Điên đầu với đường
Vấn đề đặt ra đối với KCP là mỗi năm DN sản xuất được khoảng 9 triệu tấn đường. Tuy nhiên, việc tiêu thụ hiện nay đang hết sức khó khăn.
Ông R.Subbaiah, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (trụ sở tại Phú Yên) đang phải đứng trước bài toán khó giải đối với DN của mình. Vấn đề đặt ra đối với KCP là mỗi năm DN sản xuất được khoảng 9 triệu tấn đường. Tuy nhiên, việc tiêu thụ hiện nay đang hết sức khó khăn. “Hiện chúng tôi bán được khoảng 65% sản lượng đường làm ra, nhưng số tiền này không đủ trả cho công nhân”, ông Subbaiah nói.
Lợi nhuận chỉ 2-3 triệu đồng/ha/vụ, nông dân không mặn mà với mía
|
Lượng đường tồn kho của KCP đang ở mức kỷ lục 38.000 tấn. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng khi một số đối tác đã hủy hợp đồng để chuyển sang mua đường nhập khẩu. Theo họ, lý do là vì đường nội giá cao hơn 2.000 đồng/kg, mua vào thiệt hơn nhập hàng nước ngoài.
Với giá bán cao hơn từ 2.000 - 4.000 đồng/kg so với đường nhập khẩu và đường nhập lậu, vì chi phí mua mía ở Việt Nam cao hơn ở Thái Lan, ở Lào và các nước khác khoảng 20 - 22 USD/tấn, các nhà máy đường trong nước đang đứng trước nguy cơ mất sân nhà.
Tình thế này dường như không dễ hóa giải. Theo ông Subbaiah, nếu hạ giá bán đường xuống nữa, công ty sẽ lỗ vốn sâu. Tính toán của ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho thấy, trong bối cảnh hiện nay, để sản xuất ra 1 kg đường, các nhà máy trong nước sẽ mất chi phí khoảng 15.500 đồng (gồm 12.500 đồng mua mía nguyên liệu, 3.000 đồng chi phí cho nhiên liệu, vận hành, lao động...).
Do đó, khi giá đường xuống thấp như hiện nay, mỗi kg đường bán ra, các nhà máy sẽ phải chịu lỗ 300-500 đồng. Nhưng nếu không hạ thì tồn kho lớn không thể giải phóng, DN sẽ hết sức khó khăn cho niên vụ mới.
Cùng chia sẻ cảnh ngộ khó khăn, ông Lê Văn Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn cho hay, hiện DN này còn tồn kho khoảng 12.000 tấn đường. Theo kế hoạch, niên vụ tới công ty sẽ sản xuất được khoảng 120.000 tấn đường nữa. Với giá đường nhập khẩu ở mức rất thấp, dù các nhà máy đã hạ giá bán 15% nhưng vẫn ở mức cao, không thể giải quyết dễ dàng số hàng tồn kho.
Theo ông Nguyễn Thành Long, tính chung 41 nhà máy đường trong nước, hiện nay lượng đường tồn kho là 220.000 tấn. Hầu hết trong số này là loại đường tinh luyện (RE) với giá thành sản xuất cao, không thể hạ thấp hơn để bán xả hàng. Bởi nếu bán lỗ, các cổ đông sẽ đồng loạt phản ứng, rút vốn. Khi đó, việc tiêu thụ mía, cân đối cung cầu ngành đường sẽ trở nên ngày càng nan giải.
Ông R.Subbaiah cho rằng, chính sách nhập khẩu đường hiện nay cần phải được Nhà nước tính toán lại. Bởi dù việc nhập khẩu phải tuân thủ cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO và AFTA, nhưng trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, Nhà nước hoàn toàn có thể đặt ra những điều kiện về thuế suất để hạn chế chứ không cứng nhắc cho rằng việc nhập khẩu là bắt buộc phải thực hiện.
Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Thành Long lưu ý, việc cấp phép nhập khẩu đường cho cả nhà máy sản xuất đường cần được xem xét lại. Trong hạn ngạch, một số nhà máy đường trong nước vẫn được phép nhập một khối lượng lớn đường thô để chế biến và mới đây, Bộ Công Thương còn cho phép một số được tạm nhập tái xuất. Theo quan sát của hiệp hội, cách làm này để lộ kẽ hở cho các DN hợp thức hóa đường nhập khẩu, bán ra thị trường chứ không hề xuất đi.
Ông Long cho rằng, sở dĩ đường Việt Nam vẫn có thể xuất khẩu sang Trung Quốc là vì giá bán đường thấp hơn so với giá tại Trung Quốc. Nhiều DN trông chờ vào xuất khẩu tiểu ngạch để có thể giải phóng nguồn hàng.
Tuy nhiên, nếu Bộ Công Thương không tạo điều kiện cho DN xuất khẩu dễ dàng trong những thời điểm phía Trung Quốc “ăn hàng” thì từ niên vụ tới trở đi, ngành đường sẽ còn tiếp tục lao đao. Nhất là đến năm 2015, khi đường Thái Lan với ưu thế giá rẻ sẽ được nhập khẩu với thuế suất 0% theo các cam kết thương mại đã ký kết.
“Lúc đó, nếu các nhà máy trong nước vẫn phải mua mía 1 triệu đồng/tấn để chế biến thì sẽ đồng loạt thua lỗ. Nếu hạ giá mua mía xuống còn 600 - 700 ngàn đồng/tấn thì người dân các nơi sẽ đốt mía trồng cây khác”, ông Long lại mô tả sự bế tắc mới đang trực chờ trong các niên vụ tới.
Theo ông Nguyễn Thành Long, hiện mô hình sản xuất mía tại Việt Nam chủ yếu thuộc dạng nhỏ lẻ, mỗi hộ chỉ canh tác 0,5 - 1 ha, làm theo dạng thủ công nên chi phí rất cao.
Nếu các địa phương không quy hoạch lại đồng mía một cách hợp lý về thời vụ, nâng quy mô sản xuất lớn hơn, ứng dụng cơ giới hóa, các nhà máy không đầu tư thiết bị hiện đại, giảm số lượng lao động, tiến tới tự động hóa giảm chi phí, tăng hiệu suất; các cơ quan quản lý thị trường không có những giải pháp hiệu quả trong việc ngăn chặn đường lậu thì trong vài năm nữa, ngành mía đường sẽ nhường sân nhà cho đường ngoại.
|
Thạch Bình
thời báo ngân hàng
|