Thứ Ba, 01/10/2013 06:38

Khó khuyến khích tư nhân đầu tư vào nông nghiệp

Thiếu chiến lược quy hoạch tổng thể, không tìm được đầu ra cho sản phẩm, khó khăn trong việc thay đổi cơ cấu cây trồng… là những lý do mà doanh nghiệp không muốn đầu tư vào ngành nông nghiệp.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng như thế nào cho phù hợp cũng là những khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ảnh: Minh Sáng.

Trên thực tế, một trong 6 mục tiêu của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa được Chính phủ phê duyệt là đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân trong lĩnh vực này.

Trao đổi với TBKTSG Online hôm 30-9, ông Nguyễn Văn Minh, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp và Trang trại TPHCM cho biết, các hội viên đang gặp nhiều khó khăn khi đầu tư vào ngành nông nghiệp. “Doanh nghiệp có thể chủ động tìm sản phẩm phù hợp với thị trường, có đầu ra cũng như tự bỏ vốn đầu tư. Nhưng trong quá trình thực hiện lại nảy sinh những khó khăn mà mỗi doanh nghiệp không thể tự giải quyết được”, ông Minh nói.

Cụ thể, dự án trồng cây thuốc dược liệu của các doanh nghiệp trong hội đang có nguy cơ thất bại, vì không thể cạnh tranh với với hàng hóa cùng loại của Trung Quốc. Hiện 90% thị trường thuốc dược liệu ở Việt Nam đang bị nắm giữ bởi doanh nghiệp Trung Quốc. Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nước cũng không dễ dàng trong việc thu lợi nhuận từ 10% thị phần còn lại của thị trường do bị cạnh tranh ngay từ khâu thu mua. Đây cũng là nguyên nhân mà nhiều doanh nghiệp phải bán lại vùng nguyên liệu cho Trung Quốc.

Theo một cuộc khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp và Trang trại TPHCM vừa tiến hành, hiện 50% diện tích trồng cây thuốc dược liệu ở Hà Tây, một số tỉnh vùng núi Tây Bắc, Đông Bắc đều do các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư chính thức lẫn không chính thức. “Có những dự án họ đầu tư vào vùng nguyên liệu, có những dự án họ nấp bóng doanh nghiệp trong nước để thu mua dược liệu. Không những phá giá thu mua, họ còn tung tin đồn thất thiệt về chất lượng của các sản phẩm dược liệu do các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Nên nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận phá sản và bán lại vùng nguyên liệu cho họ”, ông Minh giải thích.

Tương tự, những vùng trồng dược liệu ở phía Nam như Đồng Nai, Bình Phước cũng đều do các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư. Hầu như ở các ngành sản xuất nông nghiệp khác của Việt Nam, cũng lâm vào tình trạng tương tự. Vì vậy, nếu Nhà nước không giải quyết rốt ráo những vấn đề này, khó có thể kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp.

Giám đốc một doanh nghiệp chuyên sản xuất trứng sạch ở TPHCM vừa tuyên bố sắp phá sản vì hàng hóa sản xuất ra không thể cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại của các tập đoàn nông nghiệp đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam. “Công ty đã hoạt động một thời gian dài, cũng đã có khách hàng ổn định. Nhưng chỉ cần các công ty nước ngoài hạ giá trứng thấp hơn giá thành hai lần mỗi năm, công ty buộc phải phá sản vì không thể đủ vốn liếng để cạnh tranh với họ”, vị giám đốc này kể. Ngoài ra, năm năm trước, công ty ông đã tham gia trồng bắp theo chiến lược phát triển ngành thức ăn chăn nuôi trong nước, nhưng dự án cũng thất bại vì giá sản xuất bắp trong nước đắt gấp đôi so với giá nhập khẩu.

Các doanh nghiệp cho rằng, để khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, Nhà nước không nên khuyến khích đầu tư theo nhu cầu của thị trường trong ngắn hạn mà phải có chiến lược và tầm nhìn dài hạn để định hướng cho doanh nghiệp. Đi đôi với vấn đề này, doanh nghiệp cũng cần có những chính sách quản lý tốt nhằm tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh.

Trần Sơn

thời báo kinh tế sài gòn

Các tin tức khác

>   Sẽ kiểm tra cơ cấu giá sữa (01/10/2013)

>   Tập đoàn Đức huy động vốn dự án điện gió Sóc Trăng (30/09/2013)

>   Bộ Công Thương trực tiếp ra phép kinh doanh đa cấp (30/09/2013)

>   TKV có đợt phát hành trái phiếu tiền đồng lớn nhất (30/09/2013)

>   Nhiều yếu tố bất lợi, ngành thép sản xuất cầm chừng (30/09/2013)

>   Cạnh tranh kém, doanh nghiệp ngành đường lại kêu cứu (30/09/2013)

>   Nhật Bản, Mỹ bắt đầu đàm phán vòng thứ 2 về TPP (30/09/2013)

>   “Kết duyên” với doanh nghiệp Nhật (30/09/2013)

>   “Tảng đá” nợ xấu nhúc nhích (30/09/2013)

>   Doanh nghiệp Mỹ muốn đầu tư cảng hàng không Việt Nam (30/09/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật