Thanh toán bằng tiền mặt giảm mạnh
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán có xu hướng ngày càng giảm dần từ 20,3% (năm 2004) xuống 14% (năm 2010) và đến nay tỷ lệ này vào khoảng 12%.
Trong khoảng 3 năm trở lại đây, các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam đã được phát triển mạnh mẽ, đa dạng dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ hiện đại trong thanh toán điện tử như thẻ ngân hàng, Internet banking, mobile banking, ví điện tử… đã và đang đi vào cuộc sống, phù hợp với xu thế thanh toán của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Một bộ phận lớn dân cư (công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, công nhân ở các khu công nghiệp…) đã có sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và thói quen thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các dịch vụ của ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi và là tiền đề quan trọng để giảm dần sự hiện diện của tiền mặt trong các hoạt động thanh toán của nền kinh tế.
Việc trả lương qua tài khoản đã đem lại lợi ích to lớn đối với Nhà nước cũng như lợi ích thiết thân cho ngân hàng và người sử dụng dịch vụ. Tính đến quý I/2013, trên toàn quốc đã có 56.850/87.186 (tương đương 65%) đơn vị hưởng lương từ NSNN thực hiện trả lương qua tài khoản với 1,83 triệu/2,77 triệu (tương đương 66%) cán bộ nhận lương qua tài khoản.
Để phục vụ cho việc triển khai trả lương qua tài khoản, mạng lưới máy giao dịch tự động (ATM) và thiết bị chấp nhận thẻ (POS) đã được các ngân hàng tích cực đầu tư và tăng cường cả về phạm vi, số lượng và chất lượng. Đến nay, trên toàn quốc, các ngân hàng đã đầu tư 14.400 máy ATM và 116.700 thiết bị POS/EDC với số lượng thẻ được phát hành khoảng 62 triệu thẻ.
Ngành Ngân hàng từng bước triển khai xây dựng và hiện đại hóa các hệ thống thanh toán, từng bước tạo lập hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thanh toán tiên tiến tạo sự chuyển biến tích cực đối với việc phát triển phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực công, doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước đã thiết lập và đưa vào vận hành Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, đến nay đã kết nối với 66 đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước và gần 800 đơn vị thành viên trực tiếp thuộc 97 tổ chức tín dụng trong toàn quốc, đáp ứng nhu cầu thanh, quyết toán tức thời với số lượng giao dịch thanh toán ngày càng tăng của nền kinh tế.
Hầu hết các Nngân hàng thương mại đã thiết lập được hệ thống ngân hàng lõi (core banking), phát triển hệ thống thanh toán nội bộ với kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, cho phép cung ứng các dịch vụ, phương tiện thanh toán hiện đại, mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng.
Để tạo thuận lợi cho việc phát triển cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ thẻ ngân hàng, trong năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quy định về phí dịch vụ đối với thẻ ghi nợ nội địa và quy định về trang bị, quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động của máy giao dịch tự động nhằm đảm bảo quyền lợi của người sử dụng dịch vụ, hài hòa lợi ích của tổ chức cung ứng dịch vụ và khách hàng.
Trong quý III/2013, Ngân hàng Nhà nước cũng đã trình dự thảo Nghị định Thanh toán bằng tiền mặt và dự kiến ban hành Thông tư quy định về cấp, thu hồi giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho các tổ chức không phải là ngân hàng; lên kế hoạch phối hợp với một số bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành các thông tư hướng dẫn Nghị định Thanh toán bằng tiền mặt sau khi Chính phủ ban hành.
7 Nhóm giải pháp phát triển thanh toán không tiền mặt
Thứ nhất, bổ sung, hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách về thanh toán, nhất là đối với thanh toán điện tử; tạo môi trường pháp lý đầy đủ cho hoạt động thanh toán, cả thanh toán bằng tiền mặt và thanh toán không dùng tiền mặt.
Thứ hai, tiếp tục mở rộng và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho hoạt động thanh toán trên cơ sở nghiên cứu tiếp thu ứng dụng công nghệ hiện đại phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Thứ ba, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ thanh toán, ứng dụng các phương tiện thanh toán mới, hiện đại; phát triển các dịch vụ thanh toán điện tử, ưu tiên các lĩnh vực mang tính đột phá.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn về hoạt động và các dịch vụ thanh toán trong toàn xã hội.
Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để nhận được hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn, kinh nghiệm, kể cả việc trang bị nền tảng lý luận, mô hình dự án đã triển khai thành công và nguồn tài chính cần thiết.
Thứ sáu, tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong việc triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt.
Thứ bảy, tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát đối với các hoạt động thanh toán trong nền kinh tế, bảo đảm tính tuân thủ các quy định và duy trì kỷ luật thanh toán; tổ chức việc giám sát các hệ thống thanh toán, đảm bảo hệ thống thanh toán hoạt động an toàn, hiệu quả.
|
Huy Thắng
Chính phủ
|