Mua bán nợ xấu: Để không đánh bùn sang ao
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đẩy nhanh việc hình thành thị trường mua bán nợ, tạo điều kiện bán nợ cho nhà đầu tư. Bởi nếu không có thị trường mua nợ, thì nợ xấu khó được xử lý cơ bản, mà vẫn chủ yếu “đánh bùn sang ao”.
Rốt ráo xử lý nợ xấu
Phát biểu tại diễn đàn Quốc hội cuối tuần qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, trong năm 2012 và 9 tháng đầu năm 2013, NHNN đã tiến hành 3 giải pháp để xử lý nợ xấu.
Nếu không có thị trường mua nợ, thì nợ xấu khó được xử lý cơ bản, mà vẫn chủ yếu “đánh bùn sang ao”
|
Thứ nhất, đã cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ với tổng số nợ lên tới 300.000 tỷ đồng, trong đó có khoảng 60% các khoản nợ nếu không được cơ cấu lại thì đã trở thành nợ xấu.
Thứ hai, các ngân hàng thương mại đã tích cực trích lập dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu bằng nguồn dự phòng rủi ro.
Năm 2012 và 9 tháng đầu năm nay, toàn hệ thống ngân hàng đã trích lập và xử lý nợ xấu bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro tổng cộng 100.000 tỷ đồng, tương đương 3% tổng dư nợ.
Thứ ba, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã đi vào hoạt động và đã mua được 10.000 tỷ đồng nợ xấu.
Thống đốc khẳng định, nếu không có các giải pháp trên, nợ xấu đã tăng thêm khoảng 10%.
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, việc VAMC tiến hành mua nợ sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng mới, bởi các khoản nợ được VAMC mua lại không còn được tính là nợ xấu của doanh nghiệp.
Ngoài ra, các khoản nợ này, sau khi VAMC mua lại, sẽ tiến hành cơ cấu lại cả về lãi suất và thời hạn vay, đảm bảo khả năng chịu đựng và khả năng tổ chức sản xuất của các doanh nghiệp trong thời gian tới. Về phía các ngân hàng, việc bán nợ cho VAMC cũng khiến ngân hàng có thêm vốn hoạt động.
Hậu mua nợ, phải tạo thị trường bán nợ
Dù NHNN đã có nhiều giải pháp xử lý nợ xấu, song vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng, nợ xấu chưa được xử lý cơ bản, mà vẫn chủ yếu “đánh bùn sang ao”.
TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cho rằng, nợ xấu vẫn là điểm nghẽn của nền kinh tế hiện nay. “Vừa qua, VAMC đã khởi động mua nợ, nhưng nếu không có dòng tiền từ bên ngoài bơm vào, thì xử lý nợ vẫn là chuyển nợ từ ngân hàng sang VAMC. Hiện có nhiều ý kiến cho rằng, các tập đoàn nước ngoài muốn mua nợ Việt Nam, nhưng với cơ chế hiện nay, chắc chắn không nhà đầu tư nào dám mua”.
Tương tự, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cũng tỏ ra băn khoăn khi cho rằng, VAMC mua nợ, nhưng bán nợ cho ai lại chưa rõ ràng. Vì vậy, cách làm này dễ tạo ra nợ ảo, bởi nợ xấu thực chất vẫn còn.
Liên quan đến việc bán nợ cho ai, TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định, Việt Nam đang có nhiều cơ hội bán nợ cho các tập đoàn nước ngoài.
“Nếu bỏ lỡ cơ hội này, nợ xấu sẽ khó được xử lý. Tuy nhiên, để bán được nợ cho nước ngoài, cần tháo gỡ một số vướng mắc về pháp lý, đặc biệt là thủ tục mua, bán nợ phải thật nhanh”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Về vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, năm 2013, VAMC sẽ mua 30.000 - 35.000 tỷ đồng nợ xấu. Năm 2014, con số này có thể lên đến 100.000 - 150.000 tỷ đồng.
Với quy mô nợ lớn như vậy, NHNN hy vọng thị trường mua bán nợ sẽ được tạo lập và hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên, muốn vậy, thủ tục mua, bán nợ cũng phải được đẩy nhanh.
“Các cơ quan của nhà nước cần nhanh chóng hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết để trên cơ sở đó tạo ra một thị trường mua bán nợ tập trung cho tất cả các nhà đầu tư trong nước và quốc tế”, Thống đốc nhấn mạnh.
Bên cạnh tạo lập thị trường bán nợ, ông Bình cũng cho rằng, cần có thêm nhiều giải pháp đồng bộ, như xử lý nợ xây dựng cơ bản, tăng tổng cầu nền kinh tế.
Ngoài ra, để xử lý nợ xấu, tháng 11 này, NHNN cũng sẽ ký kết với Bộ Xây dựng để cho ra mắt những sản phẩm liên kết 4 nhà nhằm giảm tồn kho vật liệu xây dựng.
Hà Tâm
đầu tư
|