Bão Nari sẽ đưa vàng trắng cao su thành thảm họa?
Qua cơn bão số 10, những người dân ở Quảng Bình và Quảng Trị đang phải chống cao su đón bão số 11. Mặc dù hàng ngàn hecta cao su đã gãy đổ trong cơn bão số 10 nhưng người dân ở đây vẫn tiếp tục trồng loại cây này, bất chấp cảnh báo rủi ro từ thiên tai.
Tâm sự với phóng viên báo Đất Việt, ông Nguyễn Khắc Cận (55 tuổi ở thôn Thủy Ba Hạ, xã Vĩnh Thủy, Huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) chia sẻ: "Gia đình tôi có 15 hecta cao su, cơn bão số 10 vừa qua đã làm đổ gãy 7 hecta.
Tôi đã phải tập trung hơn 100 nhân công kết hợp với máy xúc dựng những cành gãy và xúc đất đổ quanh gốc cây để những cây cao su đó tiếp tục phát triển và cho ra mủ.
Mỗi lô nhà trồng 500 cây, trồng 8 năm cây cao su mới cho ra lượng mủ lớn. Qua cơn bão số 10, giờ gia đình đã khắc phục tương đối những phần đổ gãy, những cây mới trồng còn chống lại được. Những cây lâu năm thì chịu mất thôi".
Ông Nguyễn Quang Bảo trú ở thôn Tân Thủy, xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh, Quảng Trị cũng tâm sự: "Nhà trồng được 6 hecta cao su nhưng cơn bão số 10 vừa qua đã làm đổ gãy 90%, gia đình đã khắc phục nhưng chỉ được vài chục cây mà thôi.
Còn lại hỏng hầu hết. Cây nhỏ chưa khai thác mủ lần nào còn khắc phục được, cây lớn đổ gãy ngang thì không chống lại được. Cơn bão số 11 sắp đến nên gia đình phải tập trung chống lại cây, cắt những cành cao su đổ gãy để dựng quanh gốc và lấp đất lại để cây tiếp tục phát triển và tránh cơn bão tới.
Trước khi cơn bão số 10 tới trung bình mỗi ngày gia đình cũng thu được khoảng 2 triệu tiền mủ, giờ thì chỉ còn khoảng 200 nghìn thôi. Không biết cơn bõ số 11 này đến thế nào, chỉ mong sao không ảnh hưởng như cơn bão trước vì gia đình tôi trông chờ cả vào lượng mủ cao su".
Những ngày gần đây, hơn 400 công nhân của Công ty TNHH MTV Lệ Ninh (Lệ Thủy, Quảng Bình) đang tất bật thu dọn hàng trăm hecta cao su của công ty bị gãy đổ trong cơn bão vừa qua. Một nhóm đi đào hố trồng cây mới, nhóm dựng dậy những cây cao su bị bật gốc, nhóm khác cắt bỏ những cây bị bão bẻ gãy.
Ông Nguyễn Văn Dụ ở thôn 2 Quyết Tiến (Quảng Bình) làm việc cho Công Ty TNHH MTV Lệ Ninh (Lệ Thủy, Quảng Bình) nói: "Những cây cao su trồng từ năm 2005 đang được chống lại và gần như đã ổn, còn những cây trước đó thì không chống lại được nữa.
Các nhân công ở đây phải chặt thêm cây rừng để chống quanh các gốc cao su cho chắc chắn, những cây gãy dựng lại 2 bên và buộc thêm dây. Lấp lại đất vào các gốc nữa là xong, về cơ bản đã khắc phục xong hậu quả của cơn bão số 10, cố gắng chống lại những cây cao su đổ gãy cho chắc chắn để cơn bão số 11 đến không bị gãy đổ nữa".
Cũng từng làm việc tại Công ty TNHH MTV Lệ Ninh, ông Nguyễn Văn Dân giờ làm bí thư thôn 3B, thị trấn Lệ Ninh chia sẻ: "Hết năm nay may ra mới chống lại được toàn bộ các cây cao su bị đổ gãy, hết trận bão số 10 lại tiếp tục đến cơn bão số 11.
Trận bão số 10 vừa qua tàn phá đi rất nhiều cây cho ra lượng mủ nhiều. Giờ các nhân công đang tích cực ngày đêm chống dựng lại những cây có khả năng sống sót để tránh cơn bão số 11 đang tới, mọi người phải phải chặt những cây xung quanh để dựng lại cho thành hàng lối".
Nguyễn Ngân
đất việt
|