Chủ Nhật, 13/10/2013 21:26

Chưa dám mạnh tay vay tiền mua sắm

Trái với động thái chạy đua huy động vốn để đảm bảo thanh khoản vào thời điểm này mọi năm, từ đầu tháng 10 đến nay các ngân hàng (NH) lại nỗ lực hút khách vay để đẩy vốn ra thị trường.

Các ngân hàng đang đua nhau hạ lãi suất cho vay để kéo khách trước tình trạng ứ vốn. Trong ảnh: khách hàng giao dịch tại Vietcombank, TP.HCM

Hàng loạt chương trình cho vay doanh nghiệp và tiêu dùng với tên rất kêu như phá giá lãi suất (LS), ưu đãi tín dụng, mùa vàng kinh doanh… đang được các NH triển khai, nhưng không phải NH nào cũng thu hút được khách.

Vay tiêu dùng còn 5,91%/năm

NH Đại Dương công bố “phá giá LS” với mức 5,91%/năm cho khách hàng vay mua nhà, mua xe, vay tiêu dùng từ 1 tỉ đồng trở lên, thời gian vay từ 12 tháng và duy trì từ sáu tháng đến một năm. Đặc biệt, thời gian xét duyệt cho vay với khách hàng cá nhân được rút xuống còn 8 giờ. Trong khi đó, HDBank áp dụng LS 0% trong tháng đầu tiên với cá nhân, hộ kinh doanh vay vốn mua nhà, xây sửa nhà và áp LS cố định 11,86%/năm trong 11 tháng tiếp theo nếu vay từ 500 triệu đồng trở lên. Nếu vay từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, sau tháng đầu miễn lãi, LS 11 tháng tiếp theo cố định ở mức 12,86%/năm.

Chị Hoa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết vừa mua đất một dự án tại Q.Bình Thạnh, phía NH liên kết với công ty cho vay LS chỉ 10%, cố định trong vòng 10 năm để xây nhà nhưng chị chưa quyết định vì một số NH khác cũng đang có chương trình cho vay ưu đãi. Như tại Vietcombank đang áp dụng LS cho vay mua bất động sản năm đầu tiên ở mức 8%/năm. Từ năm thứ hai trở đi LS cho vay được ấn định dựa trên LS huy động 12 tháng cộng biên độ khoảng 3,5%, tính ra sẽ khoảng 11%/năm nếu mặt bằng LS ổn định. “Nếu nhắm chỉ vay một năm thì vay LS 8%/năm sẽ có lợi hơn. Nhưng nếu vay dài hạn thì nên vay theo LS cố định 10%/năm sẽ tránh được rủi ro khi LS biến động theo chiều hướng đi lên” - chị Hoa tính toán.

Không chỉ đẩy mạnh cho vay cá nhân, các NH còn tận dụng mùa làm ăn cuối năm để cho vay doanh nghiệp (DN) với LS giảm nhanh. Sau khi Sacombank triển khai gói 2.000 tỉ đồng cho vay kinh doanh dịp Tết Giáp Ngọ với lãi suất 9%/năm trong ba tháng đầu, hàng loạt NH tung ra các gói cho vay với LS rẻ hơn. HDBank triển khai gói dành 1.000 tỉ đồng cho vay vốn lưu động LS chỉ từ 8-8,5%/năm, thời hạn vay tối đa sáu tháng. Mức LS rẻ hơn Sacombank 0,5%/năm cũng được NH Đại Dương áp dụng cho vay hộ kinh doanh, DN nhỏ và siêu nhỏ kinh doanh trong dịp tết và cố định trong ba tháng đầu tiên. Nhưng đó chưa phải giới hạn cuối cùng. Ngày 6-10 Vietcombank lại tung ra gói LS cho vay với mức thấp nhất chỉ 8%/năm.

Không dễ cho vay

Giải thích lý do phải đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, nhiều NH thừa nhận là do cho vay DN đang rất khó khăn. Tăng trưởng tín dụng chậm, nguồn vốn đang ứ đọng, NH buộc phải đẩy mạnh cho vay tiêu dùng để tiêu thụ nguồn vốn này. Ông Bùi Tấn Tài, phó tổng giám đốc phụ trách khối khách hàng DN NH ACB, cho biết đến nay cho vay khối khách hàng DN mới tăng khoảng 5% so với cuối năm 2012, yếu hơn nhiều so với những năm trước dù “NH đã làm hết cách”. Theo ông Tài, dù vào cao điểm sản xuất hàng cuối năm nhưng nhu cầu vay của DN rất ít do tình hình khó khăn chung, nhất là với những DN chỉ dựa vào thị trường trong nước.

Mặt khác các NH cạnh tranh cho vay DN rất gay gắt. Phó tổng giám đốc một NH cổ phần nói vui là không dám khuyến mãi nữa vì cứ tung ra chương trình nào là ngày mai có NH khác đưa ra chương trình y như vậy nhưng với LS rẻ hơn. NH chẳng những không kiếm được khách hàng mà còn bị “phản hồi” là LS cao hơn NH bạn. Do vậy, nhiều NH chuyển hướng sang cho vay cá nhân, đặc biệt cho vay tiêu dùng cuối năm, để giải thoát bớt vốn huy động đang “tồn kho”.

Mặc dù dồn công sức để vực dậy cho vay tiêu dùng nhưng các NH nhận định thị trường chưa thể sôi động ngay. Chỉ những khách hàng có nhu cầu cấp bách mới vay NH. Tại nhiều NH, dù điều kiện và LS vay rất ưu đãi nhưng hiện nay tín dụng tiêu dùng tại các NH không tăng nhiều vì hầu hết người có nhu cầu vay lại không đủ điều kiện như thu nhập và thâm niên làm việc tại công ty để vay vốn, trong khi nếu vay thế chấp thì khách hàng vẫn ngại phải thế chấp tài sản để vay món tiền nhỏ. Chưa kể so với những năm trước, làm ra đồng tiền giờ khó khăn hơn nhiều nên người dân cũng thận trọng.

Chị Kim Loan (Q.3) nói mức LS cho vay tiêu dùng hiện nay dù đã rẻ hơn trước đây nhưng chưa mạnh tay vay do kinh tế khó khăn, làm ra đồng tiền khó hơn nên chị phải suy tính kỹ, liệu cơm gắp mắm. Chị không dám ham LS rẻ vay tiền NH mua sắm vì lo không trả được nợ nếu rủi ro xảy ra trong tương lai như ốm đau, mất việc... Theo các chuyên gia NH, LS chỉ là một phần, còn điều kiện quan trọng để tín dụng tiêu dùng phát triển là khi sức mua ở thị trường nội địa và thu nhập của người dân tăng. Nhưng việc này không thể có được trong một thời gian ngắn mà phải chờ một thời gian nữa các chính sách phát huy hiệu lực, khi đó người dân mới dám mạnh tay vay tiền mua sắm.

* Anh Nguyễn Đức Khánh (nhân viên văn phòng DNTN TH, quận Tân Bình):

Vay người thân chứ không vay ngân hàng

Dù LS ngân hàng cho vay có hạ thật, nhưng tính đi tính lại vay người thân… vẫn là phương án tối ưu vì tôi rất sợ bây giờ ngân hàng cho vay thấp rồi mai mốt hứng lên họ điều chỉnh theo hướng tăng cao thì không biết lấy tiền đâu đắp vào. Nếu tôi muốn mua xe giá tầm 30 triệu đồng để đi cho bền, và với thu nhập lương tháng bình quân 7 triệu đồng hiện nay, mỗi tháng tôi phải chi khoảng 2,65 triệu đồng để trả tiền lãi lẫn nợ gốc, dù các tháng sau dư nợ có giảm dần thì vẫn hơi kẹt cho tôi xoay xở chi tiêu. Trong khi nếu vay người thân, tôi chỉ cần trả góp khoảng 1 triệu đồng/tháng, phù hợp với khả năng tích cóp của tôi hơn nhiều.

* Chị Nam Trân (quản lý nhân sự một công ty kiểm định nước ngoài):

Lãi suất vẫn quá cao

Thú thật tôi có ý định vay khoảng 1 tỉ đồng để mua nhà nhưng tính đi tính lại vẫn thấy LS cho vay ở ngân hàng tôi hỏi khoảng 11,68%/năm còn khá cao. Ngân hàng cho vay dưới 8%/năm may ra tôi mới dám nghĩ đến. Thử tính nếu tôi vay trong năm năm, tính sơ sơ năm đầu mỗi tháng tôi sẽ trả cả gốc lẫn lãi không dưới 25 triệu đồng. Và sang năm thứ hai, LS ngân hàng sẽ được tính theo LS thị trường lúc bấy giờ. Lúc này sẽ là áp lực rất lớn nếu ngân hàng điều chỉnh LS theo hướng tăng cao, trong khi tôi còn phải chi rất nhiều khoản khác cho gia đình với hai con đang tuổi đi học…

T.V.N.


Ánh Hồng

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   EUR tăng giá mạnh, kiều hối về nhiều (13/10/2013)

>   Tuần từ 7 - 11/10, NHNN bơm ra 2.606 tỷ đồng (12/10/2013)

>   "Phát mãi tài sản nếu không thể cứu doanh nghiệp" (11/10/2013)

>   TP.HCM: Dư nợ cho vay các lĩnh vực ưu tiên chiếm 14% tổng dư nợ (11/10/2013)

>   SCB ký hợp đồng bán nợ cho VAMC, nợ xấu giảm xuống dưới 3% (11/10/2013)

>   Ngân hàng lớn cũng muốn nới “room” lên 49% (11/10/2013)

>   Mua một ngân hàng có khả thi? (11/10/2013)

>   Tư duy xử lý nợ xấu đã thay đổi (11/10/2013)

>   Hơn 100.000 tỉ đồng nợ xấu thành nợ thường (11/10/2013)

>   Vốn giá rẻ đã thực rẻ? (11/10/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật