Khoáng sản bị băm nát
Việc cấp phép khai thác khoáng sản được phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương khiến các vùng khoáng sản bị băm nát, gây khó khăn trong quản lý, giám sát và thất thu ngân sách.
Tại hội thảo quốc tế “Quản trị tài nguyên khoáng sản: Việt Nam đang ở đâu?” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường (KH-CN-MT) của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tổ chức tuần qua ở Hà Nội, các ý kiến cho thấy Việt Nam hiện có 60 loại khoáng sản ở hơn 5.000 mỏ, điểm quặng. Tuy nhiên, việc quản lý khai thác khoáng sản ở Việt Nam còn nhiều yếu kém.
Khai thác khoáng sản đem lại doanh thu cao nhưng gây tổn hại môi trường
|
Sai từ khâu cấp phép
Sau năm 2005, việc cấp phép khai thác khoáng sản được phân cấp mạnh mẽ cho chính quyền địa phương khiến các vùng khoáng sản bị băm nát, gây khó khăn cho việc quản lý, giám sát và thất thu ngân sách. Từ tháng 7-2011 đến tháng 6-2013, Bộ TN-MT cấp 90 giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản nhưng chỉ trong vòng từ tháng 7-2011 đến tháng 12-2012, có 57 tỉnh, thành trực thuộc trung ương đã cấp tổng cộng 957 giấy phép. Trong số này có rất nhiều giấy phép cấp sai. Cụ thể, Bộ TN-MT đã lập 8 đoàn kiểm tra công tác cấp phép hoạt động khoáng sản tại 39 tỉnh - thành, phát hiện 345 giấy phép không có giấy chứng nhận đầu tư dự án, 196 giấy phép được cấp khi hồ sơ không có dự án đầu tư khai thác khoáng sản, 103 giấy phép cấp không đúng thẩm quyền…
Ông Lại Hồng Thanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản, cho biết theo quy định, các tổ chức, cá nhân phải thực hiện báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản nhưng trong thực tế chỉ có khoảng 40% thực hiện báo cáo. Điều này dẫn đến việc nhà nước không kiểm soát được sản lượng khai thác thực tế, không nắm rõ thực trạng nguồn lực phát triển đất nước là vốn tài nguyên khoáng sản, nguồn thu ngân sách từ thuế tài nguyên bị thất thoát.
Nhiều tác động xấu
Ông Andy Becker, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, cho biết về nguyên tắc, những nguồn thu từ khai thác khoáng sản có thể sử dụng để kích thích những ngành kinh tế khác phát triển theo và giảm nghèo đói. Tuy nhiên, đối với nhiều quốc gia thì doanh thu từ khai thác tài nguyên cao nhưng gây tác động xấu hơn tới xã hội bởi nạn tàn phá rừng, làm mất đa dạng sinh học, gây ô nhiễm, phá hủy hệ sinh thái ngập nước và chất lượng nước, hủy hoại những giá trị văn hóa. Hơn 60% những người nghèo đói nhất trên thế giới đang sống tại những quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên nhưng họ ít được chia sẻ sự giàu có mang lại từ tài nguyên. Mức độ phụ thuộc vào khai thác tài nguyên khoáng sản càng cao thì tỉ lệ nghèo đói càng cao.
Đại diện Ủy ban KH-CN-MT, Phó Chủ nhiệm Mai Xuân Hùng cũng cho rằng ở Việt Nam, tài nguyên khoáng sản rất đa dạng, phong phú nhưng “Ở đâu có khoáng sản thì ở đó môi trường bị hủy hoại, cơ sở hạ tầng bị thấp kém dần đi”. Theo TS Lê Đăng Doanh, có sơ hở trong công tác quản lý khoáng sản nên dẫn đến tình trạng bộ cấp phép ít, địa phương cấp phép nhiều. Nhìn toàn cục thì thấy một mỏ lớn nhưng địa phương không khéo xin cắt ra, chia nhỏ, làm giảm địa chất, gây đứt gãy. Ông đề xuất cần phải quy định rõ trách nhiệm của địa phương và Chính phủ phải có quy định xem xét yếu tố lợi ích nhóm trong cấp phép khai thác khoáng sản.
Cần tham gia EITI
Nhiều ý kiến tại hội thảo đề nghị nghiên cứu lộ trình đến năm 2015, Việt Nam tham gia sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng (EITI) để góp phần nâng cao hiệu quả quản trị tài nguyên khoáng sản đất nước. Sáng kiến này được khởi xướng năm 2002, đến nay đã có 39 quốc gia thực thi. Với những yêu cầu về minh bạch, công khai trong hoạt động khai khoáng, IETI được đánh giá là sẽ đem lại lợi ích cho nhiều bên, gồm nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư tại nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.
|
Tô Hà
người lao động
|