Vinacas: Nhiều cơ sở chế biến điều nhỏ "thất nghiệp"
Trong 9 tháng đầu năm 2013, mặc dù lượng điều thô nhập vào Việt Nam tăng 81% so cùng kỳ nhưng vẫn có nhiều cơ sở chế biến điều tại Bình Phước, tỉnh có diện tích điều lớn nhất cả nước, phải tạm thời cho công nhân nghỉ việc vì thiếu nguyên liệu.
>>> Điều thô nhập khẩu tăng vọt
Việc các doanh nghiệp lớn đầu tư máy cắt vỏ hạt điều đã ít nhiều khiến các cơ sở chế biến hạt điều nhỏ thiếu nguyên liệu để tiếp tục hoạt động.
|
Ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư ký Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, vì những cơ sở chế biến nhỏ ở Bình Phước chủ yếu là gia công cho các doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp lớn này đã hết điều thô nguyên liệu ở trong kho dự trữ nên cơ sở chế biến điều nhỏ không còn việc làm.
Một nguyên nhân khác là do trong hai năm qua nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu điều đã trang bị máy cắt vỏ hạt điều để giảm phụ thuộc vào nguồn lao động địa phương và giảm được chi phí giá thành.
Đây cũng là lý do khiến giá điều xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay thấp hơn năm trước nhưng doanh nghiệp xuất khẩu lại có doanh thu tăng và có lãi. Hiện giá điều nhân xuất khẩu loại W320 ở mức 3,25- 3,35 đô la Mỹ/pound (tương đương 0,454kg).
Ông Giang cho biết, trong 9 tháng của năm 2013, Việt Nam đã nhập 503.000 tấn điều thô, và đã chế biến hết, còn lượng điều thô nhập khẩu trong tháng 10, 11 vẫn đang trên đường về Việt Nam, vì thế, doanh nghiệp thiếu điều thô như nói ở trên.
Thống kê chưa đầy đủ của Vinacas cho biết, hiện có khoảng 1.000 cơ sở, doanh nghiệp chế biến hạt điều, trong đó 40% là doanh nghiệp, cơ sở lớn, còn lại là những cơ sở nhỏ thường hoạt động theo quy mô hộ gia đình và có số lượng nhân công dưới 10 người.
Vinacas dự báo lượng điều thô nhập khẩu cả năm 2013 vào khoảng 600.000 tấn, tăng 200.000 tấn so với kế hoạch đề ra từ đầu năm nay. Tuy nhiên, nhiều khả năng các cơ sở chế biến điều thô quy mô nhỏ sẽ tiếp tục thiếu việc làm trong hai tháng cuối năm.
Theo Vinacas thị trường châu Âu, Bắc Mỹ, Úc hiện có nhiều nhà nhập khẩu đang hỏi mua điều nhân và muốn nhận hàng trong tháng 11-2013, và một số nhà nhập khẩu từ các thị trường này muốn nhận hàng trong quí 1-2014. Tuy nhiên, do lượng tồn kho điều nguyên liệu trong nước thấp, kèm theo những rủi ro trên thị trường nguyên liệu nhập khẩu nên doanh nghiệp Việt Nam thận trọng hơn trong những hợp đồng giao xa này.
Ngọc Hùng
TBKTSG
|