Chủ Nhật, 06/10/2013 22:43

Tăng tiền đầu tư: Lựa chọn khó khăn

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội/GDP sụt giảm mạnh là một trong các nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế giảm tốc. Thế nhưng, việc đổ thêm tiền đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước lại dấy lên những lo ngại về bất ổn vĩ mô và nợ công.

* Tăng tiền đầu tư: Phải có địa chỉ rõ ràng

Tiền đầu tư đang ít đi

Số liệu thống kê của Đại học Kinh tế Quốc dân cho thấy, giai đoạn 2006-2010, vốn đầu tư xã hội/GDP thực tế thường duy trì ở mức cao là 42,7% GDP (trong khi kế hoạch là 40% GDP). Nhưng trong những năm tiếp theo, tỉ trọng này đã giảm nhanh còn 33,3% năm 2011 và 30,5% vào năm 2012 và thấp hơn so với kế hoạch hàng năm. Dự báo năm 2013, tổng vốn đầu tư toàn xã hội/GDP chỉ dừng lại ở con số 29,5% GDP (kế hoạch là 30% GDP).

Nhấn mạnh rằng mức giảm này “quá nhanh và bất ngờ”, GS.TS Trần Thọ Đạt, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá: Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến giảm tốc tăng trưởng trong một mô hình kinh tế vẫn dựa vào đầu tư mà chưa có tín hiệu cải thiện về chất lượng tăng trưởng cũng như không có thay đổi đáng kể nào về cơ cấu đầu tư của các khu vực nhà nước, ngoài nhà nước và FDI.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội/GDP đang giảm dần

Việc cắt giảm đầu tư công được coi là một trong những nhân tố quan trọng kéo lùi tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong một nghiên cứu đưa ra gần đây, TS Vũ Sĩ Cường, Học viện Tài chính cho rằng: Việc giảm dần tỷ lệ đầu tư từ ngân sách Nhà nước trong tổng đầu tư toàn xã hội là cần thiết song giảm mạnh và đột ngột khoản đầu tư này như thời gian gần đây chưa hẳn đã tốt. Bởi vì hiện nay vẫn chưa có nguồn lực thay thế ngay khoản đầu tư này. Mặt khác vấn đề của Việt Nam hiện nay là cải thiện chất lượng và hiệu quả đầu tư nói chung trong đó có đầu tư của ngân sách Nhà nước chứ không phải chỉ là giảm về số lượng. Chi cho đầu tư phát triển, đặc biệt là các công trình công cộng là rất cần thiết cho phát triển kinh tế xã hội. Việc duy trì tỷ lệ chi đầu tư phát triển quá thấp sẽ không có lợi cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Quan điểm này khá đồng nhất với “tinh thần” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong một báo cáo mới đây trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ này cũng thể hiện những quan ngại khi tổng vốn ngân sách chi đầu tư phát triển đã giảm 34% so với dự toán của năm 2013, riêng phần vốn trong nước của ngân sách Trung ương giảm tới 80%. Sự sụt giảm này được cho là sẽ kéo theo suy giảm huy động các nguồn vốn khác. Theo dự báo tổng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ giảm xuống khoảng 26-27% làm tốc độ tăng GDP không đạt dự kiến là 5,8% và ảnh hưởng đến các năm sau.

Nâng trần bội chi để có thêm tiền đầu tư

Trước sự sụt giảm dòng vốn đầu tư, ngày 29-9 Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định trước đông đảo báo giới rằng: Chính phủ sẽ trình Quốc hội nâng trần bội chi từ 4,8% lên 5,3%. Lí do là yêu cầu đầu tư rất lớn. Từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đến vùng sâu, vùng xa nhất đều cũng có nhu cầu đầu tư từ điện, đường, trường trạm, rồi đến nước, xử lí rác thải…

“Sang năm, để kinh tế tăng trưởng ở mức hợp lí khoảng 5,5% hay 5,8-6%, chúng ta vẫn phải đầu tư khoảng 255.000 tỷ đồng. Cân đối tổng thu - tổng chi thì chúng ta buộc phải đề nghị tăng bội chi và dành toàn bộ phần bội chi này cho đầu tư” - Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.

Có thể nói, việc đề nghị nới trần bội chi là một trong những giải pháp để kích cầu nền kinh tế trong bối cảnh tổng cầu khá yếu ớt. Nhưng Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trong bản tin Kinh tế vĩ mô số 9 cũng đưa ra lời cảnh báo: Những rủi ro về lạm phát vẫn còn hiện hữu dưới sức ép của yếu tố chi phí đẩy cũng như tâm lí và kí ức dai dẳng về lạm phát trong công chúng. Quan trọng hơn, những bất cập mang tính cơ cấu, dẫn đến sự yếu kém hiệu quả của đầu tư công, khu vực doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng đã làm gia tăng giá của sự đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát trong ngắn hạn. Bởi vậy nên việc nới lỏng các chính sách vĩ mô để kích thích tổng cầu nhằm đạt được tăng trưởng cao hơn trong ngắn hạn sẽ tạo ra những rủi ro lớn về lạm phát và mất cân đối vĩ mô, làm kéo dài phương thức tăng trưởng “giật cục” không có lợi cho phát triển kinh tế trong dài hạn.

Thế nhưng theo lời Bộ trưởng Vũ Đức Đam, Chính phủ khi đề ra bất kỳ biện pháp nào, chỉ tiêu nào đều cân nhắc rất kỹ lưỡng. Khi trình Quốc hội nâng mức bội chi ngân sách từ 4,8% lên 5,3%, Chính phủ đã xem xét đầy đủ các mối quan ngại. Khi Chính phủ làm chính sách, trước hết đều có sự tham mưu từ các cơ quan tham mưu, sau đó lấy ý kiến chuyên gia, ý kiến nhân dân qua báo chí. Ngoài ra, việc đề nghị nâng trần bội chi lên 5,3% là Chính phủ đã tính toán đầy đủ để đảm bảo mức trần nợ công. Chính phủ cũng luôn quan tâm đến câu chuyện sử dụng tiết kiệm và hiệu quả từng đồng vốn đầu tư, cả khi nâng trần bội chi lên 5,3% cũng như khi không bội chi.

Lương Bằng

hải quan

Các tin tức khác

>   Mỹ lạc quan về tiến triển đàm phán hiệp định TPP (06/10/2013)

>   WTO tin tưởng đạt thỏa thuận thương mại toàn cầu (06/10/2013)

>   Ngành điện thu hút nhà đầu tư ngoại (06/10/2013)

>   Vinashin sẽ xử hết nợ vào đầu năm 2014? (06/10/2013)

>   Tăng tiền đầu tư: Phải có địa chỉ rõ ràng (06/10/2013)

>   Gmobile sau một năm từ dã thương hiệu Beeline (06/10/2013)

>   Không mở cửa nhỏ, không có thị trường lớn (05/10/2013)

>   Nhiều sản phẩm từ gạo đắt hàng (05/10/2013)

>   Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,26% (05/10/2013)

>   Quý IV/2013: Xuất khẩu giày dép sẽ tăng mạnh (05/10/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật