Ngành điện thu hút nhà đầu tư ngoại
Không chỉ những tập đoàn lớn của nước ngoài như Sembcorp, Tata Power, Graham Bell and Associates Limited - GBA mà ngay cả những tập đoàn đa ngành khác như Samsung, Sumitomo,... cũng đang có kế hoạch dồn vốn vào các dự án sản xuất điện trong nước.
Nhiều tập đoàn nước ngoài tham gia
Biên bản ghi nhớ (MOU) về việc hợp tác đầu tư và phát triển hạ tầng vừa được ký kết giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Công ty Samsung C&T (Samsung Xây dựng và Thương mại) thuộc tập đoàn Samsung vào cuối tháng 9 rồi đang mở ra nhiều cơ hội cho tập đoàn điện tử Hàn Quốc tham gia nhiều lĩnh vực khác ở Việt Nam ngoài điện tử. Theo đó, lĩnh vực hợp tác theo MOU này thì đầu tư vào nhà máy điện của Samsung đang có chiều hướng nhanh hơn so với lĩnh vực đóng tàu, sân bay, các tổ hợp lọc hóa dầu, công nghệ thông tin...
Trong thời gian gần đây Samsung quan tâm đến các dự án xây nhà máy điện ở Việt Nam. Đầu tháng rồi, Samsung đã tới Nghệ An để tìm hiểu cơ chế, chính sách và cơ hội đầu tư dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 2 tại Khu công nghiệp Đông Hội.
Theo Tổng cục năng lượng (Bộ Công Thương), dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 2 chỉ là một trong 5 dự án nhà máy điện ở miền Trung và miền Nam mà Samsung sẽ đi khảo sát nhằm chọn ra một dự án phù hợp để đầu tư.
Bốn dự án khác Samsung dự kiến sẽ tiến hành khảo sát thực địa gồm Nhà máy điện Vũng Áng 3 (Hà Tĩnh), Nhà máy điện Quảng Trạch 2 (Quảng Bình), Nhà máy điện sông Hậu 3 (Hậu Giang), Nhà máy điện Kiên Lương (Kiên Giang).
Trước đó, tại văn bản số 6398/VPCP-QHQT ngày 1-8-2013, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Công Thương xem xét, nghiên cứu lựa chọn một dự án điện để hợp tác với Tập đoàn Samsung.
Như vậy, bên cạnh các dự án sản xuất điện tử, điện thoại hàng tỉ đô la Mỹ, Samsung đang tiếp tục rót vốn vào các dự án điện của Việt Nam.
Tương tự, sau chuyến khảo sát vùng dự án đầu tư điện gió tuyến ven biển thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, Tập đoàn công nghiệp Enercon (Đức) - chuyên về sản xuất thiết bị điện gió cũng cam kết huy động vốn và cung cấp thiết bị đầu tư cho dự án điện gió Sóc Trăng. Dự án có vốn đầu tư khoảng 1 tỉ euro, công suất dự kiến 2.600MW. Theo nhận định của tập đoàn Enercon, đây là địa bàn có tiềm năng đầu tư điện gió rất thuận lợi, đặc biệt là bờ biển Sóc Trăng dài và rộng, sức gió cao hơn các tỉnh duyên hải trong khu vực, điều kiện đầu tư thuận lợi.
Giới phân tích cho rằng nhu cầu điện của Việt Nam là rất lớn trong khi các nhà máy trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu. Vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài đang hướng vào ngành điện này và cũng nhằm đón đầu cơ hội từ cơ chế vận hành thị trường phát điện cạnh tranh.
Sembcorp Utilities Pte Ltd thuộc tập đoàn Sembcorp cũng đang hướng đến việc phát triển ngành điện trong nước với dự án nhiệt điện chạy than trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi với tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỉ đô la Mỹ. Trung tuần tháng 9 rồi, Công ty Sembcorp (Singapore) và đại diện Bộ Công Thương đã ký kết biên bản ghi nhớ phát triển dự án Nhiệt điện Dung Quất công suất 1.200 MW đặt tại Bình Sơn, Quảng Ngãi.
Dự án sẽ sử dụng than nhập khẩu với kế hoạch vận hành thương mại tổ máy 1 vào tháng 9-2020 và toàn bộ nhà máy vào tháng 3-2021, cung cấp khoảng 7 tỉ kWh điện mỗi năm. Hiện dự án nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 (công suất 2.640 MW) tại Khánh Hòa cũng đang trên bàn đàm phán với chủ đầu tư. Theo thông tin từ UBND tỉnh Khánh Hòa, lãnh đạo tỉnh vừa làm việc với tổ hợp nhà đầu tư Sumitomo (Nhật Bản) và Công ty cổ phần Đầu tư công nghiệp – xây dựng Hà Nội (Hanoinco) về tiến độ thực hiện dự án.
Tại cuộc họp, đại diện chủ đầu tư cho biết, Sumitomo đang gấp rút triển khai đàm phán hợp đồng BOT với Bộ Công Thương, dự kiến quý 1-2014 sẽ ký kết hợp đồng BOT; quý 2-2014 hoàn thành các thủ tục và được cấp giấy chứng nhận đầu tư; tháng 7-2014 tiến hành thành lập công ty; tháng 8-2015 khởi công dự án và tháng 10-2019 đưa nhà máy vào hoạt động.
Những vấn đề tồn tại hiện nay đối với Dự án Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 là những đàm phán của Sumitomo về: hợp đồng thuê đất với tỉnh Khánh Hòa, hợp đồng mua bán điện với EVN, sự bảo lãnh của Chính phủ, đường dây chuyển tải, đề nghị mở rộng bãi xỉ (khoảng 36 ha)…
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1 do Tập đoàn Sumitomo đề nghị đầu tư từ năm 2006 với công suất 2.640MW, vốn đầu tư 3,8 tỉ đô la Mỹ trên diện tích hơn 350ha. Năm 2009, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc cho tổ hợp nhà đầu tư thực hiện dự án này theo hình thức BOT.
Trong khi đó Sumitomo đang triển khai đàm phán hợp đồng BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) với Bộ Công Thương, dự kiến quí 1-2014 sẽ ký hợp đồng. Các kế hoạch khác bao gồm quí 2-2014 hoàn thành các thủ tục và được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tháng 7-2015 hoàn thành nghĩa vụ tài chính và tháng 8-2015 khởi công dự án có vốn đầu tư hơn 2 tỉ đô la Mỹ này. Dự kiến, tháng 10-2019, nhà máy sẽ được đưa vào hoạt động.
Theo thông tin từ Tata Power, một công ty con của Tập đoàn Tata (Ấn Độ), công ty này nhận được thư từ Chính phủ Việt Nam về việc cho phép nghiên cứu khả thi dự án nhiệt điện Long Phú 2 (công suất 1.200 MW) tại Sóc Trăng. Với sự chấp thuận về nguyên tắc này từ Chính phủ Việt Nam, Tata Power cho biết sẽ thực hiện các bước tiếp theo để chuẩn bị đầu tư dự án này.
Khó khăn phía trước
Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành công nghiệp điện Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển tốt, đây cũng là thời điểm cần huy động vốn đầu tư nước ngoài để giúp ngành công nghiệp điện Việt Nam phát triển hơn nữa.
Tháng 7-2011, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VII trong đó đề ra chỉ tiêu đến năm 2020, mỗi năm đưa vào vận hành 5.000 MW mới, xây dựng nhiều công trình trạm, đường dây với tổng vốn đầu tư tới năm 2020 là khoảng 5 tỉ đô la Mỹ/năm, từ năm 2020 đến 2030 là khoảng 60 tỉ đô la Mỹ.
Trong khi đó, theo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), thiếu vốn vẫn là khó khăn lớn nhất khi triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 (Quy hoạch điện VII). Mặt khác, nhu cầu tiêu thụ điện trong nước đã tăng trưởng 2 con số từ năm 2000 đến nay.
Do đó, tiềm năng cho nhà đầu tư nước ngoài về ngành điện là khá rõ nhưng giới phân tích cho rằng thách thức cũng không ít, nhất là đầu ra của các nhà đầu tư. Bởi lẽ, mặc dù, mô hình thị trường phát điện cạnh tranh đã được khởi động, nhưng quyền lực thực tế của EVN trong các dự án đầu tư ngành cùng chức năng truyền tải và phân phối điện vẫn bao trùm khắp nơi, dẫn tới tình trạng khống chế giá mua và bán điện. Các đầu tư xây dựng nhà máy điện gió của khối tư nhân là một ví dụ trong thời gian qua. Thị trường cạnh tranh về điện hiện nay vẫn chưa rõ ràng vì thực tế hiện nay EVN vẫn chiếm tỉ trọng cao (khoảng 60%) nguồn cung cả nước.
Mặt khác, thực tế cho thấy không ít dự án FDI vào ngành điện đang gặp khó khăn trong triển khai bởi một số chính sách chưa phù hợp đang cản trở tiến độ do chậm giải tỏa đền bù đất, hoặc thương thảo về giá mua điện của EVN...
Bên cạnh đó là sự yếu và thiếu các quy định về quản lý tiến độ thực hiện các dự án. Trong khi nhiệt điện Mông Dương 2 của AES (Mỹ), Posco Energy (Hàn Quốc) và CIC (Trung Quốc) đang tích cực được triển khai thì nhiệt điện BOT Hải Dương sau khi được động thổ vào tháng 9-2011 hiện đang dậm chân tại chỗ, do chưa giải quyết được các vấn đề liên quan đến thỏa thuận đầu tư giữa các đối tác. Với thực tế này, các chuyên gia cho rằng các quy định đối với chủ đầu tư về cam kết tiến độ trong một dự án có vốn đầu tư lớn như xây dựng nhà máy điện cũng phải rõ ràng.
Lê Hoàng
tbktsg
|