Hủy tài sản triệu “đô”, doanh nghiệp đối diện rắc rối pháp lý
Dù vô tình hay cố ý, việc thanh lý, hủy tài sản, nguyên vật liệu có yếu tố xuất nhập khẩu của doanh nghiệp đều có thể đối diện rắc rối pháp lý.
Tên tuổi lớn như Nidec Tosok cũng "phớt lờ" quy định hải quan
|
Nghị định số 97/2007/NĐ-CP quy định việc xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan đã quy định khá chi tiết về các vi phạm và mức độ xử phạt.
Một văn bản quan trọng khác liên quan là Thông tư số 04/2007/TT/BTM của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) hướng dẫn hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công, thanh lý hàng nhập khẩu và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài quy định tại Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp FDI đã phớt lờ các quy định này. Một đợt kiểm tra mới đây của Thanh tra Chính phủ đã phát hiện ra 8 doanh nghiệp đã thanh lý, tiêu hủy tài sản, nguyên vật liệu trị giá hàng triệu USD, qua đó khiến chính các doanh nghiệp này phải đối mặt với rắc rối pháp lý.
Sai phạm của các doanh nghiệp này là thanh lý tài sản, bán phế liệu, tiêu hủy phế liệu nhưng không khai báo hải quan, không có sự giám sát của cơ quan hải quan theo quy định hiện hành. Nếu chiếu theo các quy định, hành vi này cần được cơ quan Hải quan truy thu thuế xuất, nhập khẩu và xử phạt theo Nghị định số 97/2007/NĐ-CP nói trên.
Theo tìm hiểu của VnEconomy, đối với việc thanh lý hàng nhập khẩu, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thanh lý hàng hoá nhập khẩu bao gồm: máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển, nguyên liệu, vật tư và các hàng hoá nhập khẩu khác thuộc sở hữu của doanh nghiệp theo các hình thức xuất khẩu, nhượng bán tại thị trường Việt Nam, cho, biếu, tặng, tiêu hủy.
Tuy nhiên, hàng nhập khẩu chỉ được thanh lý khi đáp ứng được các điều kiện, chẳng hạn đối với máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển, phải hết thời gian khấu hao, hư hỏng, hoặc trong trường hợp doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất hoặc thay đổi mục tiêu hoạt động, hoặc để thay thế máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển mới.
Đối với nguyên vật liệu và các hàng hoá khác, chỉ được thanh lý khi dư thừa, tồn kho, không đảm bảo chất lượng hoặc không phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Quan trọng hơn, doanh nghiệp cần lập hồ sơ thanh lý hàng nhập khẩu để gửi đến các cơ quan chức năng xin phê duyệt.
Các doanh nghiệp vi phạm được nêu tên bao gồm:
- Công ty TNHH Nissei Electric (Tp.HCM) đã bán trong nước và hủy 259 tài sản cố định có trị giá nguyên giá là 1.473.197 USD.
- Công ty TNHH Sanyo Semiconductor (Tp.HCM) bán hàng phế liệu vào nội địa 222.320 USD.
- Công ty TNHH Nidec Tosok Việt Nam (Tp. HCM) hủy trong nước 204 tài sản có nguyên giá là 371.524.997 JPY. Năm 2010, Công ty xuất hàng hóa cho đối tác nước ngoài nhưng bị trả lại đồng thời được bồi thường 180.000.000 JPY và công ty đã tiêu hủy số hàng hóa này nhưng không có sự chứng kiến của cơ quan hải quan.
- Công ty TNHH Nidec Copal (Tp.HCM) bán trong nước và hủy 1.293 tài sản có giá trị còn lại là 1.261.954 USD, trong đó có 31 tài sản cố định có giá trị còn lại là 599.997 USD.
- Công ty TNHH Kurabe Industrial (Bình Dương) chỉ khai báo để cơ quan hải quan giám sát khi xuất kho phế liệu, phế phẩm hoặc phế thải công nghiệp cho doanh nghiệp chuyên xử lý phế liệu phế thải, nhưng khi xử lý tiêu hủy lại không thông báo cho cơ quan hải quan.
- Công ty TNHH Vietnam Onamba (Bình Dương) tiêu hủy nguyên phụ liệu, hàng hóa là 115.065 USD. Hải quan Bình Dương sau đó đã tiến hành truy thu thuế là 686 triệu đồng, đồng thời phạt thêm 686 triệu đồng (phạt bằng một lần số thuế phải nộp).
- Công ty TNHH Matsuo Industries Vietnam, trong năm 2009-2010 đã thanh lý 14 tài sản cổ định đã khấu hao xong có nguyên giá 57.875.90 USD.
- Công ty TNHH Kalotec Việt Nam (Hà Nội) đã ký kết hợp đồng vận chuyển, xử lý 9 loại chất thải công nghiệp với Công ty Môi trường đô thị và Công nghiệp 10 nhưng không có sự giám sát của cơ quan hải quan.
Hoài Ngân
vneconomy
|