Thứ Ba, 22/10/2013 21:23

Hàng dệt may cạnh tranh kém

Ngành dệt may Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu nước ngoài, giá trị gia tăng thấp. Đây chính là những điểm yếu khiến ngành này khó phát triển mạnh, mặc dù vẫn có nhiều lợi thế.

99% nguyên liệu nhập khẩu

Dệt may là ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam. Năm 2012 dệt may Việt Nam tạo doanh thu gần 20 tỷ USD, chiếm 15% GDP. Kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng từ 11,2 tỷ USD năm 2010 lên đến 18 tỷ USD năm 2015. Mặc dù là ngành đóng góp nhiều cho hoạt động xuất nhập khẩu nhưng theo đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước ngành dệt may Việt Nam thuộc diện kém phát triển so với thế giới. Nguyên nhân không thể phát triển tốt chính là do 99% nguyên phụ liệu nhập khẩu từ nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam khẳng định, dệt may đang phát triển không bền vững, không đồng bộ nhập khẩu. Không có vùng nguyên liệu nên nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài. Đơn cử, năm 2012, bông nhập khẩu là 415.000 tấn chiếm 99% và bông trong nước chỉ đáp ứng được 1% tương ứng 5.000 tấn. Về xơ các loại, tổng nhập khẩu năm 2012 là 220.000 tấn, chiếm 54%. Nhu cầu sản xuất cần 1,3 tỷ mét vải trong khi đó ngành dệt chỉ đáp ứng 800 triệu mét vải.

Kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng nguyên liệu nhập khẩu là chủ yếu nên lợi nhuận thu về không đáng kể. Theo tính toán của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chi phí nhập khẩu nguyên liệu đầu vào chiếm tỷ lệ khá cao, trung bình khoảng 60% tổng giá trị xuất khẩu. Chính vì chi phí nhập khẩu đầu vào cao nên ngành dệt may khó có điều kiện phát triển. Dự báo, trong vài năm tới nhập khẩu nguyên liệu trong lĩnh vực dệt may sẽ tiếp tục tăng lên. "Diện tích trồng bông của Việt Nam chỉ còn 10%. Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ người nông dân Việt Nam trồng bông, ông Tuấn kiến nghị.

Sản phẩm có giá trị thấp

Dệt may thành công trong việc phát triển thị phần ở các nước dựa vào việc gia tăng khối lượng hàng may mặc có giá trị thấp. Thực tế chứng minh, Việt Nam không thể sản xuất đủ lượng sợi tự nhiên và ít kinh nghiệm trong việc sản xuất các loại vải dệt thoi nên chủ yếu phát triển các loại vải dệt kim làm từ sợi tổng hợp và pha trộn. Hơn nữa, điều kiện kỹ thuật, công nghệ còn hạn chế nên đa số sản phẩm dệt may xuất khẩu của Việt Nam vẫn thuộc nhóm trung bình, hàm lượng công nghệ thấp, chất lượng còn khiêm tốn.

Trong ngành dệt may toàn cầu, thường thì khâu thiết kế kiểu dáng được làm ở các trung tâm thời trang thế giới tại Paris, London, New York…, vải sản xuất tại Trung Quốc, phụ liệu khác làm tại Ấn Độ. Khâu sản xuất sản phẩm cuối cùng thực hiện ở các nước có chi phí nhân công thấp như Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia… Sau cùng, sản phẩm đưa trở lại thị trường lớn do các công ty thương mại danh tiếng đảm nhận bán ra. Trong chuỗi giá trị toàn cầu của hàng dệt may, khâu có lợi nhuận cao nhất là thiết kế mẫu, cung cấp nguyên phụ liệu và thương mại. Việt Nam chỉ tham gia vào khâu sản xuất sản phẩm cuối cùng với lượng giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị. Một phần lớn các nhà sản xuất sản phẩm dệt may của Việt Nam đang thực hiện các hợp đồng ủy thác xuất khẩu CMT (gia công thuần túy) cho các đại lý mua hàng và cơ sở thu mua. Chính vì thế, tuy sản phẩm dệt may của Việt Nam xuất đi nhiều nơi, Việt Nam có tên trong top các nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới nhưng giá trị thu về rất thấp.

Trong tương lai khi nhu cầu của khách hàng khắt khe, sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh cải tiến hơn về chất lượng thì lo ngại sản phẩm dệt may Việt Nam vất vả trong việc tìm chỗ đứng vững trên thị trường là hoàn toàn có cơ sở. Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng, dệt may muốn hướng đến các sản phẩm giá trị cao đòi hỏi tham gia nhiều hơn vào quá trình mua nguyên liệu đầu vào và thiết kế sản phẩm. Đặc biệt, cần có định hướng phát triển ngành cho phù hợp.

Thanh Giang

Đại đoàn kết

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp Nhà nước có thể bị thanh tra thường xuyên (22/10/2013)

>   Lối thoát để doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn ngoài ngành (22/10/2013)

>   Ngậm ngùi cao su (22/10/2013)

>   "Việt Nam: Điểm đến của hiện tượng tái di dời sản xuất" (22/10/2013)

>   Giá phân bón rớt mạnh (22/10/2013)

>   'Nợ của ngành điện với than đã được giải quyết' (22/10/2013)

>   Bỏ lọt Vinashin, Vinalines: Thanh tra, Kiểm toán “vô can”? (22/10/2013)

>   Kiểm tra phòng, chống tham nhũng tại Tổng Công ty Đường sắt (22/10/2013)

>   Tìm cơ hội tại các dự án điện Việt Nam (22/10/2013)

>   Siết chặt quản lý giá sữa nhập khẩu (22/10/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật