Tăng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao
TP. HCM đang tìm các giải pháp tăng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao (CNC) chủ yếu trong lĩnh vực vi điện tử- công nghệ thông tin (CNTT)- viễn thông và duy trì nhóm mặt hàng này trong nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực.
Sau nhiều năm đầu tư, xây dựng đến nay ngành CNC đã mang lại cho TP. HCM hiệu quả kinh tế đáng kể, đặc biệt là xuất khẩu. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm CNC đạt 2,46 tỷ USD, tăng 3 lần so với năm 2011, chiếm tỷ trọng 11,4% kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Dự kiến năm 2013, kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt khoảng 3 tỷ USD. Sản phẩm CNC trở thành 1 trong 3 nhóm hàng xuất khẩu chính của TP. HCM.
Riêng tại Khu công nghệ cao TP.HCM, tính đến tháng 10/2013 đã thu hút 74 dự án đầu tư, trong đó 58 dự án còn hiệu lực với tổng vốn cam kết hơn 2 tỷ USD trong đó vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt gần 1,8 tỷ USD. Các dự án sản xuất trong lĩnh vực vi điện tử- CNTT- viễn thông chiếm 25% tổng số dự án.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giá trị gia tăng nhóm sản phẩm CNC xuất khẩu mang lại vẫn chưa đạt kỳ vọng và còn nhiều khó khăn trong việc xây dựng chính sách ưu đãi. Nguyên nhân do nhiều DN thâm dụng lao động lớn, các sản phẩm hầu như được nghiên cứu thiết kế ở nước ngoài, Việt Nam chỉ nhập về lắp ráp rồi xuất khẩu. Chính vì thế giá trị gia tăng đích thực mà các DN công nghệ cao khai thác chủ yếu là nguồn nhân lực giá rẻ và ưu đãi về thuế, đất đai…
Ông Chu Tiến Dũng- Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM - cho biết, để đột phá vào thị trường xuất khẩu các DN CNC phải tập trung xúc tiến thương mại, tạo thương hiệu cho sản phẩm. Việc này DN không thể tự làm mà phải có sự hỗ trợ của các ngành chức năng và Chính phủ. Bên cạnh đó, cần xây dựng và thực thi chính sách ưu tiên đào tạo nhân lực giỏi, tạo điều kiện dễ dàng cho các DN thuê các chuyên gia giỏi nước ngoài về đảm nhận các vị trí quan trọng như kiến trúc sư trưởng về sản phẩm dịch vụ, chuyên gia về thị trường…
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả xuất khẩu, DN cần phải cơ cấu lại sản phẩm, chọn những thế mạnh sẵn có để ưu tiên phát triển. Trên cơ sở đó, chính sách thuế cũng ưu tiên phát triển các sản phẩm, lĩnh vực ưu tiên để tránh ưu đãi tràn lan, không hiệu quả. Việc tập trung phát triển một số chủng loại công nghiệp phụ trợ trong chuỗi cung ứng sản phẩm CNC và mang thương hiệu Việt sẽ là một giải pháp cho chính sách ưu đãi về thuế có hiệu quả hơn, Ông Dũng chia sẻ.
Bà Lê Bích Loan - Phó trưởng ban Ban quản lý khu công nghệ cao TP. HCM - cho biết, để đạt mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm CNC, TP. HCM cần có những chính sách ưu đãi cho các DN trong lĩnh vực này như giảm thuế, hỗ trợ vốn vay, đào tạo nguồn nhân lực… đây sẽ là động lực tốt để các DN sản xuất sản phẩm CNC phát triển và tăng kim ngạch xuất khẩu với giá trị gia tăng cao.
Ngọc Thảo
báo công thương
|