Sự 'bí hiểm' của nền kinh tế Việt
Doanh nghiệp chết, người mất việc tăng, nhưng tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ hộ nghèo lại giảm đi rất nhiều, vậy "bí ẩn" nằm ở chỗ nào?
Dối thành quen?
Đều đặn năm hai kỳ khi tiết trời mát mẻ, song diễn đàn kinh tế mùa xuân và mùa thu của Ủy ban Kinh tế Quốc hội lại luôn nóng hổi, bởi các vấn đề thời sự của nền kinh tế được thảo luận với độ mở cao.
Chỉ điểm lại bốn diễn đàn của hai năm gần đây thì kỳ nào các vấn đề vừa thời sự vừa "đại sự". Chẳng hạn, lợi ích nhóm cản trở cải cách ra sao, tồn kho thể chế đang gây hệ lụy gì, tái cơ cấu đang vướng ở đâu, lời giải nào hài hòa cho cả tăng trưởng và lạm phát... cũng được bàn thảo nhiều chiều. Nhưng vì sao khó khăn của nền kinh tế cứ ngày càng trầm trọng xem ra vẫn là câu hỏi hóc búa.
Ở diễn đàn vừa diễn ra trong hai ngày cuối tuần qua, vẫn mở màn bằng một trình bày tổng quan với gam màu tối áp đảo, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ông Trần Đình Thiên cho rằng, cần đánh giá điểm rất mấu chốt để hiểu tại sao tình hình kinh tế thay vì dự báo bay lên, thì lại lâm vào tình trạng nghẽn mạch trong tình thế bi kịch.
Và một phần câu trả lời đã nằm trong chính sự than thở của vị chuyên gia này, rằng ở Việt Nam, làm chính sách đúng là khó nhất vì cơ sở số liệu chả có tý thuyết phục nào.
Khi cả hai số liệu đều được chính thức công nhận nhưng tổng GDP của 63 tỉnh thành lại... gấp đôi GDP quốc gia. Rồi sai số hàng trăm ngàn đơn vị khi thống kê hộ nghèo, số công chức không hoàn thành nhiệm vụ, số người có việc làm mới..., hay hàng chục, hàng trăm nghìn tỉ đồng ở nợ xấu, thu chi ngân sách trong các báo cáo là hết sức bình thường.
Đặc biệt, điều rất lạ và rất bí ẩn được vị chuyên gia này phát hiện là số hộ nghèo giảm rất nhanh, thất nghiệp cũng giảm trong khi doanh nghiệp chết như rạ.
250 nghìn doanh nghiệp đóng cửa và cắt giảm công suất, mỗi doanh nghiệp trung bình 20 lao động (theo tính toán của VCCI) kéo theo ít nhất 5 triệu người mất việc, thế mà báo cáo vẫn nói mỗi năm giải quyết việc làm mới cho 1,54 triệu người.
Trong khi mô hình tăng trưởng dựa vào tiền và phục vụ người có tiền mà đói nghèo lại giảm (năm 2013 ước giảm 1,8 - 2%), ông Thiên cho rằng "lý sự kinh tế có vấn đề rất nghiêm trọng mà chúng ta coi như là không có gì".
"Tôi có lần đã nói với các vị lãnh đạo là có vẻ mô hình tăng trưởng định hướng xã hội chủ nghĩa không như chúng ta nói", Viện trưởng Thiên kể. Sau đó ông than thở thêm "Chúng ta tùy tiện vô trách nhiệm đến mức dối trá thành quen, không thể chấp nhận cái cách sinh ra ảo tưởng chính sách mãi thế này được".
Nhiều lần nhấn mạnh việc làm và thất nghiệp là một trong bốn chỉ tiêu quan trọng nhất của kinh tế vĩ mô, tuy nhiên Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM Trần Du Lịch, không phải đến tận bây giờ mới khẳng định là "không bao giờ tin con số giải quyết việc làm năm nào cũng 1,5 - 1,6 triệu"
Chắc chắn là với mức tăng GDP khoảng 5% thì không thể tạo ra đến 1,6 triệu việc làm và mức thất nghiệp ở đô thị chỉ có 4%, ông Lịch phát biểu tại diễn đàn.
Ngoài tốt cả, trong vẫn rối loạn
Quả thật, nếu không nhận diện đúng thực trạng, giải pháp không thể chính xác. Và như vậy các nhà kinh tế tham gia hoạch định chính sách hay tham gia phản biện chắc chắn sẽ không thể tự tin.
Vậy cũng không quá khó hiểu khi nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm, thành viên Ủy ban Kinh tế suốt từ khóa QH thứ 12 đến nay, nhận xét rằng hiện nay cả DN và người dân đều thiếu động lực và thiếu cả niềm tin. Bởi cứ nghe diễn đàn, hội thảo thấy nhiều ý kiến hay thì phấn khởi. Nhưng chờ đợi một thời gian chả thấy kết quả gì, hội thảo tiếp theo lại nêu, rồi lại chờ, rồi cũng không thấy chuyển biến, nên càng nghe càng thấy phân tâm.
Theo ông Kiêm, cần giải đáp cho rõ tại sao từ sau năm 2007 kinh tế cứ thụt dần, khoảng cách với khu vực cứ doãng ra. Nhiều hội thảo nói do bên ngoài rắc rối nên ta cũng thế thôi. Nhưng những thứ liên quan đến bên ngoài đều tốt cả, xuất khẩu tốt, đầu tư tốt, FDI tốt... còn bên trong thì rối loạn thêm.
Vậy là lại thêm một "bí ẩn" cần được giải mã.
Nhưng luận giải được nguyên nhân dường như đã không còn quan trọng bằng việc làm gì tìm ra giải pháp. Đặc biệt là phải làm sao để giải pháp đến đúng nơi, đúng chỗ và được tiếp thu một cách đúng đắn.
"Tôi để ý hội thảo kiểu thế này cứ chồng lên nhau, hết Đảng, Chính phủ, Quốc hội, lại đến các ngành, tạp chí tổ chức lên tục. Vấn đề đưa ra ai cũng có lý lẽ rất chặt chẽ, nhưng không vào thực tiễn được vì chúng ta - những nhà lý thuyết - nghiên cứu không đủ tầm, không rõ nét, không chính xác, chỉ nói đường lối vĩ mô chung chung thôi", ông Cao Sĩ Kiêm bình luận.
"Và có những nghiên cứu đúng nhưng cũng không chuyển tải được đến cơ quan quyết định. Mà có đưa lên đúng chỗ rồi cũng lại giăng mắc nhiều vấn đề, cục bộ, nhóm lợi ích, ghế này ghế khác"...
Nói chung chung nhưng không chỉ ra ai, ở chỗ nào, phải làm gì, theo ông Kiêm chính là nguyên nhân làm cho dân thiếu niềm tin. Mà "thiếu niềm tin, không có động lực thì khi lâm sự dân đẩy chúng ta ra chứ không phải dân ủng hộ đâu", ông Kiêm nói.
Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành cho rằng cơ hội chỉ khi có sự ổn định và cải cách quyết liệt thì lòng tin của người dân, nhà đầu tư, thị trường sẽ quay lại.
Và điều mà Việt Nam đang thiếu, theo ông Thành chính là ý chí quyết liệt của các cá nhân có trọng trách, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám chiến đấu.
Vẫn sốt ruột với "tồn kho thể chế", chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược quả quyết, nếu cứ phát triển theo mô hình tăng trưởng bất cập hiện nay thì sẽ không có lối ra mà chỉ đi vào ngõ cụt. Xét cho cùng thể chế là quyết định sự phát triển, đổi mới thể chế nếu không muốn làm thì rất khó, còn nếu thực sự muốn làm thì không khó.
Vị chuyên gia cao niên này cũng đề nghị Quốc hội có luật quy định trách nhiệm cá nhân của quan chức, nếu không đã có vị trí thì ông nào cũng cứ nghiễm nhiên ngồi mãi. Bởi "Bộ trưởng ngoại giao Nhật sơ xảy một câu là từ chức ngay, ta quan chức nói tùy tiện thì chả sao cả".
Vĩnh An
tuanvietnam
|