Thứ Ba, 15/10/2013 09:59

Gian nan tôm Việt Nam vào Hoa Kỳ- Kỳ I

Việt Nam không bán phá giá tôm vào thị trường Hoa Kỳ

Sau nhiều năm áp thuế chống bán phá giá vô lý lên tôm Việt Nam, lần đầu tiên Bộ Thương mại Hoa Kỳ phải công nhận các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tôm của Việt Nam đã không bán phá giá.

Việt Nam là nước có số lượng xuất khẩu tôm vào Hoa Kỳ lớn thứ ba trên thế giới

Ngày 10/9/2013, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ra quyết định cuối cùng về mức thuế chống bán phá giá (CBPG) tôm nước ấm đông lạnh Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ giai đoạn từ ngày 1/2/2011 đến 31/1/2012.

Trong quyết định này, DOC đã công nhận toàn bộ 33 DN xuất khẩu tôm của Việt Nam tham gia đợt xem xét hành chính lần thứ 7 này (POR7) đều không bán phá giá tôm trên thị trường Hoa Kỳ. Do đó, 33 DN đều nhận mức thuế 0%.

Ngược dòng thời gian vụ kiện

Đêm 31/12/2003 (giờ Việt Nam), Liên minh Tôm miền Nam Hoa Kỳ (SSA) đã chính thức nộp đơn khởi kiện “chống bán phá giá tôm” lên Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) và Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC). Đơn khởi kiện được tách riêng cho từng nước và gồm 6 nước: Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador và Brazil. Mặt hàng khởi kiện bao gồm hầu hết các loại sản phẩm tôm nước ấm, cả đông lạnh và đóng hộp. Mức thuế yêu cầu áp đặt cho Việt Nam từ 30 - 99%.

Năm 2004, tôm Việt Nam chính thức bị Hoa Kỳ áp thuế CBPG với mức thuế 4,57% cho các DN tham gia xem xét hành chính lần thứ 1 (16/7/2004 - 31/1/2006).

Ngày 26/1/2005, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã quyết định tăng thuế chống bán phá giá với tôm Việt Nam, thuế suất của cả DN bị đơn bắt buộc và bị đơn tự nguyện đều tăng từ 0,17 - 0,25% so với mức đã công bố ngày 30/11/2004. Không chỉ thay đổi về các mức thuế, DOC còn xem xét lại việc hưởng thuế suất riêng biệt đối với từng bị đơn. Trong số 34 công ty Việt Nam trong diện điều tra, DOC đã chấp nhận 29 công ty được hưởng tỷ lệ thuế riêng rẽ với mức thuế suất là 4,38%. Còn mức thuế chung cho các công ty Việt Nam khác là 25,76%.

Như vậy, từ 2004 đến nay, trải qua 7 đợt rà soát cùng với nỗ lực bền bỉ của các DN tham gia theo đuổi vụ kiện, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cuối cùng cũng đã phải thừa nhận thực tế là các DN xuất khẩu tôm Việt Nam không bán phá giá vào ngày 10/9/2013 và lần đầu tiên Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã quyết định mức thuế 0% cho tất cả các DN xuất khẩu tôm Việt Nam tham gia xem xét hành chính thuế chống bán phá giá.

Cùng với quyết định cuối cùng POR7 của DOC, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) khẳng định, các DN xuất khẩu tôm Việt Nam đang và sẽ hoạt động theo đúng quy luật của kinh tế thị trường. Vì vậy, đương nhiên DN tôm và sản phẩm tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ phải được đối xử khách quan, công bằng, phù hợp với tinh thần thương mại tự do, bình đẳng cũng như quan hệ kinh tế, thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Đối phó với các vụ kiện bán phá giá

Vấn đề chống bán phá giá là một trong những lĩnh vực khá mới, rất phức tạp và khó đối với không những các cơ quan quản lý nhà nước mà cả đối với các DN. Vụ kiện tôm là vụ kiện chống bán phá giá lớn nhất, phức tạp nhất và có tác động lớn đến đông đảo người nông dân Việt Nam. Chính vì vậy, trong thời gian trước và trong toàn bộ quá trình xử lý vụ kiện, các DN Việt Nam đã có những bước chuẩn bị hết sức cẩn thận, đầy đủ và đã tập hợp lực lượng, huy động được sự đoàn kết, thống nhất cao trong cộng đồng các DN sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam. VASEP và Ủy ban Tôm (VSC) đã nỗ lực tập trung rất nhiều thời gian, công sức và nhân lực, hỗ trợ giúp đỡ các doanh nghiệp cho việc chuẩn bị tài liệu, hồ sơ chứng minh, trả lời số lượng lớn và phức tạp các câu hỏi của Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) và Bộ Thương mại Hoa Kỳ trong thời gian ngắn. Ủy ban Tôm đã có vai trò quan trọng và hiệu quả trong việc điều hòa lợi ích của các DN, đại diện và bảo vệ ích của cộng đồng DN, giải quyết các vấn đề khó khăn, mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình vụ kiện cũng như hợp tác đầy đủ với luật sư.

Đặc biệt, sau khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa ra quyết định sơ bộ về biên độ phá giá tôm của các DN Việt Nam, Ủy ban Tôm đã cố gắng hết sức mình để hỗ trợ tư vấn tìm ra phương thức tính toán mới đó là cách tính sai - cỡ và phương pháp chuyển đổi từ tôm nguyên vỏ, nguyên con sang tôm nguyên vỏ - bỏ đầu; các số liệu thay thế mới để gửi cho Bộ Thương mại Hoa Kỳ và thuyết phục họ áp dụng phương thức tính toán này trong việc đưa ra kết quả cuối cùng về biên độ phá giá. Bên cạnh đó, DN Việt Nam đã bằng các mối quan hệ, hiểu biết trong kinh doanh của mình với các DN nhập khẩu tôm Hoa Kỳ, để thông qua đó có tác động đến các DN Bangladesh hỗ trợ cho tư vấn WFG trong việc tìm các số liệu thay thế, cung cấp số liệu và tài liệu cho Bộ Thương mại Hoa Kỳ.

Một nguyên nhân quan trọng giúp cho vụ kiện chống bán phá giá tôm của Việt Nam thắng lợi là trong quá trình xử lý vụ kiện tôm, Chính phủ Việt Nam đã triển khai rất tích cực các hoạt động vận động hành lang trên nhiều kênh và phương tiện ngoại giao nhằm tạo ra tiếng nói ủng hộ rộng rãi, mạnh mẽ ủng hộ ta và gây sức ép đối với Bộ Thương mại Hoa Kỳ và Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ trong quá trình xử lý vụ kiện tôm như: Chủ động làm việc trực tiếp với các Đại sứ quán của các nước bị kiện (Trung Quốc, Thái Lan, Braxin, Ấn Độ) để trao đổi thông tin, đánh giá tình hình và thống nhất phương thức chung giữa các nước bị kiện trong việc đối phó với vụ kiện; gặp gỡ và làm việc với Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội; tổ chức các buổi gặp gỡ, tiếp xúc của Bộ trưởng Thương mại và một số quan chức cấp cao của nước ta với các quan chức đồng cấp của Chính phủ Hoa Kỳ; vận động các tờ báo lớn của Mỹ như Washington Post, NewYork times, Wallstreet Journal... có các bài báo, bài xã luận, bài nghiên cứu chi tiết về ngành công nghiệp Tôm Việt Nam để qua đó khẳng định các DN tôm không bán phá giá tôm và tạo ra tiếng nói ủng hộ chung của đông đảo người dân Hoa Kỳ; Chính phủ, Quốc hội và Hội Cựu chiến binh đã có nhiều thư vận động gửi các Nghị sỹ Hoa Kỳ ủng hộ ta trong vụ kiện; Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam phối hợp với các cơ quan ngoại giao của các nước bị kiện để hỗ trợ cho vụ kiện có kết quả tốt...

Trên thực tế, nền kinh tế hội nhập với thế giới càng sâu thì nguy cơ bị kiện bán phá giá càng lớn. Do vậy, để tránh bị kiện phá giá, DN cần chủ động có những biện pháp phòng tránh để khỏi vướng vào các vụ kiện và cách thức giải quyết tốt nếu vụ kiện xảy ra. Bên cạnh đó, bản thân các DN cũng cần nâng cao ý thức chủ động các phương thức phòng chống các vụ kiện thông qua việc làm minh bạch, rõ ràng sổ sách từ khâu thu mua nguyên liệu đến khâu xuất. Mặt khác, theo các chuyên gia kinh tế, khi có vụ kiện xảy ra DN cần tham gia tích cực vào quá trình điều tra của vụ kiện, hợp tác sẽ mang lại lợi ích cho DN.

Kỳ 2: Hoa Kỳ hủy vụ kiện chống trợ giá tôm của Việt Nam

Lê Kim Liên

công thương

Các tin tức khác

>   Bỏ túi hàng trăm tỉ! (15/10/2013)

>   Phân bón tồn kho cao (15/10/2013)

>   Tiếp tục loại các dự án thủy điện (15/10/2013)

>   Quản lý cãi nhau, sữa 'cười khẩy' tự nhiên tăng giá (15/10/2013)

>   Hàng hóa ồ ạt giảm giá (15/10/2013)

>   9 tháng đầu năm 2013, VietnamPost tăng trưởng gần 8% doanh thu (14/10/2013)

>   9 tháng: Xuất khẩu sang EU tiếp tục tăng mạnh (14/10/2013)

>   9 tháng: Cán cân thương mại cân bằng (14/10/2013)

>   26 triệu USD đầu tư vào khu công nghiệp Trà Nóc (14/10/2013)

>   “Không quản lý tốt, Việt Nam sẽ mất nền công nghiệp ôtô” (14/10/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật