Mẫu hình Head & Shoulder có đáng lo ngại?
Thời gian gần đây, giới phân tích bắt đầu nhắc đến mẫu hình Head & Shoulder như là một mối lo ngại thường trực trên VN-Index, và là yếu tố quyết định xu hướng thị trường trong ngắn hạn.
Lý thuyết về mẫu hình Head & Shoulder
Theo nhận định của Phòng Nghiên cứu Vietstock, mẫu hình Vai-Đầu-Vai (Head and Shoulders) là một trong những mẫu hình đáng tin cậy nhất và nổi tiếng nhất. Tên gọi của mẫu hình xuất phát từ sự tương tự của mẫu hình với hình tượng đầu và hai vai của con người (Trích sách Phân tích Kỹ thuật từ A-Z do Vietstock biên dịch và xuất bản).
Lý do khiến mẫu hình đảo chiều xu hướng này rất phổ biến vì cách mà giá thường đảo chiều xu hướng.
Xu hướng giá lên hình thành khi giá xác lập đỉnh mới và đáy mới cao hơn theo bậc thang. Xu hướng này bị phá vỡ khi đà tăng của giá chấm dứt. “Vai trái” (Left Shoulder) và “Đầu” (Head) là hai đỉnh mới gần nhất. “Vai phải” (Right Shoulder) hình thành khi nhóm nhà đầu tư kỳ vọng giá lên thất bại trong việc đẩy giá lên cao hơn. Điều này báo hiệu sự kết thúc của xu hướng giá lên.
Trong xu hướng giá lên bền vững, khối lượng giao dịch sẽ gia tăng trong mỗi đợt tăng giá. Dấu hiệu xu hướng đang yếu đi xuất hiện khi khối lượng giao dịch giảm dần qua các đợt tăng. Trong mẫu hình Vai-Đầu-Vai điển hình, khối lượng giao dịch giảm tại Đầu và đặc biệt thấp ở Vai phải.
Xu hướng giá xuống được xác nhận khi giá xuyên thủng “Đường viền cổ” (Neckline). Sau khi xuyên thủng Đường viền cổ, giá thường có xu hướng quay ngược trở lại Đường viền cổ trong nỗ lực cuối cùng để kéo dài xu hướng tăng giá. Nếu sau đó không thể tăng lên trên Đường viền cổ, giá sẽ thường quay đầu giảm rất mạnh với khối lượng gia tăng ở các phiên breakout.
Chúng ta có thể nhận thấy tất cả các đặc điểm điển hình này trên VN-Index của giai đoạn tháng 09 –11/2009 như hình bên dưới.
Trong khi đó, mẫu hình Vai-Đầu-Vai đảo ngược thường xuất hiện khi thị trường tạo đáy. Tương tự như mẫu hình Vai-Đầu-Vai bình thường, khối lượng giao dịch thường giảm khi mẫu hình được thiết lập và sau đó thường tăng lên khi giá vượt qua Đường viền cổ.
Ví dụ điển hình cho dạng mẫu hình Vai-Đầu-Vai đảo ngược là VN-Index trong giai đoạn tháng 10 – 12/2012.
Lo ngại về mối đe doạ của Mẫu hình Head & Shoulder liệu có quá sớm?
Như đề cập ở trên, mẫu hình Head & Shoulder chỉ thực sự hoàn thành khi giá phá vỡ “Đường viền cổ” (Neckline). Tín hiệu này báo hiệu sự kết thúc của xu hướng giá lên và xu hướng giá xuống được xác nhận.
Đường neckline dự kiến của mẫu hình Head & Shoulder trên VN-Index hiện diện quanh vùng 465 – 470 điểm. VN-Index hiện đang duy trì mức khá cao bên trên vùng này nên khả năng phá vỡ khó có thể xảy ra trong ngắn hạn. Vì vậy, sự lo ngại về mối đe doạ của mẫu hình Head & Shoulder hình thành trên VN-Index là hơi quá sớm tại thời điểm hiện tại.
Bên cạnh đó, thanh khoản trên HOSE cũng đang được cải thiện theo chiều hướng tích cực trong những phiên giao dịch gần đây. Khối lượng khớp lệnh đã vượt lên trên mức trung bình 20 phiên gần nhất (tương đương mức 38 triệu đơn vị/phiên) cho thấy lực cầu gia tăng khá mạnh và sự thận trọng đã giảm bớt. Vì vậy, nguy cơ suy giảm bất ngờ (thrust down) của VN-Index cũng không cao.
Như vậy, với những tín hiệu hiện tại thì nhà đầu tư chưa cần phải lo ngại quá mức về nguy cơ hình thành mẫu hình Head & Shoulder trên VN-Index với mục tiêu giá xuống đến vùng 400 – 410 điểm. Chỉ khi nào vùng 465 – 470 điểm bị phá vỡ hoàn toàn thì nguy cơ giảm sâu mới thực sự xuất hiện.
Minh Hằng ghi
|