Người Myanmar thích hàng "made in Vietnam"
Sáng 24/4, Hội hợp tác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức tọa đàm "Myanmar - Thị trường mới nổi".
Người Myanmar thích hàng “Made in Vietnam”
Người dân Myanmar ưa thích chọn dùng hàng Việt
|
Ông Chu Công Phùng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Myanmar cho biết, Chính phủ Myanmar có quyết tâm mở cửa hội nhập để phát triển kinh tế, đón nhận đầu tư nước ngoài. Một số nước có bao vây cấm vận và trừng phạt kinh tế đối với Myanmar cũng đang dần tháo gỡ. Đất nước này cũng được ưu đãi tài nguyên phong phú…. Đặc biệt, người dân Myanmar chuộng dùng hàng hóa đẹp, bền, giá rẻ bất kể hàng hóa đó xuất phát từ đâu. Đặc biệt, trình độ phổ cập tiếng Anh của người dân Myanmar rất cao…
Ông Phùng còn tiết lộ, hàng hóa "Made in Vietnam" từ loại bình dân đến cao cấp đều được nhân dân Myanmar rất ưa chuộng, cạnh tranh được với hàng hóa cùng loại của Thái Lan, Trung Quốc.
Còn ông Soe Thet Naung, Tham tán Đại sứ quán Myanmar tại Việt Nam cho biết, kinh tế Myanmar năm 2013 hứa hẹn sẽ khả quan hơn năm 2012. Các cơ hội đầu tư mới vào Myanmar dự kiến sẽ thuận lợi hơn rất nhiều khi cơ chế vận hành, thể chế được hỗ trợ và triển khai hiệu quả hơn. Đồng thời, Luật Đầu tư nước ngoài mới của Myanmar có nhiều thay đổi, trong đó bao gồm cả việc xóa bỏ sở hữu nước ngoài đối với các liên doanh. Theo đó, các đối tác liên doanh có thể tự quyết định tỷ lệ sở hữu của mình.
Một số thuận lợi khác khiến Myanmar đang được biết như một thị trường “màu mỡ”, là quốc gia này có 60 triệu dân, tăng trưởng kinh tế thuộc hạng cao trên thế giới (bình quân 7%/năm, GDP năm 2012 là 6,5%); đang có những cải cách ấn tượng, tích cực thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết năm 2012, Việt Nam đã cấp phép cho 7 dự án đầu tư sang Myanmar với tổng vốn đăng ký khoảng 460 triệu USD, đứng thứ 6 trong tổng số 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam.
Ủy ban kinh tế hỗn hợp của hai nước Việt Nam - Myanmar đã đặt mục tiêu đến năm 2015, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 500 triệu USD, đầu tư trực tiếp của Việt Nam vào Myanmar đạt 1 tỷ USD.
Ông Chu Công Phùng chỉ rõ: Việt Nam đang có ngành hàng không, dầu khí, ngân hàng đầu tư có hiệu quả tại Myanmar. Song, các lĩnh vực khác như khai thác mỏ, bất động sản, sản xuất nông nghiệp, thủy sản, thực phẩm, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng... là do các doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty cổ phần đầu tư vào.
Các tập đoàn, tổng công ty lớn về nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp hầu như chưa đặt chân đến Myanmar. Đặc biệt là nông nghiệp, Myanmar đang rất muốn hợp tác với Việt Nam.
Thận trọng khi thâm nhập thị trường Myanmar
Mặc dù có nhiều lợi thế hấp dẫn như trên, song hiện tại thị trường Myanmar vẫn không phải dễ thâm nhập. Theo ông Hoàng Thịnh Lâm, nguyên Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar, thông tin về thị trường Myanmar không nhiều, hệ thống viễn thông quốc tế tại đây còn lạc hậu. Tư duy quản lý tại Myanmar vẫn có phần bị quân sự hóa.
Đặc biệt, một khó khăn lớn cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư tại thị trường Myanmar là ở đây chưa có ngân hàng nước ngoài hoạt động, thiếu ngoại tệ trầm trọng nên việc thanh toán, chuyển tiền ra-vào Myanmar gặp nhiều khó khăn. Cơ chế quản lý xuất-nhập khẩu của Myanmar còn nhiều thủ tục hành chính; thủ tục đầu tư nước ngoài, mở văn phòng đại diện của công ty nước ngoài tại Myanmar còn chậm và rắc rối….
Để đầu tư kinh doanh thành công ở Myanmar, theo ông Chu Công Phùng, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ thị trường. Những mặt hàng không thuộc thế mạnh của Việt Nam, không nên dùng hàng liên doanh, không phải "100% Made in Vietnam" (như lắp ráp ô-tô, xe máy, điện thoại di động, máy tính điện tử...) để tiếp cận thị trường này. Thay vào đó, “hãy phát huy những sản phẩm 100% Việt Nam”- ông Phùng nhấn mạnh.
Cùng quan điểm này, ông Hoàng Thịnh Lâm lưu ý thêm: Các doanh nghiệp muốn “vào Myanmar”, cần tiến hành lộ trình theo 3 bước: Kinh doanh xuất - nhập khẩu; Thành lập văn phòng đại diện và showroom; Thành lập công ty liên doanh.
Các chuyên gia cũng đề xuất, cùng với sự chủ động, linh hoạt của các doanh nghiệp, rất cần những nỗ lực của Chính phủ và các ngành chức năng Việt Nam qua việc đàm phán các hiệp định thương mại, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại với thị trường này để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam…
Xuân Thân
VOV
|