VAMC làm gì với nợ xấu đã mua?
Các ngân hàng đang mạnh tay bán lại nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Điều này giúp “cục máu đông” nợ xấu dần tan và dòng vốn trong nền kinh tế được khơi thông.
Tuy nhiên, vấn đề “hậu xử lý nợ xấu” như thế nào đang nhận được sự quan tâm từ thị trường.
Trước khi VAMC đi vào hoạt động, không ít ý kiến của các chuyên gia và lãnh đạo một số ngân hàng nhận định việc mua bán nợ xấu của VAMC sẽ gặp nhiều thách thức, do các ngân hàng còn phải nghe ngóng và tìm hiểu cơ chế mua bán nợ của VAMC hoạt động ra sao.
Tuy nhiên, kể từ “phát súng” đầu tiên khi VAMC mua gần 2.000 tỷ đồng nợ xấu của Agribank (ngày 1/10/2013) đến nay số lượng hồ sơ bán nợ đang ngày một dày lên.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch VAMC cho biết, tính đến nay đã có hơn 20 ngân hàng nộp hồ sơ xin bán nợ cho VAMC, và VAMC cũng đang trình lên Ngân hàng Nhà nước gần 20 hồ sơ bán nợ của các ngân hàng thương mại để xử lý trong thời gian tới.
Hiện tại, ngoài việc xử lý khoản nợ xấu của Agribank, VAMC cũng đã tiến hành mua nợ xấu của một số ngân hàng thương mại khác như: SHB, PGBank, SCB, Ngân hàng Phương Nam...
Cuối tuần trước, VAMC cũng đã tiến hành mua hai món nợ có tổng giá trị sổ sách 1.397 tỷ đồng, gồm 1.191 tỷ đồng từ SCB và 206 tỷ đồng từ Phương Nam.
Ông Hùng cho biết, để hoàn thành tiến độ mua được 30.000 - 35.000 tỷ đồng nợ xấu như mục tiêu đề ra, VAMC đang nỗ lực rà soát các khoản nợ xấu của các ngân hàng có hồ sơ xin bán nợ.
“Trong tuần này, VAMC cũng sẽ tiến hành mua nợ của một số ngân hàng thương mại với số lượng tương đối lớn”, ông Hùng nói.
Cùng với việc khẩn trương rà soát và mua lại nợ xấu của các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước cũng thực hiện “hỗ trợ” các ngân hàng thương mại bán nợ xấu bằng cách phát hành trái phiếu đặc biệt. Với trái phiếu đặc biệt này các ngân hàng thương mại có vay tiền từ Ngân hàng Nhà nước thông qua kênh tái cấp vốn để đảm bảo thanh khoản khi cần thiết.
Với tinh thần đó, VAMC mới đây đã thực hiện phát hành trái phiếu đặc biệt cho khoản nợ xấu đã bán của 3 ngân hàng: SHB, SCB và PGBank. Trong đó có 74,65 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt cho SHB, 170,08 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt cho GPBank và 547,93 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt cho SCB. Trái phiếu đặc biệt trên đều có kỳ hạn 5 năm và lãi suất là 0%/năm.
Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến nay, VAMC đã mua vào khoảng 5.000 tỷ đồng nợ trên sổ sách, trị giá trái phiếu đặc biệt phát hành để mua số nợ này cũng vào khoảng 3.800 tỷ đồng. Và đang có không ít ý kiến băn khoăn rằng: “Những khoản nợ xấu VAMC mua lại sẽ được “xử lý” như thế nào, VAMC sẽ yêu cầu các bên thực hiện tái cấu trúc hay bán lại cho các đối tác trong và ngoài nước?”.
Trả lời vấn đề này, ông Hùng cho biết, các phương án xử lý nợ xấu mua lại từ các ngân hàng thương mại đã được VAMC tính đến và sẽ làm dần từng bước một, với mục tiêu làm sao đem lại lợi ích tốt nhất cho các bên.
Trong trường hợp các đối tác trong và ngoài nước quan tâm mua lại khoản nợ này, VAMC sẽ sẵn sàng bán nhưng sẽ không bán bằng mọi giá, chỉ khi thấy có lãi và đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế thì VAMC mới bán.
Trong trường hợp thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ xấu, ông Hùng cho biết, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm chính trong việc tìm ra giải pháp để tái cấu trúc, VAMC chỉ đứng vai trò là chủ nợ và sẽ quyết định phương án tái cơ cấu cuối cùng sao cho có lợi nhất cho doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và nền kinh tế.
“Với vai trò là chủ nợ, VAMC sẽ luôn có trách nhiệm với các khoản nợ của mình để làm sao có lợi nhất cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế, chỉ trong trường hợp xấu nhất, VAMC mới sử dụng đến phương án phát mại tài sản”, ông Hùng nhấn mạnh.
Trong khi đó, chuyên gia tài chính Lê Xuân Nghĩa cho rằng, phương án để VAMC xử lý nợ xấu đã mua bằng cách bán lại cho các tổ chức quốc tế cũng nên được tính đến. Kể từ khi VAMC thực hiện mua khoản nợ xấu đầu tiên đến nay, đã có 50 - 60 tổ chức quốc tế đến tìm hiểu và có ý định mua lại các khoản nợ xấu.
Điều này cho thấy các khoản nợ xấu hiện tại của Việt Nam cũng đang hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, để đẩy nhanh việc bán nợ xấu cho đối tác ngoại thì các thủ tục hành chính cũng cần phải được cải cách theo hướng đơn giản và rút gọn hơn để tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư sau khi họ quyết định mua.
“Mặt khác, để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, VAMC hay các tổ chức tín dụng cũng nên thực hiện bán nợ xấu theo cách “chọn khoản nợ xấu tốt nhất để bán”, chứ không nên bán các khoản nợ xấu đã quá xấu. Nếu bán theo cách này, quá trình tái cấu trúc khoản nợ xấu sẽ diễn ra nhanh hơn và cơ hội để doanh nghiệp sẽ nhiều hơn”, ông Nghĩa nói.
Ngô Minh
vneconomy
|