng gần đây của NHNN. Nhưng nhỡn tiền, dù hiện còn chênh với giá vàng thế giới 3 triệu đồng nhưng thị trường vàng trong nước đã ổn định và tình trạng vàng hóa nền kinh tế đã được hạn chế. Và vàng dường như đã được loại ra khỏi rủi ro của hệ thống tín dụng?

Còn nợ xấu? Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại. Nhưng NHNN đã làm ngược lại? Sau bao nhiêu những úp mở bóng gió rằng tỷ lệ nợ xấu không vượt, không kịch trần này khác... Thời điểm giữa năm nay, lần đầu tiên Việt Nam ( có nhiều quốc gia như thế không nhỉ?) đã công khai con số nợ xấu gần 300.000 tỷ đồng ra trước bàn dân thiên hạ!

Trưng ra như một thứ thở dài, bất lực là một việc. Xử lý ra sao là cả lộ trình gian nan những thách đố. Với nguyên tắc bất biến ( giới tài chính cho là cao thủ?) xử lý nợ xấu nhưng không được sử dụng tiền ( bơm tiền) của ngân sách. Rồi công ty mua bán nợ xấu ( VAMC) đã được thành lập và hoạt động. Vấn đề trở nên nóng bởi chỉ trong thời gian ngắn, hơn 100.000 tỷ đồng nợ xấu đã được giải quyết. Nóng hơn, đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đối tác trong nước, đặc biệt của nước ngoài. Dịp thích hợp, chúng tôi sẽ đề cập đến thứ xấu xí ( nợ xấu) mà lại có giá, mà lại bán được này.

Búa ấy, rìu ấy nó là cái gì vậy? Thái độ thẳng thắn chỉ ra khiếm khuyết? Và có bao nhiêu tỷ lệ chưa hiểu? Ngộ nhận? Thiếu đồng cảm thông cảm thậm chí, ác ý nữa? Lần gặp mới đây giữa báo chí với ông Bình, một đồng nghiệp đã hỏi ông như thế...

Ông Thống đốc vẫn bình thản với cái cười cố hữu nhưng bất ngờ rằng, cái mà người ta coi là búa rìu dư luận ấy, không phải nói cho nhẹ đi mà tôi luôn coi đó là những cú hích cho công việc của cá nhân mình lẫn hệ thống ngân hàng. Những câu hỏi, những chất vấn ấy, như một dạng phản biện mà tạm dùng thuật ngữ của ngành, là công cụ hữu hiệu để thanh khoản chất lượng công việc của mình. Lộ trình của một nhiệm kỳ tinh những suôn sẻ cùng khen tặng với nịnh hót thì không có đâu, với lại nó cũng đơn điệu và buồn tẻ!

Có ăn có chọi mới gọi là trâu. Các cụ nhà mình hình như đã vận đã đóng khung và chia ở thì tương lai gần lẫn xa những tất tả của ông Thống đốc vào cái tuổi Sửu 1961?

Trách nhiệm của ông Thống đốc và ngành ngân hàng đã đành. Nhưng những lệnh, những hô và điều hành sao đó cho các ngành kinh tế đều nhịp bước với tiền tệ là cả một sự thách đố tài năng cùng bản lĩnh của Chính phủ?

Và cũng để ngành ngân hàng đỡ rìu búa lẫn cô đơn?

Vẫn còn nhiều, rất nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay. Vẫn còn vô khối hệ lụy và rập rình nguy cơ lặp lại những chu trình, những bất an của hệ thống tiền tệ với nạn lạm phát, những rủi ro thị trường ngoại hối và tỷ giá... Nhưng dân mình vẫn nói, thôi thì có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ. Đã ló rạng những kết quả, những gắng gỏi đầu tiên của công cuộc đổi mới điều hành chính sách tiền tệ, kiềm chế lạm phát...

Xuân Ba

tiền phong

Các tin tức khác

>   Kiểm soát ngoại tệ: Vì tránh H5N1 nên cấm nuôi gà? (05/11/2013)

>   Đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam phải thực hiện bằng VND (05/11/2013)

>   Một số điểm nổi bật về cải cách ngân hàng giai đoạn 2011-2013 (05/11/2013)

>   'Được và mất' sau những thương vụ hợp nhất ngân hàng (05/11/2013)

>   Thống đốc: Xử lý nợ xấu qua VAMC là đặc thù Việt Nam (05/11/2013)

>   Ngân hàng nhỏ lo nợ xấu sẽ ngày càng xấu (05/11/2013)

>   Tỷ giá ổn định, giá bán USD phổ biến là 21.115 đồng/USD (05/11/2013)

>   Mua bán nợ xấu: Để không đánh bùn sang ao (05/11/2013)

>   VietinBank: “Bà đỡ” DN xuất nhập khẩu (04/11/2013)

>   Tín dụng ngoại tệ của TPHCM giảm mạnh (04/11/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật