Vào Nhật: Khó mà dễ!
Nhắc lại việc một khách hàng Nhật đã từ chối nhận lô hàng 2.000 áo sơmi với lý do khi kiểm tra mã số loại chỉ dùng để may sản phẩm không giống với mã số mà công ty đã ký trong hợp đồng, ông T., giám đốc doanh nghiệp dệt may tư nhân BT, vẫn chưa hết bất ngờ vì mức độ kiểm tra quá ngặt của khách Nhật.
“Nếu nhìn bằng mắt thường thật sự không thấy có sự khác biệt gì về màu sắc của chỉ. Nhưng khi phía Nhật đưa kết quả... kiểm nghiệm sản phẩm thì mới thấy rõ độ màu của chỉ có sự khác nhau. Kiểm tra lại đội ngũ của mình mới phát hiện có lỗi của nhân viên trong việc chọn nhầm code chỉ khi nhập nguyên liệu về” - ông T. kể lại.
Ngoài việc phải đền lại một lô hàng mới vì sơ suất, điều mà ông T. e ngại nhất là đối tác Nhật “đánh giá mình làm ăn cẩu thả, không đàng hoàng, cho dù tình huống xảy ra rõ ràng là tình ngay lý gian”. Sau sự cố đáng tiếc đó, công ty ông đã phải nỗ lực tối đa chứng minh cho khách hàng Nhật thấy họ không kinh doanh theo kiểu “lấy râu ông này cắm cằm bà kia”.
Và sự việc xảy ra chỉ là một sự cố đáng tiếc, nên khách đặt hàng Nhật tiếp tục duy trì đơn hàng với Công ty BT. Từ mức khởi đầu kim ngạch xuất khẩu chỉ vài chục ngàn USD, hiện công ty đã nâng được lên mức khoảng 5 triệu USD/năm cho thị trường Nhật, và đã có đơn hàng đến hết quý 3-2013. “Tôi tự rút ra một bài học sâu sắc khi làm ăn với khách hàng Nhật là phải luôn luôn... cẩn thận. Chất lượng hàng tốt nhất là đương nhiên nhưng phải cẩn thận kiểm tra lại toàn bộ quy trình sản xuất tưởng chừng đã rất chuẩn của mình vẫn là điều không thừa” - ông T. chia sẻ.
Tổng giám đốc một doanh nghiệp có thâm niên xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Nhật hơn 15 năm qua cũng cho rằng nếu đã chấp nhận làm ăn ở thị trường Nhật, điều đầu tiên là phải biết nhẫn nại “vì những yêu cầu liên quan đến chất lượng sản phẩm khắt khe không chịu nổi”. Không chỉ thuê công ty Nhật đang có mặt tại VN giám sát quá trình sản xuất, nhiều nhà đặt hàng Nhật còn đưa sản phẩm đi “xét nghiệm” để xem độ co giãn của vải, độ màu của chỉ, độ bền màu của vải... có đúng như trong hợp đồng phụ liệu đã thống nhất hay không cũng thường xuyên diễn ra.
Tham tán thương mại VN tại Nhật Nguyễn Trung Dũng cho hay hiện dệt may và thủy sản là hai mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD vào Nhật trong năm vừa qua. Nhưng nếu xét về mặt thị phần tại Nhật, dệt may VN khiêm tốn dừng ở con số 6,2%, trong khi thủy sản chỉ khoảng 4,5%. Để tăng được thị phần, không còn cách nào khác là doanh nghiệp sản xuất trong nước phải chấp nhận một thực tế: phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật rất đặc thù đối với ngành công nghiệp, cũng như các tiêu chuẩn rất khắt khe đối với hàng thực phẩm khi xuất khẩu hàng sang Nhật.
Quỳnh Khôi
tuổi trẻ
|