Con tôm vào Mỹ được “cởi trói”, chưa vội mừng
Những tháng cuối năm, doanh nghiệp (DN) chế biến và xuất khẩu tôm đón nhận thông tin tích cực từ thị trường Mỹ. Đó là việc Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) đã phủ quyết quyết định của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) về áp mức thuế chống trợ cấp ở mức rất cao, từ 1,15% - 7,88% lên các DN sản xuất, xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thủy sản số 1.
|
Cần tỉnh táo
Theo ITC, ngành công nghiệp tôm của Mỹ không bị ảnh hưởng gì về vật chất và cũng không bị đe dọa do việc trợ cấp của chính phủ các nước xuất khẩu tôm đông lạnh từ Trung Quốc, Ecuador, Ấn Độ, Malaysia và Việt Nam vào thị trường Mỹ. Với việc bác bỏ của ITC, quyết định cuối cùng vụ kiện chống trợ cấp tôm từ Việt Nam và 4 nước khác của DOC ngày 12-8-2013 đã không có giá trị pháp lý thực thi. Đây là những tin vui trong bối cảnh khó khăn chồng chất mà DN và người nuôi tôm tưởng chừng không thể vượt qua những tháng đầu năm, khi sản lượng và kim ngạch xuất khẩu sụt giảm.
Có thể nói thông tin này giúp mặt hàng tôm Việt Nam có nhiều cơ hội gia tăng kim ngạch và giá trị khi xuất khẩu vào Mỹ trong bối cảnh các mặt hàng thủy sản đang gặp khó khăn, đặc biệt là cá tra, sản phẩm chủ lực thứ 2 sau con tôm đang cực kỳ rối ren về nguyên liệu, vốn... Điều này cũng có nghĩa, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm có nhiều hy vọng sẽ đạt 2,4 tỷ USD đề ra mà những tháng đầu năm nhiều người lo ngại sẽ không thể vươn tới. Điều ghi nhận nữa, sau nhiều năm người nuôi tôm Việt Nam khốn đốn vì dịch bệnh làm tôm chết hàng loạt (hội chứng EMS), năm nay cũng đã bắt đầu tìm ra hướng khắc phục hiệu quả, trong khi các nước như Indonesia, nhất là Thái Lan đang bị dịch bệnh này hoành hành dữ dội.
Tuy nhiên, cũng cần phải tỉnh táo để thấy rằng, mức thuế chống bán phá giá 0% chỉ là mức tạm tính cho lần xem xét từ tháng 2-2011 đến 2-2012, trước khi có các kết quả của đợt xem xét lần thứ 8 tiếp theo năm 2012 - 2013. Theo quy định của Mỹ, mỗi năm đều có rà soát cuối cùng để quyết định đưa mặt hàng nào đó ra khỏi danh mục các sản phẩm chống bán phá giá nên chưa thể vội mừng. Điều quan trọng là DN cần rút ra bài học và nhớ rằng, việc kiểm tra của DOC luôn nghiêm ngặt và xem xét hàng năm, do đó, DN xuất khẩu không thể chủ quan, tránh tình trạng bán phá giá.
Người nuôi tôm chờ vốn
Trước những thông tin này, các DN xuất khẩu phấn khởi nhiều hơn so với người nuôi tôm. Dù hội chứng tôm chết sớm (EMS) đã có hướng khắc phục nhưng chưa phải ai cũng có đủ nguồn lực, trình độ và kinh nghiệm để hạn chế rủi ro. Và một bộ phận không nhỏ người nuôi tôm hiện nay đang gặp khó khăn mà theo ông Võ Quang Huy, chủ trang trại nuôi tôm ở huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng), vấn đề quan tâm lúc này là nguồn vốn để nuôi lại. Người nuôi đang trông chờ vào quyết định của Ngân hàng Nhà nước về việc khoanh và giãn nợ để được vay vốn ngân hàng mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trong chuyến tìm hiểu về nông thôn đã hứa. Điều quan tâm khác, nếu trước đây dựa vào lý do bị áp thuế chống bán phá giá nên DN mua tôm luôn trừ vào những chi phí tăng thêm, nay khi áp thuế 0%, người nuôi có được trả lại phần này không?
Điều quan trọng khác, giờ đây bất cứ lĩnh vực hay mặt hàng nông sản nào cũng tính đến chuỗi liên kết bền vững, nhưng hiện nay việc liên kết xây dựng vùng nguyên liệu tôm cho DN hầu như chưa có, thậm chí nhiều DN không quan tâm. Một khi chưa có sự liên kết này thì việc người nuôi bán cho ai mua với giá cao hơn là điều tất nhiên. Thế nhưng, khi thương lái mua tôm giá cao để bán sang Trung Quốc, DN chế biến thiếu tôm nguyên liệu vì không cạnh tranh lại kêu cứu khắp nơi. Đây là điều mà DN cũng phải suy xét lại cách làm và sự liên kết.
Đăng Lãm
sggp
|