Cho vay tiêu dùng rủi ro cao
Điều đáng lo là nợ xấu trong các khoản vay tiêu dùng qua phát hành thẻ, hình thức cho vay tại các công ty cho thuê tài chính, công ty tài chính cá nhân.
“Những khoản vay mua sắm xe máy, bên vay chỉ cầm có mỗi giấy tờ đăng ký xe, trong khi khoản vay thì 6-7 triệu đồng người vay có thể bỏ xe máy đã qua sử dụng lại cho bên cấp tín dụng” – một lãnh đạo ngân hàng đưa ra ví dụ để chứng minh về mức độ rủi ro cao của khoản vay.
Vấn đề đặt ra với tín dụng tiêu dùng hiện nay đối với các TCTD là chất lượng khoản vay, trong hầu hết các món vay tiêu dùng thì chỉ có vay sửa chữa nhà ở là số vốn có thể tạm coi là cao nhất (vài trăm triệu đồng/món vay) trong cơ cấu cho vay tiêu dùng. Tiếp đến là cho vay mua sắm xe máy gần đây tăng nhanh nhất, có TCTD tại TP. Hồ Chí Minh một ngày tiếp nhận 3.000 bộ hồ sơ đề xuất vay. Hai loại khoản vay tiêu dùng này phần lớn thế chấp bằng chính căn nhà và chiếc xe máy sử dụng hàng ngày nên giá trị có thể hư hao gây ra nợ xấu cho TCTD.
Một loại khoản vay trong tín dụng tiêu dùng có nguy cơ nợ xấu cao nữa là cho vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng, chủ yếu ở ngân hàng nước ngoài, với tài sản đảm bảo cho khoản vay là khoản lương của chủ nợ. Thế nhưng khoản vay này cũng đã phát sinh chây ỳ nợ trong mua sắm qua thẻ, Vietcombank TP. Hồ Chí Minh đã phải gửi văn bản đến một cơ quan của trung ương đang sử dụng một người lao động có khoản vay tiêu dùng qua thẻ khó đòi.
Theo một lãnh đạo NHNN, cho vay tiêu dùng hiện nay có sự tham gia của ngân hàng, công ty cho thuê tài chính, công ty tài chính cá nhân. Đối với tín dụng tiêu dùng của các ngân hàng thì không đáng lo bởi tiếp cận những khoản vay này hiện không dễ, nhưng đối với các công ty tài chính chỉ cho vay bằng tín chấp thì tình trạng người vay “bỏ của chạy lấy người” đã diễn ra khá nhiều trên thị trường. Chưa kể các công ty tài chính hiện nay chỉ được huy động vốn 12 tháng trở lên, nên giá vốn rất cao dẫn đến cho vay cao, thêm nữa những khoản vay nhỏ lẻ các công ty tài chính thường áp lãi vay cao để bù đắp những rủi ro có thể xảy ra cũng là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu tiêu dùng.
Số liệu thống kê của NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh trong 9 tháng đầu năm cho thấy, lãi suất cao nhất của các TCTD vào khoảng 16%/năm được cho là nằm ở những khoản vay tiêu dùng.
Theo một lãnh đạo NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tỷ trọng cho vay tiêu dùng trên tổng dư nợ của các ngân hàng không đáng lo, rất khó có thể một ngân hàng tăng tín dụng tiêu dùng đến vài ngàn tỷ đồng. Bản thân bất động sản và chứng khoán hiện nay có muốn tăng dư nợ cũng rất khó vì không phải thời điểm đầu tư.
Điều đáng lo là nợ xấu trong các khoản vay tiêu dùng qua phát hành thẻ, hình thức cho vay tại các công ty cho thuê tài chính, công ty tài chính cá nhân. “Những khoản vay mua sắm xe máy, bên vay chỉ cầm có mỗi giấy tờ đăng ký xe, trong khi khoản vay thì 6-7 triệu đồng người vay có thể bỏ xe máy đã qua sử dụng lại cho bên cấp tín dụng” – vị lãnh đạo ngân hàng đưa ra ví dụ để chứng minh về mức độ rủi ro cao của khoản vay.
Hiện cho vay tiêu dùng đã không còn bị ràng buộc là “phi” sản xuất, các ngân hàng đang dựa chủ yếu vào Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN để cho vay. Văn bản này hướng dẫn chủ yếu cho vay sản xuất kinh doanh đầu tư dự án, chưa cụ thể trong cho vay tiêu dùng với những món vay nhỏ lẻ, vay qua thẻ… Bên cạnh đó các công ty tài chính thì dựa vào lãi suất cho vay không quá 150%/năm so với lãi suất cơ bản.
Theo một lãnh đạo ngân hàng, trong khi Dự thảo thông tư về cho vay tiêu dùng đang trong quá trình xây dựng nên có những quy định kiểm soát chặt chẽ hơn đối với những khoản vay tiêu dùng, nhất là qua hình thức phát hành thẻ tín dụng để đảm bảo an toàn cho các TCTD và phù hợp với điều kiện thu nhập của người tiêu dùng.
Trần Ngọc Anh
thời báo ngân hàng
|