Kinh tế thủy sản phải kết hợp hài hòa giữa các lợi ích
Phát triển kinh tế thủy sản phải kết hợp hài hòa lợi ích với các ngành kinh tế khác đồng thời phải thích ứng với các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh quốc phòng trên các vùng biển đảo.
Thu hoạch ngao thương phẩm tại Giao Thủy (Nam Định). (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)
|
Đó là nhận định của Bà Cao Lệ Quyên, Viện phó Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) về một trong năm quan điểm chủ đạo về quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản đến năm 2020.
Đây là nội dung chính tại Hội thảo nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu vùng ven biển, áp dụng thí điểm đánh giá rủi ro sinh thái (ERA) và tiếp cận dự trữ sinh quyển diễn ra sáng nay (1/10), tại Hà Nội.
Bà Cao Lệ Quyên cho biết ngành thủy sản Việt Nam với đặc thù dựa vào thiên nhiên và khai thác tài nguyên thiên nhiên được dự báo sẽ là một trong những ngành kinh tế chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu và các hệ quả của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu được xác định là nhân tố chủ yếu tạo ra nhiều khó khăn và cản trở mục tiêu phát triển bền vững của ngành thủy sản.
Cùng với đó, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng cao, thiên tai và thay đổi lượng mưa làm cho các hệ sinh thái, sản lượng đánh bắt cá, sản lượng nuôi trồng, cơ sở hạ tầng và sinh kế nghề cá dễ bị tổn thương.
Đặc biệt là nghề cá có quy mô nhỏ với hàng triệu hộ gia đình sống nhờ vào nguồn sinh kế là khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên tại các hệ sinh thái điển hình ven biển, trong đó có các hệ sinh thái trong các khu dự trữ sinh quyển và các khu bảo tồn ở vùng ven biển. Cộng đồng những người ngư dân và nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ ven biển là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất và chịu tác động trực tiếp, đầu tiên từ biến đổi khí hậu và các hệ quả của nó.
Vì vậy, theo bà Quyên, hơn lúc nào hết ngành thủy sản nhấn mạnh và quan tâm sâu sắc đến các cộng đồng liên quan và sống quanh trong khu bảo tồn, khu dự trữ sinh quyển tại các vùng ven biển.
Các đại biểu tham gia tại Hội thảo cũng đồng tình cho rằng, Hội thảo là diễn đàn mở thảo luận về những cơ hội, thách thức trong quản lý tài nguyên thiên nhiên ven biển và thúc đẩy sinh kế ứng phó dựa vào cộng đồng trong bối cảnh biến đổi khí hậu đồng thời chia sẻ các ví dụ thực hành tiêu biểu và bài học kinh nghiệm đạt được thông qua thử nghiệm đánh giá rủi ro sinh thái (Ecological Risk Assessment - ERA) và tiếp cận dự trữ sinh quyển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tại khu vực đồng bằng sông Hồng.
Thông qua đó, hội thảo giúp tăng cường quan hệ hợp tác giữa các bên liên quan nhằm xây dựng năng lực ứng phó trước biến đổi khí hậu cho các khu vực ven biển.
Quy hoạch tổng thể ngành thủy sản đến năm 2020 ước đạt 7 triệu tấn về sản lượng, kim ngạch xuất khẩu khoảng 11 tỷ USD, thu nhập bình quân của lao động nghề cá cao gấp 3 lần hiện nay./.
Hiện nay, Việt Nam có 8 khu dự trữ sinh quyển với hơn 4 triệu ha diện tích có tài nguyên thiên nhiên với đa dạng sinh học phong phú và các hệ sinh thái quan trọng cung cấp các dịch vụ trực tiếp cho đời sống hơn 1.4 triệu người. Trong đó có hai khu ven biển là khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước liên tỉnh sông Hồng và khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà đã được UNESCO công nhận từ năm 2004.
Được biết, phương pháp đánh giá rủi ro sinh thái ERA, tiếp cận dự trữ sinh thái đã dược triển khai ở các huyện Cát Hải thành phố Hải phòng, Giao Thủy Nam Định và Tiền Hải, Thái Bình và 2 khu dự trữ sinh quyển Cát Bà và Khu dự trữ sinh quyển sông Hồng.
Các đại biểu tham dự hội thảo đánh giá phương pháp dánh giá rủi ro sinh thái ERA tiếp cận dữ trự sinh quyển được chuyển giao từ Thụy Điển đóng vai trò quan trọng và được coi như là các công cụ thiết thực ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới. |
Thanh Tâm
vietnam+
|