Vì sao VAMC đắt hàng?
Sau khi mua hơn 1.700 tỷ đồng nợ xấu của Ngân hàng Agribank, giảm tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng này xuống còn 7,56%, tuần này, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sẽ mua tiếp hơn 1.000 tỷ đồng nợ xấu của 3 ngân hàng gồm SHB, PGBank và SCB.
VAMC sẽ mua tiếp hơn 1.000 tỷ đồng nợ xấu của 3 ngân hàng gồm SHB, PGBank và SCB
|
Các khoản nợ xấu của 3 ngân hàng này có giá trị sổ sách 1.159 tỷ đồng, được VAMC mua lại với giá 846 tỷ đồng. Trong đó, riêng SCB bán xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Phó giám đốc SCB cho biết, không chỉ dừng lại ở hợp đồng bán 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC đã được ký kết, mà SCB sẽ tiếp tục xúc tiến, xem xét lại các khoản nợ xấu để bán tiếp cho VAMC, dự kiến trong tháng tới.
Mục tiêu của SCB là giảm tỷ lệ nợ xuống dưới mức 3% trong năm nay để sau đó bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại.
Theo đó, VAMC sẽ thanh toán cho SCB giá trị mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành.
Theo đánh giá của một chuyên gia tài chính, việc ký hợp đồng mua, bán nợ với VAMC được xem là động thái tích cực của SCB trong tiến trình tái cơ cấu sau gần 2 năm hợp nhất (SCB, Ficombank, TinNghiaBank).
Đây cũng chính là điều kiện hỗ trợ SCB nâng cao năng lực tài chính, kiện toàn bộ máy, hoàn thành các cam kết với cổ đông.
Không chỉ với SCB, mà hầu hết các nhà băng quy mô nhỏ, yếu kém, có tỷ lệ nợ xấu cao cũng xem VAMC như là cứu cánh để giảm bớt gánh nặng nợ xấu. Các nhà băng đang tích cực xem xét lại các khoản nợ để làm việc với VAMC.
Cuối tuần qua, Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) đã có buổi làm việc với VAMC để bàn bạc về vấn đề mua, bán nợ xấu. Tuy nhiên, con số nợ xấu mà Southern Bank sẽ bán cho VAMC chưa được tiết lộ.
Southern Bank là một trong những ngân hàng quy mô nhỏ, vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng. Những khó khăn của nền kinh tế đã tác động mạnh đến hoạt động của ngân hàng này, khi lợi nhuận giảm gần 50% trong năm 2011 – 2012, trong khi nợ xấu tăng dần qua các năm.
Tuy nhiên, báo cáo hợp nhất của Southern Bank cho thấy, tính đến ngày 29/6, Ngân hàng chỉ có gần 1.200 đồng nợ xấu, chiếm 2,78% tổng dư nợ. Theo quy định, đơn vị có nợ xấu trên 3% sẽ buộc phải bán nợ cho VAMC. Như vậy, động thái trên của Southern Bank cho thấy, nhà băng này rất tích cực trong việc xử lý nợ xấu nhằm cải thiện hoạt động.
Sau Agribank, SCB, Southern Bank…, sắp tới, Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) cũng sẽ tiến hành bán nợ xấu cho VAMC. Navibank có trụ sở tại TP.HCM và là ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu theo chỉ đạo bắt buộc của Chính phủ và NHNN.
Trả lời phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, trong 9 ngân hàng thuộc diện phải tái cơ cấu, có tới 4 trường hợp nằm trên địa bàn Thành phố và trong số đó, 3 ngân hàng hợp nhất đầu tiên (SCB, Đệ Nhất, Việt Nam Tín Nghĩa) đã hoạt động ổn định và kêu gọi được nhà đầu tư nước ngoài tham gia.
Tính đến nay, VAMC đã phát hành trái phiếu trị giá khoảng 2.550 tỷ đồng cho 4 ngân hàng, gồm: Agribank, SHB, PGBank và SCB để mua lại nợ xấu.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch Hội đồng Thành viên VAMC, ngoài các nhà băng kể trên, hiện VAMC cũng đang tiếp nhận rất nhiều hồ sơ của các ngân hàng đề nghị bán nợ, kể cả nhà băng có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, không thuộc diện bắt buộc.
T. Vinh
đầu tư
|