Tín dụng cuối năm khó tăng đột biến
Nhiều ngân hàng cho biết, giải quyết nợ xấu ngân hàng, đặc biệt là xử lý tài sản đảm bảo, đang vướng ở khâu thi hành án, nhất là thị trường bất động sản đóng băng nên cũng gây khó khăn cho việc xử lý tài sản đảm bảo.
Nợ xấu vướng pháp lý
Làm thế nào để tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm và vấn đề xử lý nợ xấu của các ngân hàng là vấn đề mà đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP. Hồ Chí Minh đưa ra trong buổi làm việc với ngành Ngân hàng trên địa bàn thành phố ngày 14/10. Tuy vậy, các ý kiến từ nhiều NHTM trên địa bàn cho thấy, hiệu quả trợ giúp pháp lý cho ngân hàng để giải phóng tài sản đảm bảo (TSĐB) vẫn còn khó khăn, chưa thuận lợi; mặt khác, các ngân hàng vẫn dè dặt với việc cho vay khi luôn thường trực tâm trạng không muốn gánh thêm nợ xấu trong tương lai.
Hiệu quả trợ giúp pháp lý cho ngân hàng để giải phóng TSĐB vẫn còn khó khăn
|
Theo ông Trần Du Lịch – Phó trưởng đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh, trong các báo cáo về ngân hàng đều ghi rằng nợ xấu đang được giải quyết, nhưng dư luận cho rằng gốc vấn đề phát sinh cũng như giải phóng triệt để nợ xấu chưa giải quyết được mà những giải pháp vừa qua của các NHTM chỉ là đảo nợ, chuyển nợ... Nhiều ngân hàng cho biết, giải quyết nợ xấu ngân hàng, đặc biệt là xử lý TSĐB, đang vướng ở khâu thi hành án, nhất là thị trường bất động sản đóng băng nên cũng gây khó khăn cho việc xử lý TSĐB.
Theo ông Bùi Tấn Tài – Phó tổng giám đốc ACB, nếu liệt kê hồ sơ thì có hồ sơ mà ngân hàng phải mất 10 năm vẫn chưa bán được TSĐB, có hồ sơ chỉ 1 tháng đã bán được, tùy theo tính chất rủi ro của khoản nợ. Hiện nợ xấu của nhiều ngân hàng đang tập trung ở BĐS vì ngân hàng cho vay với TSĐB chủ yếu là BĐS hay sắt thép.
Ông Phạm Duy Hiếu – Tổng giám đốc ABBank cho biết, trong hai tháng 7 và 8/2013, mỗi tháng ngân hàng này thu được gần 100 tỷ đồng từ bán TSĐB. Tuy nhiên, việc xử lý quyết liệt nợ xấu cũng làm cho nhiều khách hàng rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Nợ nhóm 5 chủ yếu của ABBank rơi vào ngành xuất khẩu: cà phê, điều, thủy sản. Đây là suy yếu của nền kinh tế chứ không phải chỉ một vài DN.
Theo quan điểm của ông Hiếu, để xử lý được nợ nhóm 5 thì giải pháp đưa ra mang tính chất “góp tay điều trị” nhiều hơn là nhăm nhăm tìm cách thu hồi nợ của khách hàng. Chẳng hạn, ABBank đã cho DN thủy sản Phương Nam (Bạc Liêu) tiếp tục vay cho dù chủ tịch HĐQT của DN đã bỏ trốn.
Muốn cứu được DN này thì phải dùng giải pháp tái cấu trúc giống như CTCP Thủy sản Bình An, nhưng phải đến 3 - 5 năm sau chưa chắc đã nhìn thấy có ổn hay không vì tổng nợ vay 4 ngân hàng của Phương Nam là 1.500 tỷ đồng, chỉ riêng tiền lãi cũng rất lớn. UBND tỉnh Bạc Liêu cũng kêu gọi các ngân hàng tái cấu trúc DN này bằng cách chuyển nợ của ngân hàng thành cổ phần, nhưng cũng vẫn là nợ khó trả.
Nhiều ngân hàng đang vấp phải trường hợp xử lý nợ xấu tương tự. Ông Trần Ngọc Thành – Giám đốc MHB chi nhánh Sài Gòn chia sẻ, chẳng hạn, một khách hàng cá nhân vay tiền ngân hàng làm ăn, TSĐB là thế chấp căn nhà, nhưng thua lỗ và bỏ trốn. Ngân hàng kiện đến tòa án thì chủ nhân đã bỏ trốn và tòa án không thụ lý đơn. Đây là một bất lợi cho ngân hàng xử lý TSĐB.
Hiện nay, cách giải quyết của ngành Tư pháp TP. Hồ Chí Minh chưa thể hiện ủng hộ tích cực cho ngành Ngân hàng trong quá trình xử lý TSĐB để giải phóng nợ xấu, khi trước đây ngân hàng được phép tự bán nợ, còn bây giờ thì không.
Ông Nguyễn Hữu Đặng – Tổng giám đốc HDBank cũng cho biết, tốc độ xử lý nợ xấu của HDBank cũng chậm lại do thủ tục pháp lý không đồng nhất. Chẳng hạn, Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) các tỉnh vẫn cho ngân hàng đứng tên để xử lý TSĐB, nhưng Sở TNMT TP. Hồ Chí Minh lại không cho.
Cùng tháo gỡ để bơm vốn
Giải quyết nợ xấu để bơm vốn cho DN hoạt động trở lại đang đặt ra nhiều vấn đề. Có nên bơm vốn theo yêu cầu hay không? Theo ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, mặc dù tín dụng trong 9 tháng đầu năm tăng trưởng không cao, chỉ đạt 5,2%, nhưng dự báo những tháng cuối năm nay sẽ không có hiện tượng tăng trưởng ồ ạt để đạt chỉ tiêu cả năm là 12%. Như vậy, tín dụng trên địa bàn có thể tăng ở mức 10%.
Theo ông Bùi Tấn Tài – Phó tổng giám đốc ACB, ngân hàng không thiếu vốn, vấn đề ở đây là cần phải có các ngành khác tham gia tháo gỡ khó khăn trong hoạt động cho DN. Chẳng hạn ngành thuế miễn, giảm một số loại thuế hay như các DN phải tận dụng được cơ hội để đón đầu thời cơ khi Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết để phát triển lâu dài. Theo đó, các ngành dệt, sợi, may mặc… phải có định hướng phát triển rõ ràng thì ngân hàng mới đi theo và hỗ trợ. Như vậy tín dụng mới tăng trưởng bền vững.
Còn ông Nguyễn Minh Tâm – Phó tổng giám đốc Sacombank thì cho rằng, để kích cầu hiệu quả thì nên kích cầu vào từng cá nhân sẽ mang tính ổn định lâu dài hơn. Tính đến hết tháng 9/2013, dư nợ tín dụng của Sacombank tăng 13,4%, trong đó có đến 70% là cho vay khách hàng cá nhân. Sacombank cũng đang đẩy mạnh hơn nữa vào cho vay đối với DNNVV.
Bà Trương Thúy Nga – Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, hiện Vietcombank chủ yếu tập trung cho vay các khách hàng truyền thống, có tình hình tài chính lành mạnh. Đến nay dư nợ cho vay xuất khẩu của ngân hàng tăng 17,2% so với 2012, chiếm 40% tổng dư nợ. Cho vay DNNVV chiếm 12% tổng dư nợ, tăng 8,2% so với 2012. Vietcombank cũng đồng tình với quan điểm những DN nào còn có thể cứu chữa được thì vẫn đổ vốn để giúp DN phục hồi. Còn những DN nào yếu kém quá thì không nên cố. Vì ngân hàng đổ tiền vào đó là dính nợ xấu.
Ông Phạm Duy Hiếu – Tổng giám đốc ABBank nhận định, phấn đấu tăng trưởng tín dụng hiện nay khó khăn rõ ràng do cung - cầu không gặp nhau. Nếu để tình trạng dư thừa vốn kéo dài thì chắc chắn ngân hàng cũng gặp khó.
Còn bà Nguyễn Thị Ngọc Vân – Phó tổng giám đốc DongABank cho biết ngân hàng này đang trực tiếp làm việc với từng DN để cùng tháo gỡ khó khăn. DongABank cũng giảm lãi suất theo đợt cho khách hàng của mình. “Tuy nhiên, phải có nhiều giải pháp đồng bộ khác để tăng xuất khẩu, giúp DN quay vòng vốn, chứ hiện cả ngân hàng và DN đều đang tắc”, đại diện DongABank kiến nghị.
Quang Anh
thời báo ngân hàng
|