Thứ Ba, 15/10/2013 22:18

Nợ xấu cản trở tái cơ cấu ngân hàng

Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, cần phối hợp các giải pháp đồng bộ thì mới có thể làm tảng băng nợ xấu tan chảy

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được xác định là 1 trong 3 trụ cột của tái cơ cấu nền kinh tế, bên cạnh tái cơ cấu đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên sau 2 năm triển khai, kết quả tái cơ cấu hệ thống ngân hàng không đạt được kết quả như kỳ vọng.

Chậm chuyển động

Theo các chuyên gia kinh tế, lực cản lớn nhất đối với tiến trình tái cơ cấu ngân hàng hiện nay là nợ xấu và sở hữu chéo trong toàn hệ thống. Theo TS Trần Thị Thanh Tú, Phó trưởng Khoa Tài chính Ngân hàng (Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội), tình trạng sở hữu chéo và nợ nần dây dưa được đánh giá là mối nguy hiểm, do khả năng tạo ra vốn ảo từ việc các ông chủ ngân hàng dùng cổ phiếu ngân hàng này thế chấp vay vốn để đầu tư mua cổ phiếu của ngân hàng khác. Khoảng 30%-40% dư nợ của ngân hàng được đầu tư vào bất động sản (BĐS). Nợ xấu gia tăng có nguyên nhân từ chính việc không kiểm soát được sở hữu chéo.

Trong 7 ẩn số của hệ thống ngân hàng Việt Nam, sau 2 năm thực hiện tái cơ cấu chỉ có duy nhất một ẩn số được làm sáng tỏ, đó là vai trò mua bán nợ với sự ra đời của Công ty Mua bán Tài sản Quốc gia (VAMC). Nhưng mô hình hoạt động của công ty này còn nhiều vấn đề đang tranh luận. Đó là việc nợ xấu được mua lại bằng trái phiếu đặc biệt trong 5 năm, nên sau này VAMC không bán được khoản nợ xấu đó thì lại được chuyển giao về chính ngân hàng ban đầu. VAMC chỉ mua nợ xấu có tài sản bảo đảm, tức chỉ có 84,16% nợ xấu có thể được VAMC mua lại nên khả năng xử lý nợ xấu của VAMC cũng hạn chế.

TS Tô Ánh Dương, Viện Kinh tế Việt Nam, đánh giá sau 2 năm triển khai, tốc độ gia tăng nợ xấu có giảm nhưng quy mô vẫn lớn và đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lý cơ bản.

Cần giải pháp đồng bộ

Tại hội thảo quốc tế “Cải cách thị trường tài chính trong chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức mới đây ở Hà Nội, ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho rằng tái cấu trúc ngân hàng phải gắn với tái cấu trúc thị trường bảo hiểm, chứng khoán vì mối liên hệ giữa các thị trường này rất chặt chẽ, phức tạp. Nếu chỉ nhận thấy hệ thống ngân hàng nước sôi lửa bỏng nên tập trung giải quyết mà không đặt trong mối quan hệ chung thì không thể đạt được hiệu quả như mong muốn.

Cũng từng là thống đốc NHNN, ông Lê Đức Thúy cho rằng việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng 2 năm vừa qua mới chỉ đưa hệ thống qua giai đoạn “cấp cứu”, chưa được “giải phẫu”. Để bước vào đại phẫu, cần chẩn đoán đúng bệnh nhưng vấn đề này còn hạn chế do chưa đánh giá chính xác về nợ xấu. Theo các chuyên gia, việc tái cấu trúc ngân hàng trong giai đoạn vừa qua chủ yếu dựa vào sáp nhập và bán nợ xấu cho VAMC. Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, cần phối hợp các giải pháp đồng bộ thì mới có thể làm tảng băng nợ xấu tan chảy.

4,58% hay 15%?

Theo báo cáo của NHNN, nợ xấu của hệ thống đến tháng 7-2013 chiếm khoảng 4,58% tổng dư nợ, nhưng số liệu của Fitch Ratings (Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới) mới đây lại cho rằng nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam lên đến 15% tổng dư nợ. Luôn có các con số rất vênh nhau về nợ xấu chứng tỏ bắt chưa đúng bệnh. Ngoài ra, Fitch Ratings nhận xét kém minh bạch về nợ xấu cũng là một trong những rủi ro với các ngân hàng lớn của Việt Nam.


Hà Linh

Lao động

Các tin tức khác

>   Techcombank, NamABank được giữ hộ vàng (15/10/2013)

>   NHNN công bố 19 thủ tục hành chính cấp phép thành lập và hoạt động ngân hàng và ngoại hối (15/10/2013)

>   Chuyện ngân hàng thay “tướng” (15/10/2013)

>   Nguyên Thống đốc Lê Đức Thúy: 'Hệ thống ngân hàng mới qua giai đoạn cấp cứu' (15/10/2013)

>   Ngân hàng nhỏ: Khoan nghĩ đến lợi nhuận (15/10/2013)

>   Điều hành tài chính bằng hành chính: Rối! (15/10/2013)

>   Doanh nghiệp tài chính có tỉ lệ nợ xấu cao nhất (15/10/2013)

>   Kiến nghị tăng thời hạn vay hỗ trợ nhà ở lên 30 năm (14/10/2013)

>   SHB dành 5,000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay (14/10/2013)

>   Vì sao VAMC đắt hàng? (14/10/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật