VinaCapital rất quan tâm đến việc mua nợ từ VAMC
Đại diện của VinaCapital cũng cho biết rất quan tâm đến chiến lược đầu tư tài sản thông qua việc mua nợ từ VAMC. Tuy nhiên, khung luật đầu tư tại Việt Nam chưa cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham vào lĩnh vực này.
Chia sẻ về chiến lược cho năm 2014 tại Hội nghị các Nhà đầu tư sáng 17/10, đại diện của VinaCapital cho biết quỹ sẽ vẫn tập trung vào các lĩnh vực tiềm năng như hàng tiêu dùng, y tế, dược phẩm, nông nghiệp, hạ tầng. Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, VinaCapital vẫn đầu tư vào VCB, MBB với nhìn nhận đây là lĩnh vực quan trong trong nền kinh tế và sẽ được phục hồi trở lại.
Đại diện của VinaCapital cũng cho biết rất quan tâm đến chiến lược đầu tư tài sản thông qua việc mua nợ từ VAMC. Tuy nhiên, khung luật đầu tư tại Việt Nam chưa cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham vào lĩnh vực này. Tham gia tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã ghi nhận mong muốn của nhà đầu tư nước ngoài trong việc mua nợ từ VAMC.
Đối với dự án casino tại Hội An, đại diện VinaCapital cho biết vẫn đang lên kế hoạch gặp gỡ nhà đầu tư mới thay thế đối tác liên doanh đầu tư.
VOF thu về lợi nhuận cao nhất
Trong các quỹ đầu tư của VinaCapital, hiện quỹ VOF (đầu tư nhiều vào chứng khoán niêm yết) đang mang lại lợi nhuận cao nhất. Trong 9 tháng đầu năm 2013, VOF đã trả cổ tức 150 triệu USD cho các nhà đầu tư.
Được biết, VinaCapital đang quản lý 4 quỹ là VinaCapital Vietnam Opportunity Fund Limited (VOF), VinaLand Limited (VNL), Vietnam Infrastructure Limited (VNI) và DFJ VinaCapital L.P. Trong đó, hoạt động chính tập trung vào 3 quỹ VOF, VNL và VNI.
Tính đến 30/09/2013, tổng giá trị tài sản ròng (NAV) của VOF đạt 750 triệu USD, tương đương 3 USD/ccq sau khi đã trừ 150 triệu USD trả cổ tức cho các nhà đầu tư. Đây cũng là quỹ mang về lợi nhuận cao nhất cho nhà đầu tư so với các quỹ khác của VinaCapital theo chia sẻ của ông Andy Ho – Giám đốc điều hành của VinaCapital.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, NAV của VOF đã tăng trưởng 15% và tăng 5% kể từ tháng 07/2013 theo niên độ tài chính của quỹ. Tuy nhiên, mức chiết khấu của VOF lên đến 28%. Danh mục đầu tư của VOF có khoảng 50% là cổ phiếu công ty niêm yết. Trong đó, danh mục cổ phiếu niêm yết tăng trưởng 28% so với đầu năm nhờ vào mức tăng của HPG, VNM, KDC trong khi mức tăng trưởng của VN-Index là 17.5%. Hiện VOF cũng đang tái đầu tư vào Tổng CTCP Khoan & DV Khoan Dầu khí (HOSE: PVD), CTCP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (HNX: NTP).
Nhận định về thị trường chứng khoán, VinaCapital dự đoán kết thúc năm 2013, VN-Index sẽ trên mức 500 điểm và có thể lên đến 530 điểm.
Đối với VNL, đây là quỹ đầu tư 66% danh mục vào các dự án tại Tp.HCM. Trong 1-2 năm qua, quỹ đã thoái vốn khỏi 14 dự án và hiện còn 32 dự án trong danh mục đầu tư. Đến cuối tháng 9/2013, NAV của VNL đạt 466 triệu USD với mức chiết khấu 56%. Quỹ này đã ký thỏa thuận bán toàn bộ vốn, tương đương 70% cổ phần, tại dự án Signature One và thu về khoản tiền ròng 2.7 triệu USD.
Quỹ lớn thứ ba của VinaCapital là VNI với NAV đạt 190 triệu USD và mức chiết khấu 29%. Quỹ đầu tư chủ yếu vào các tài sản về lĩnh vực viễn thông, trạm phát sóng cho điện thoại di động (BTS). Hiện Việt Nam đang có 5,000-6,000 trạm BTS thì VNI đã đầu tư đến 2,000 trạm. Ngoài ra, VNI cũng đầu tư vào Khu công nghiệp, cầu đường và logistics. Trong đó, 30% danh mục đầu tư vào công ty niêm yết.
Minh Hằng
|