Một số điểm nổi bật về cải cách ngân hàng giai đoạn 2011-2013
Với các chính sách rõ ràng và biện pháp quyết liệt, trong giai đoạn 2011-2013, NHNN đã có những nỗ lực đáng kể trong điều hành chính sách tiền tệ và đổi mới, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao.
Trong 2 năm qua, thị trường tiền tệ đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Lạm phát giảm nhanh từ 23% vào tháng 8/2011 xuống còn 6,9% vào tháng 6/2012 và lạm phát trong 9 tháng đầu năm 2013 chỉ tăng 4,63% so với cuối năm 2012.
Tình trạng hỗn loạn về lãi suất huy động đã được ngăn chặn và chấm dứt, kể cả trên thị trường liên ngân hàng, mặt bằng lãi suất huy động từng bước ổn định. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng cải thiện và ổn định dần, mặt bằng lãi suất cho vay giảm mạnh từ 17-20% vào cuối năm 2011 xuống 8-13% hiện nay. Cơ cấu tín dụng chuyển biến tích cực theo hướng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, giảm tín dụng ngoại tệ và tăng tín dụng VND. Tỉ giá được giữ vững và ổn định như cam kết, dự trữ ngoại hối tăng từ 7 tuần nhập khẩu vào giữa năm 2011 lên 12 tuần hiện nay. Thị trường vàng bước đầu được quản lý và đạt kết quả đáng ghi nhận.
Lần đầu tiên, bài toán tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được đặt ra và thực hiện quyết liệt, đã xử lý được những ngân hàng yếu kém. Hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng được cải thiện, các giải pháp tăng cường an toàn hoạt động ngân hàng được chú trọng thực hiện.
Cụ thể, NHNN luôn bám sát diễn biến thị trường tiền tệ, giám sát chặt chẽ và hỗ trợ thanh khoản kịp thời cho các TCTD. Thị trường liên ngân hàng ổn định, mặt bằng lãi suất đã giảm từ 13-14%/năm vào cuối năm 2011 xuống 5-6%/năm vào cuối năm 2012, lãi suất cho vay qua đêm chỉ còn 2,5-3,2%/năm. Đây là mức giảm nhanh và sâu nhất trong nhiều năm trở lại đây, tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và nền kinh tế. Thanh khoản của các TCTD được cải thiện tích cực, các tỉ lệ và chỉ tiêu an toàn hệ thống ngân hàng được đảm bảo.
Các biện pháp cung tiền đã góp phần kiểm soát tín dụng và tổng phương tiện thanh toán, kiềm chế lạm phát theo mục tiêu đề ra. Sau nhiều năm tăng trưởng nóng, tổng phương tiện thanh toán năm 2011 và năm 2012 chỉ tăng lần lượt 12,5% và 22,5%, lạm phát giảm từ 18,13% vào năm 2011 xuống 6,8% trong năm 2012 và 9 tháng đầu năm 2013 chỉ tăng 4,63%.
Các hoạt động điều hành tín dụng được NHNN thực hiện theo mục tiêu nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kiểm soát cho vay ngoại tệ và chống đô la hóa. Tại thời điểm tháng 8/2011, lãi suất cho vay lên đến 20-25%/năm, NHNN đã đề ra lộ trình giảm dần các mức lãi suất điều hành và lãi suất huy động vốn của các TCTD, phù hợp với xu hướng giảm của lạm phát, đảm bảo nguyên tắc lãi suất thực dương. Lãi suất cho vay VND đã giảm mạnh từ mức 17-19%/năm vào cuối năm 2011 xuống 12-15%/năm vào cuối năm 2012. Hiện nay, lãi suất cho vay VND đối với 5 lĩnh vực ưu tiên đang dao động quanh mức 7-9%/năm.
Trước tình trạng hàng hóa tồn đọng và nhiều doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn, NHNN đã chỉ đạo các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vốn vay, xem xét cho vay mới đối với những nhu cầu vay vốn hiệu quả và đảm bảo khả năng trả nợ.
Sau khi tăng thấp so với cuối năm 2012, tín dụng bắt đầu có dấu hiệu cải thiện từ quý II/2013, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm đã tăng 6,82% so với đầu năm. Trong đó, tín dụng VND tăng 11,18%, tín dụng ngoại tệ giảm 13,0%, phù hợp với chủ trương giảm tình trạng đô la hóa. Cơ cấu tín dụng chuyển dịch tích cực, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp công nghệ cao.
NHNN thể hiện quyết tâm xử lý nợ xấu với bước đi quan trọng là xây dựng Đề án xử lý nợ xấu cùng với việc thành lập Công ty quản lý và khai thác tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC).
Ngoài ra, trong 9 tháng đầu năm 2013, NHNN tiếp tục triển khai có hiệu quả nhiều nhiệm vụ quan trọng khác: Điều hành tỉ giá đã tạo được niềm tin của thị trường và ổn định thị trường ngoại hối; tăng cường quản lý kinh doanh vàng, hạn chế tác động tiêu cực của thị trường vàng đến ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện tốt công tác thanh tra, giám sát, từng bước lập lại kỷ cương trong hoạt động tiền tệ, ngân hàng...
Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới (IMF/WB) ủng hộ mạnh mẽ những bước đi gần đây của Chính phủ Việt Nam và NHNN trong việc kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu, đặc biệt là việc thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng.
Theo WB, các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ đã góp phần làm lạm phát giảm liên tục trong vòng 2 năm qua, cán cân thương mại thặng dư nhờ xuất khẩu tăng nhanh, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng từ 1,6 tháng nhập khẩu vào cuối năm 2011 lên 2,8 tháng trong quý I/2013. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng tăng gần 18% năm 2012 và khoảng 19% trong 7 tháng đầu năm 2013 sau khi giảm liền hai năm 2010 và 2011.
Như vậy, với các chính sách rõ ràng và biện pháp quyết liệt, NHNN đã có những nỗ lực đáng kể trong việc điều hành chính sách tiền tệ và đổi mới, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ khó khăn, được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao.
sbv
|