Thứ Ba, 15/10/2013 09:19

Bỏ túi hàng trăm tỉ!

Ngày 12-10, hai nhà mạng Viettel và MobiFone nhắn tin thông báo tăng gói cước 3G từ 50.000 đồng lên 70.000 đồng mỗi tháng, tính từ ngày 16-10-2013.

Như vậy là sau lần tăng 25% (từ 40.000 đồng lên 50.000 đồng) cước 3G hồi tháng 4-2013 thì lần tăng thứ hai đến 40%. Mức tăng cước quá cao làm người đang dùng internet 3G phản ứng. Đến chiều 14-10, VinaPhone cũng đã gửi tin nhắn thông báo tăng cước internet 3G tương tự như 2 nhà mạng đã làm.

Theo số liệu trong Sách trắng được Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành ngày 16-9 thì đến cuối năm 2012, cả nước có 16 triệu thuê bao 3G. Nghĩa là với việc tăng thêm 20.000 đồng cước 3G, các nhà mạng có thể sẽ tăng thêm 314 tỉ đồng vào doanh thu hằng tháng hoặc chí ít cũng khoảng 105 tỉ đồng vì theo đại diện Cục Viễn thông, hiện có có từ 70%-80% người dùng gói cước 3G phổ thông không bị ảnh hưởng bởi gói cước giá mới.

Thật ra, việc tăng cước 3G của các nhà mạng là không bất ngờ, có chăng là mức tăng khá cao, bởi trước đó hầu hết các nhà mạng di động đều kêu ca rằng mức cước 3G tại Việt Nam đang thấp hơn giá thành, đồng thời trình lên Bộ Thông tin và Truyền thông các phương án tăng cước. Khi đó, giới phân tích nhận định cước 3G có thể tăng thêm 10.000 đồng nữa, một số khác thì cho rằng sẽ tăng 50%.

Nguyên nhân tăng giá cước được các nhà mạng lý giải là do ảnh hưởng từ các dịch vụ OTT (các phần mềm gọi, nhắn tin miễn phí như Viber, Zalo,…). Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có một thống kê cụ thể nào cho thấy các dịch vụ này ảnh hưởng đến mức nào và đâu phải người dùng 3G nào cũng xài các dịch vụ OTT.

Trước khi tăng cước 3G, Cục Viễn thông cho rằng nếu tăng khoảng 20% thì mức cước 3G ở Việt Nam vẫn thấp hơn mức trung bình của 10 nước ASEAN. Cục này dẫn chứng ở gói cước từ 500-600 MB, 1.000-1.500 MB, trên 2.000 MB thì cước 3G của Việt Nam lần lượt chỉ bằng 35%, 36% và 51% so với trung bình các nước ASEAN. Do đó, với mức tăng đến 40% trong lần này thì cước 3G ở Việt Nam đang xấp xỉ mức cước 3G trung bình của các nước ASEAN.

Thật ra, bài toán so sánh ấy có phần khập khiễng bởi thu nhập bình quân đầu người ở các nước cao hơn Việt Nam. Ngoài ra, yếu tố cước 3G còn chi phối bởi việc hoàn vốn hạ tầng và tái cấu trúc để đầu tư mới.

Cước 3G mới ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu sử dụng internet trên thiết bị di động của người dùng. Ngay sau khi thông tin tăng cước 3G, có khá nhiều người dùng trên các mạng xã hội bày tỏ bức xúc: “Hủy ngay dịch vụ 3G và trang bị thiết bị phát sóng internet wifi để dùng, cũng như nhịn tham gia các mạng xã hội như Facebook khi không có sóng wifi”. Tuy nhiên, với một số người mà việc dùng 3G cho việc kinh doanh như giới chơi chứng khoán, giao dịch thương mại điện tử, dùng OTT thường xuyên… thì có lẽ giá 3G tăng bao nhiêu họ vẫn phải xài.

Có người cho rằng với 30% người dùng bị ảnh hưởng bởi cước 3G mới, số lượng thuê bao 3G trong năm 2013 có thể sẽ tiếp tục bị sụt giảm, thị phần các thiết bị có kết nối 3G cũng sẽ giảm, còn cước internet có dây thì có thể rục rịch tăng.

Vũ Tôn

người lao động

Các tin tức khác

>   Phân bón tồn kho cao (15/10/2013)

>   Tiếp tục loại các dự án thủy điện (15/10/2013)

>   Quản lý cãi nhau, sữa 'cười khẩy' tự nhiên tăng giá (15/10/2013)

>   Hàng hóa ồ ạt giảm giá (15/10/2013)

>   9 tháng đầu năm 2013, VietnamPost tăng trưởng gần 8% doanh thu (14/10/2013)

>   9 tháng: Xuất khẩu sang EU tiếp tục tăng mạnh (14/10/2013)

>   9 tháng: Cán cân thương mại cân bằng (14/10/2013)

>   26 triệu USD đầu tư vào khu công nghiệp Trà Nóc (14/10/2013)

>   “Không quản lý tốt, Việt Nam sẽ mất nền công nghiệp ôtô” (14/10/2013)

>   Khoáng sản bị băm nát (14/10/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật