Vụ “Lắm cảng nhưng chẳng có hàng”:
Xây cảng cạn khi luồng chưa thông
Xung quanh câu chuyện hàng loạt cảng ở ĐBSCL “ế” hàng do luồng lạch không thông, ông Võ Hùng Dũng - giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp VN chi nhánh Cần Thơ - cho rằng cần tính đến việc xây cảng cạn. Ông Dũng phân tích:
Mỗi một cảng khi ra đời phải tính tới bán kính hàng hóa cung ứng, phải xem xét gần đó có bao nhiêu khu công nghiệp, hàng hóa ở khu công nghiệp đó thế nào, có bao nhiêu vùng sản xuất để cung ứng hàng hóa và nhận lại hàng hóa phân phối ra sao..., tất cả những việc này phải được tính kỹ.
Ông Võ Hùng Dũng
|
- Lâu nay cách đặt vấn đề cảng ở VN thường theo lý thuyết cũ là phải có cầu cảng, có bến tập trung hàng hóa vào đó rồi lấy tàu vận chuyển, thậm chí quan niệm là tàu này phải đi thẳng ra nước ngoài. Trên cơ sở đó một thời gian dài các địa phương đã phát triển “nóng” loại hình cảng, nhưng việc đổ vốn vào tuyến đường vận chuyển phục vụ cảng lại chưa tương xứng.
Hậu quả tất yếu là các cảng chết yểu. Đã vậy lẽ ra các tỉnh có cảng phải ngồi lại với nhau để cùng gỡ thì đằng này có ai chịu ngồi lại đâu. Tôi nghĩ để cứu các cảng này phải có “các ông lớn” năng lực mạnh hơn để điều phối khai thác, chứ để từng công ty nhỏ ở từng tỉnh thế này khai thác 50% công suất như báo cáo tôi cho là hơi nhiều.
* Vừa qua Đồng Tháp đã cho thuê cảng để khai thác nên hiệu quả hơn so với các cảng khác của Cần Thơ, An Giang. Theo ông, đây có phải là cách làm mà các địa phương khác cần nghiên cứu?
- Tôi nghĩ đó cũng là một cách làm hợp lý để tự cứu mình còn hơn để không lãng phí. Sở dĩ Đồng Tháp cho thuê cảng là do các cảng này xây dựng trước đây và khai thác không hiệu quả vì thiếu nguồn hàng. Đồng Tháp cũng nhìn thấy không thể khai thác hiệu quả mà chỉ có công ty lớn chuyên về cảng mới có khả năng làm do họ có hệ thống logistics, hệ thống tàu. Ngoài ra Đồng Tháp cũng chỉ là một địa phương, thứ nhất là không có tiềm lực, thứ hai không có chuyên môn, thứ ba là khả năng kết nối cũng thiếu.
Hiện nay từng tỉnh có cảng mà mỗi cảng nằm trong địa phương của mình, không ai kết nối với ai cả, đã thế lại có tính chất cát cứ, riêng tư. Nên nhớ Tân Cảng là công ty lớn, họ có cách tổ chức chuyên nghiệp mới tổ chức được. Họ thuê lại để khai thác chủ yếu là cung cấp cho “cảng mẹ” của họ. Ở đây tôi không chỉ nói riêng Tân Cảng mà để phát triển cứu cảng thoát cảnh đìu hiu thì các địa phương có cảng nên hợp tác với công ty khác có năng lực để khai thác hiệu quả chứ “chiến đấu” độc lập như lâu nay không ổn.
* Vậy theo ông, các địa phương có cảng nên làm gì để không gây lãng phí cảng được cho là quá nhiều ở ĐBSCL?
- Như tôi đã nói ở trên, để giải bài toán khai thác hiệu quả cảng cần phải đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó ngoài việc tìm kiếm đối tác đủ năng lực, từng cảng cần phải phát huy lợi thế riêng của mình, xây dựng kết nối tìm kiếm nguồn hàng không chỉ xuất đi mà cả nguồn hàng nhập về. Bởi trở ngại luồng lạch tàu lớn chưa vào được nhưng cũng là cơ hội để một số cảng làm nhiệm vụ bãi tập kết vận chuyển container xuống sà lan nhỏ đi TP.HCM và các nơi để ra các tuyến hàng hải quốc tế.
Vì vậy tôi nghĩ cảng Cái Cui, cảng Cần Thơ có thể lựa chọn làm cảng cạn, bãi tập kết giống như hình thức tổ chức cảng Phước Long của TP.HCM. Theo đó tập kết hàng hóa về đây để đóng gói, vô container, làm việc với hải quan rồi chuyển thẳng đến các cảng như Cát Lái hay cảng ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Soài Rạp đưa hàng lên tàu ra nước ngoài. Nếu TP Cần Thơ có cảng cạn như vậy thì hàng hóa các tỉnh đổ về để đóng xuất khẩu và khi các công ty ở đây có nhập khẩu hàng hóa thì nó lại đóng vai trò nơi tiếp nhận hàng về để bóc ra, nói chung là sẽ trở thành điểm trung chuyển tương tự TP.HCM trước đây. Đây là cách giải quyết vấn đề vận tải hàng hóa cho ĐBSCL trong khi dự án Quan Chánh Bố chưa có và luồng Định An chưa cho phép tàu trên 10.000 tấn ra vào.
H.T.DŨNG - C.QUỐC thực hiện
tuổi trẻ
|