Thứ Bảy, 12/10/2013 23:11

“Đường đắng” ở Campuchia

Theo báo cáo Mùa đường đắng của các tổ chức Công bằng Campuchia và Phát triển Toàn diện Quốc tế công bố giữa tháng 9-2013, hàng ngàn gia đình Campuchia lâm vào cảnh khốn khổ vì mía đường.

Sáng kiến EBA (tạm dịch Mọi thứ trừ vũ khí) được Liên minh châu Âu (EU) thông qua vào tháng 3-2011, cho phép các nước kém phát triển nhất thế giới theo phân loại của LHQ được xuất khẩu mọi loại hàng hóa trừ vũ khí đạn dược sang EU với giá ưu đãi và miễn thuế, mục đích nhằm giúp các nước kém phát triển tăng xuất khẩu, tạo việc làm. Tuy nhiên, tác động của sáng kiến EBA lên ngành mía đường Campuchia lại là một câu chuyện khác khi đẩy hàng ngàn gia đình Campuchia vào cảnh khốn khổ.

Tác dụng ngược lên dân

Từ khi có sáng kiến EBA, gần như toàn bộ đường của Campuchia đều xuất sang EU. Theo báo Cambodia Daily, tháng 6-2010, Campuchia xuất sang EU lô hàng đầu tiên 10.000 tấn đường, năm sau tăng gấp đôi. Sáu tháng đầu năm 2013, Campuchia thu về 25,2 triệu USD từ xuất khẩu đường sang EU. Các cánh đồng mía mới mọc khắp Campuchia đã tạo hàng ngàn việc làm cho nông dân và hàng trăm việc làm cho công nhân lành nghề ở nhà máy.

Đại sứ EU tại Campuchia Jean-François Cautain dẫn số liệu cho thấy tăng xuất khẩu - trong đó có tăng xuất khẩu đường - đã giúp Campuchia tăng thu nhập bình quân đầu người lên gấp ba trong 10 năm qua, đồng thời giảm tỉ lệ nghèo đói xuống còn 1/5 dân số.

Tuy nhiên, phần lớn nông dân Campuchia không hưởng lợi từ sáng kiến EBA. Báo cáo Mùa đường đắng có đánh giá của các tổ chức Công bằng Campuchia, Phát triển Toàn diện Quốc tế và Liên minh không can thiệp vào đất đai về các ảnh hưởng của sáng kiến EBA đến người dân Campuchia, tập trung vào ngành mía đường. Đánh giá dựa trên khảo sát ý kiến của hơn 275 người bao gồm các quan chức địa phương, lãnh đạo các địa phương, nông dân, những nhà hoạt động xã hội ở các tỉnh Koh Kong, Kampong Speu, Oddar Meanchey (ba tỉnh trồng mía nhiều nhất Campuchia).

Trẻ em chặt mía thuê tại tỉnh Koh Kong, Campuchia. Ảnh: NEW YORK TIMES

Đánh giá thấy rằng chính sách thu hồi đất dân cho sản xuất chế biến nông sản của Campuchia và sáng kiến EBA của EU đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt trong ngành mía đường khi một số lượng lớn dân Campuchia bị mất đất trong uất ức vì không được đền bù thỏa đáng.

Hầu hết đất của nông dân bị thu hồi với giá đền bù quá rẻ. Chẳng hạn, khoản đền bù bà Yim Lon ở xã Omliang (tỉnh Kampong Speu) nhận được chưa tới 1/10 trị giá khu đất của bà. Có trường hợp dân bị bắt giam trong xung đột với lực lượng cưỡng chế. Hàng ngàn người phải chịu cảnh không nhà cửa, không kế sinh nhai và không có các vấn đề cơ bản khác như học hành, y tế. Để kiếm đủ cái ăn, nhiều gia đình buộc phải cho con trẻ, có trẻ chỉ mới tám tuổi, đi làm cho các công ty đường. Báo cáo này đã được gửi đến Nghị viện châu Âu, theo Cambodia Daily. Từ khi Campuchia mở rộng sản xuất nông sản xuất theo tinh thần sáng kiến EBA (năm 2003) đến nay đã có gần 2,2 triệu m2 đất canh tác của nông dân bị thu hồi cho sản xuất nông sản tập trung làm hơn 400.000 người phải thay đổi chỗ ở, báo Guardian (Anh) dẫn số liệu của Liên đoàn Bảo vệ và Thúc đẩy Nhân quyền Campuchia (Licadho).

EU thực hiện sáng kiến EBA lên ngành mía đường Campuchia từ năm 2009. Làn sóng đầu tư nước ngoài ồ ạt vào ngành mía đường Campuchia từ đó. Tính đến nay đã có hơn 80.000 ha đất của nông dân bị chuyển cho các công ty đường Thái Lan như KSL, Mitr Phol sử dụng (hợp đồng thuê có thể đến 99 năm).

Kêu gọi tẩy chay “đường đắng”

Những bất cập quanh sáng kiến EBA lên ngành mía đường Campuchia không phải mới mẻ và được các tổ chức xã hội cả ở Campuchia và các nước đề cập thường xuyên. Ông Chum Narin thuộc Trung tâm Giáo dục Pháp lý cộng đồng - một tổ chức phi lợi nhuận ở Phnom Penh cảnh báo việc người dân bị mất đất sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng đến ổn định xã hội.

Từ tháng 5-2009, ủy ban về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa LHQ đã cảnh báo các vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực đất đai ở Campuchia. Một báo cáo của LHQ tháng 9-2012 cũng cảnh báo thực trạng người dân bị thu hồi đất với giá đền bù rẻ là vấn đề nghiêm trọng, cần được giải quyết. Năm 2010, Licadho và một số tổ chức phi chính phủ cùng lên tiếng kêu gọi có cuộc điều tra về việc thu hồi đất của dân.

Sau nhiều năm phản đối không hiệu quả, các tổ chức phản đối bắt đầu hướng tới EU, kêu gọi EU ngưng thực hiện sáng kiến EBA lên ngành mía đường Campuchia. Hãng tin AFP (Pháp) dẫn lời ông David Pred, đại diện Chiến dịch Đường sạch Campuchia, cho rằng EU đã sai khi cho phép số “đường đắng” này lưu thông trong thị trường mình. Ở các nước phương Tây, thành phần phản đối thường xuyên mở các chiến dịch tuyên truyền tấn công vào các hệ thống siêu thị châu Âu, kêu gọi người tiêu dùng tẩy chay đường từ Campuchia, làm áp lực buộc các công ty ở EU thôi nhập đường từ Campuchia, theo báo New York Times.

EU cần vào cuộc

EU đã có nhiều buổi đàm phán cấp cao với phía Campuchia về sáng kiến EBA lên mía đường Campuchia nhưng tới giờ chưa thấy chính thức đề cập đến đề nghị mở cuộc điều tra về khả năng đất của nông dân bị thu hồi với giá rẻ để trồng mía.

Tháng 10-2012, Nghị viện châu Âu thông qua nghị quyết kêu gọi ủy ban châu Âu điều tra các tiêu cực thu hồi đất ở Campuchia liên quan đến sáng kiến EBA, tuy nhiên ủy ban châu Âu chưa có động thái thực hiện. Nghị viện châu Âu tiếp tục lặp lại đề nghị này vào đầu năm nay, tuy nhiên gặp phản đối từ ủy viên thương mại EU Karel de Gucht và Cao ủy về An ninh và Đối ngoại EU Catherine Ashton.

Tháng 7 vừa qua, Đại sứ Jean-François Cautain cho AFP biết EU đang trong quá trình xem xét quan ngại này và sẽ sớm có quyết định. Trong một bài viết trên Cambodia Daily ngày 29-5 vừa qua, đại sứ EU tại Campuchia Jean-François Cautain khẳng định EU luôn thận trọng giám sát vụ việc và đang trong quá trình đối thoại với chính phủ Campuchia, các công ty đường, các tổ chức phi chính phủ nhằm tìm giải pháp hỗ trợ những gia đình nông dân mất đất. Theo ông, cần phải cân nhắc đến cái lợi của sáng kiến EBA đến toàn nền kinh tế Campuchia và sự mất mát kinh tế nếu ngưng hay hủy bỏ sáng kiến EBA.

Báo cáo Mùa đường đắng ghi nhận ý kiến Giám đốc điều hành Công bằng Campuchia Eang Vuthy rằng EU nhất thiết phải tự mình làm công tác đánh giá để biết được sáng kiến EBA đã có tác dụng ngược thế nào.Theo ông David Pred, kinh nghiệm thế giới cho thấy chú trọng đầu tư và thương mại có thể mang lại giàu có cho một bộ phận người nhưng cũng có thể gây tổn hại đến quyền lợi của các cộng đồng địa phương. Vì thế, phải có biện pháp giám sát, bảo vệ để ngăn chặn hiệu quả các sự cố lạm dụng chính sách, giúp cải thiện công bằng kinh tế. Ông cho rằng EU cần thiết phải có những biện pháp này không những đối với Campuchia mà cả các nước nghèo thụ hưởng sáng kiến EBA chứ không phải thản nhiên tài trợ cho các hành vi không phù hợp của các công ty như công ty đường ở Campuchia hiện tại.

Chẳng hạn, EU có thể giám sát cẩn thận, buộc các công ty xuất khẩu ở các nước nghèo tuân thủ điều khoản không o ép quyền lợi các cộng đồng dân liên quan và đưa vào danh sách đen những công ty nào vi phạm, ông David Pred đề nghị.

Theo luật Campuchia, người dân được công nhận quyền sở hữu nếu khai phá và sử dụng mảnh đất đó ít nhất năm năm. Tuy nhiên, New York Times dẫn lời nhiều người dân làng Omliang, cho biết tỉ lệ đền bù cho các mảnh đất mà người dân đã sinh sống từ năm năm trở lên cũng không khác gì các mảnh đất dân mới ở sau năm 2010.

Theo New York Times, một phần nguyên nhân khiến nông dân không được đền bù đất thỏa đáng là vì chế độ diệt chủng Khmer đỏ đã tiêu hủy gần như toàn bộ giấy tờ hồ sơ sở hữu đất đai của người dân Campuchia. Cho đến nay tình trạng sở hữu đất đai của người dân vẫn rất mơ hồ.


Đăng Khoa

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   Nhật-Myanmar: Hợp tác sản xuất và xuất khẩu gạo (04/10/2013)

>   Xuất khẩu sắn Campuchia giảm 56% đầu năm 2013 (02/10/2013)

>   Hàng Việt trắc trở đường vào Campuchia (15/09/2013)

>   Campuchia - Thị trường vật liệu xây dựng tiềm năng (12/09/2013)

>   Khốn đốn siêu thị Việt ở Campuchia (19/08/2013)

>   Bây giờ, hoặc không bao giờ (19/08/2013)

>   Dệt may Campuchia trước ngã rẽ (15/08/2013)

>   Doanh nghiệp mới ở Campuchia giảm so với cùng kỳ (18/07/2013)

>   Xuất khẩu hàng may mặc của Campuchia tăng mạnh (09/07/2013)

>   Người Myanmar thích hàng "made in Vietnam" (24/04/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật