Tăng tiền đầu tư: Phải có địa chỉ rõ ràng
Việc tăng thêm tiền đầu tư từ ngân sách Nhà nước để thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng là cần thiết, nhưng phải có cơ chế giám sát, kiểm soát hiệu quả để không gây ra hệ lụy cho nền kinh tế. Xung quanh vấn đề thời sự này, phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Thị Hiền.
TS Nguyễn Thị Hiền
|
Chính phủ dự kiến sẽ đề nghị Quốc hội nâng mức bội chi cho năm 2014 lên 5,3%, tăng 0,5% so với mức bội chi của năm 2013 là 4,8%. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào, thưa bà?
Trong điều kiện năm 2013 cầu vẫn còn rất trì trệ, tồn kho hàng hóa vẫn lớn, chưa giảm được nhiều, thậm chí có ngành tỉ lệ tồn kho còn tăng lên, tăng trưởng tín dụng cũng quá thấp, khó đạt được 12% như chỉ tiêu Chính phủ đề ra, việc Chính phủ xin tăng tỉ lệ bội chi lên cao hơn mức 4,8% là cần thiết và có thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, hiện nay nợ công Việt Nam đã ở mức cao và những cảnh báo từ cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu nên phần chi tiêu tăng thêm đó phải được dành cho những dự án khả thi, nhanh chóng đem lại nguồn thu và những dự án có hiệu quả nhưng do thiếu nguồn vốn nên còn đang dở dang. Do đó Quốc hội cần đưa ra những quy định cụ thể, thậm chí việc đưa vốn vào công trình nào phải được Quốc hội xem xét, thông qua. Những dự án ấy phải có địa chỉ rõ ràng mới nên chấp nhận chứ không nên tăng tỉ lệ bội chi này một cách chung chung. Bởi vì nếu không thực hiện nghiêm túc, việc quy định chung chung có thể làm tăng những công trình, dự án kém hiệu quả. Như vậy vẫn không giải quyết được vấn đề đầu tư tràn lan, kém hiệu quả ở Việt Nam.
Nếu Quốc hội đưa ra những điều kiện như vậy để giám sát thì việc nâng trần bội chi có thể chấp nhận được.
Việc tăng trần bội chi này gây lo ngại là ảnh hưởng đến lạm phát những năm sau đó, bởi vì lạm phát trong những tháng gần đây đã tăng khá mạnh so với hồi đầu năm 2013. Vậy việc tăng thêm tiền đầu tư này có nguy cơ khiến lạm phát gia tăng, thưa bà?
Về nguyên tắc, tăng đầu tư công là kích thích lạm phát, đây là điều chắc chắn xảy ra. Thế nhưng nếu tăng bội chi mà đưa vào những công trình có thể đem lại hiệu quả thì mức tăng lạm phát sẽ thấp và có thể trong giới hạn kiểm soát được. Thực ra lạm phát Việt Nam trong năm ngoái và năm nay cũng không cao lắm. Nhưng nếu so với mức tăng GDP thì lạm phát hiện nay cao hơn nhiều so với khả năng tăng GDP. Cho nên nguy cơ lạm phát tăng tiếp trong năm 2014, cao hơn năm 2013 cũng là điều đáng lo ngại. Tuy nhiên do thực trạng kinh tế khó khăn của năm 2013, muốn kinh tế có bước chuyển tốt hơn cho năm 2014 thì việc tăng bội chi có kiểm soát tốt cũng không ảnh hưởng nhiều đến lạm phát.
Thế còn ảnh hưởng đến nợ công thì sao, thưa bà?
Tăng trần bội chi chắc chắn cũng ảnh hưởng đến nợ công, nhưng nếu chúng ta kiểm soát được việc tăng tiền đầu tư vào những dự án hiệu quả thì mức ảnh hưởng đến nợ công cũng có thể chấp nhận được. Bởi vì đây là một sự đánh đổi. Kinh tế đang rất trì trệ, đầu tư tư nhân không thể tăng được vì điều kiện kinh tế khó khăn, cầu về hàng tiêu dùng, kể cả bất động sản không thể lên được nên việc tăng trần bội chi là bước đi cần thiết và thích hợp.
n Năm 2011, do tình hình khó khăn, Chính phủ đã có chủ trương cắt giảm đầu tư công, nay Nhà nước lại tăng đầu tư công, liệu chúng ta có rơi vào vòng luẩn quẩn về đầu tư công hay không, thưa bà?
Rõ ràng chúng ta đang rơi vào vòng luẩn quẩn. Nhưng bởi vì khó khăn của tư nhân đã khiến chúng ta không thể trông đợi khu vực này có thể tăng đầu tư trong ngày một ngày hai, cho nên cần phải tăng đầu tư công. Nếu tăng đầu tư công khéo léo vào lĩnh vực tư nhân có thể tham gia vào tốt như là giao thông hay xây dựng cơ sở hạ tầng (giúp đỡ một số khu vực khó khăn khắc phục hạ tầng về xây dựng công trình vượt lũ, công trình chống thiên tai...) và những vấn đề khác mà tư nhân có thể tham gia được thì việc tăng đầu tư công không quá lo ngại. Vấn đề là ta có kiểm soát được không, có chỉ ra được những khu vực, lĩnh vực mà đầu tư công được rót vào hay không. Điều này phụ thuộc vào bản lĩnh của Quốc hội, khả năng điều chỉnh ngân sách của Quốc hội, cũng như khả năng giám sát, thực thi ngân sách của Quốc hội. Đó là điều cực kì quan trọng.
Trong nhiều năm nay, chúng ta luôn khuyến khích việc tăng tỉ trọng đầu tư của khối DN tư nhân trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Nhưng dường như khối DN này vẫn chưa nắm được “chìa khóa” để tăng tỉ trọng đầu tư này. Vậy nút thắt nào khiến khu vực tư nhân chưa thể có sự bứt phá về đầu tư để có vai trò quan trọng hơn, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế, thưa bà?
Nút thắt khiến khu vực tư nhân không lớn mạnh lên được ở hai khía cạnh. Khía cạnh quan trọng nhất là khu vực Nhà nước vẫn còn đang lấn át. Cải cách DN Nhà nước rất chậm, nên khu vực Nhà nước vẫn chiếm những vị trí rất quan trọng và chiếm tỉ trọng thị trường rất cao, ngay cả trong những ngành Nhà nước không cần phải tham gia. Việc giảm tỉ trọng của Nhà nước đầu tư vào những ngành tư nhân có thể tham gia được giảm quá chậm. Đó là nút thắt quan trọng nhất và là điều lâu nay vẫn nêu ra nhưng chưa có nhiều thay đổi.
Nếu muốn có một chuyển biến tích cực cho khu vực tư nhân thì khu vực Nhà nước phải được chấn chỉnh rất khẩn trương, quyết liệt, không nên vì các nhóm lợi ích mà chậm trễ cải tổ khu vực Nhà nước. Phải để cho tư nhân có thể tham gia vào những ngành không cần thiết có vai trò chủ đạo của Nhà nước. Đây là điều rất cấp bách. Nếu không làm được điều này, câu chuyện hô hào tư nhân chỉ là những lời nói suông.
Mặt khác, khu vực tư nhân cũng đang có khó khăn, vốn ít, chưa có những điều kiện thuận lợi cả về mặt gia nhập thị trường lẫn thủ tục kinh doanh trên thị trường khiến khu vực tư nhân không lớn lên được. Đây là điều cần có nhận thức sâu sắc hơn và cần làm việc một cách thực chất hơn.
Lương Bằng
Hải Quan
|