Thứ Ba, 23/04/2013 07:14

Cơ quan chức năng đang bất lực trước tin đồn

Đó là nhận định của luật gia Vũ Xuân Tiền - Ủy viên BCH Hội Luật gia Hà Nội, Chủ tịch HĐTV Cty TNHH tư vấn VFAM Việt Nam - khi trao đổi với phóng viên Lao Động chiều ngày 22.4 về vấn nạn tin đồn hiện nay, đặc biệt là những tin đồn nhạy cảm như sắp đổi tiền vừa qua đã khiến không ít người dân đổ xô đi mua gom vàng, USD, khiến giá các loại tiền tệ này nhảy múa, tăng vọt.

Liên tục thời gian gần đây thị trường xuất hiện nhiều tin đồn, gây tâm lý hoang mang trong dân, ông đánh giá thế nào về tình trạng này?

- Đúng là thời gian vừa qua, nhất là từ năm 2011 đến nay, trên thị trường Việt Nam xuất hiện rất nhiều tin đồn thất thiệt về kinh tế hoặc liên quan đến kinh tế, như ông lãnh đạo doanh nghiệp này, ông tổng giám đốc kia bị bắt..., và gần đây là tin đồn về đổi tiền. Tôi cho rằng, đây là dư luận xã hội phát sinh rất ngẫu nhiên, tuy nhiên hậu quả của những tin đồn này rất lớn, đặc biệt là với những doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, một thị trường hết sức nhạy cảm với sự lên xuống của giá cổ phiếu.

Tôi lấy ví dụ như khi có tin đồn về một chủ tịch HĐQT của một Cty đang niêm yết trên sàn chứng khoán bị bắt thì lập tức cổ phiếu Cty này sẽ bị bán tháo hoặc như có tin đồn ông giám đốc một ngân hàng nào đó vướng vào vòng lao lý, chắc chắn không thoát khỏi cảnh người dân đổ đến ngân hàng đó rút tiền, dẫn đến ngân hàng mất thanh khoản.

Tin đồn ở phạm vi rộng hơn thì sẽ ảnh hưởng lớn đến nhiều người dân, ví dụ như với tin đồn đổi tiền chẳng hạn, người dân khi tiếp cận tin đồn này không tránh khỏi hoang mang và lập tức sẽ nghĩ đến một kênh đầu tư khác để giữ tiền an toàn hơn như đầu tư vào vàng, USD. Đây chính là nguyên nhân khiến giá vàng, giá USD liên tục leo thang mấy ngày gần đây, thậm chí có thời điểm giá USD đã lên tới 21.500VND/USD.

Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng tin đồn thao túng thị trường như vừa qua?

- Theo tôi có nhiều nguyên nhân để tin đồn lộng hành, nhưng có thể rút lại với 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, trong giai đoạn nền kinh tế không ổn định thì rất hay phát sinh ra những thông tin như vậy, chủ yếu là các dự đoán, một đồn mười trong dân gian.

Trên thực tế cũng đã có trường hợp các tin đồn đoán ông X, ông Y bị bắt ngày hôm trước, ngày hôm sau chính ông này lên các cơ quan ngôn luận khẳng định không có chuyện đó, nhưng rồi ngày sau đó thì việc bị bắt lại thành hiện thực. Do có những thực tế như vậy nên trước các tin đồn, người dân không tránh khỏi bán tín bán nghi và dẫn đến việc tự hành xử bằng cách rút tiền ra để tìm nơi trú ẩn khác và khi phát hiện ra đây chỉ là thông tin thất thiệt thì người dân đã lĩnh đủ, tiền mất tật mang.

Nguyên nhân thứ hai, tôi cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chức năng thiếu nhạy bén thu thập dữ liệu và giải thích kịp thời cho người dân hiểu. Ví dụ như tin đồn đổi tiền vừa qua chẳng hạn, tin đồn này không phải bây giờ mới có mà đã có từ cách đây cả tuần. Nếu như chúng ta nhạy bén, ngay từ khi có thông tin như vậy, khẳng định ngay là không có chuyện đổi tiền thì sẽ tránh được những thiệt hại cho người dân. Ở đây tôi cho rằng cơ quan quản lý nhà nước đã phản ứng rất chậm, đến khi giải thích được thì sự kiện đã bùng lên rồi, nhiều người đã mua vàng, mua USD, giá đã bị đẩy lên rồi.

Nguyên nhân thứ ba, theo tôi là chúng ta đã bất lực, không tìm được điểm xuất phát của tin đồn để xử lý. Ví dụ như tin đồn bắt Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, làm thiệt hại cho thị trường chứng khoán lên đến 1,6 tỉ USD chẳng hạn. Sau khi vụ việc xảy ra, Bộ Công an nói sẽ điều tra, xử lý kẻ tung tin đồn, tuy nhiên đến nay cũng không thấy nhắc nhở gì đến nữa. Tôi cho rằng, không phải Bộ Công an không đủ năng lực để làm việc này, vấn đề là có tập trung làm việc đó để xử lý nghiêm minh hay không, vì chỉ có làm được như vậy thì mới mong giảm được các tin đồn thất thiệt.

Luật gia Vũ Xuân Tiền - Ủy viên BCH Hội Luật gia Hà Nội, Chủ tịch HĐTV Cty TNHH tư vấn VFAM Việt Nam.

Như ông phân tích thì những thiệt hại do tin đồn gây ra rất lớn, vậy theo ông thì có cách nào để tháo gỡ và thúc đẩy nhanh việc xử lý các tin đồn thất thiệt này?

- Hiện chúng ta chưa có một quy định chính thức nào yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực liên quan như tài chính, ngân hàng, công an phải thu thập dư luận quần chúng để kịp thời trấn an người dân khi có tin đồn thất thiệt.

Tôi cho rằng, tới đây Chính phủ nên có một nghị định về tập hợp dư luận và ngăn chặn tin đồn thất thiệt. Thực tế vừa qua chúng ta chưa thể có được nghị định này một phần cũng là vì ta chưa có luật tiếp cận thông tin. Càng sớm có luật tiếp cận thông tin chừng nào thì vấn nạn tin đồn càng được xử lý sớm chừng đó và người dân sẽ được bảo vệ, không bị kẻ xấu trục lợi.

Xin cảm ơn ông!

Phạm Huệ thực hiện

lao động

Các tin tức khác

>   Quá chi ly trong cứu doanh nghiệp (23/04/2013)

>   Bình Định kỳ vọng vào dự án lọc dầu 27 tỷ đôla (22/04/2013)

>   Vietnam Airlines vay Eximbank mua “giấc mơ bay” (22/04/2013)

>   Xuất khẩu thủy sản: Nỗ lực trong thế khó (22/04/2013)

>   Nhập siêu gần 1 tỷ USD (22/04/2013)

>   Hàng xuất khẩu “trưởng thành” sẽ không được EU ưu đãi thuế (22/04/2013)

>   Đề xuất giãn lộ trình tăng lương tối thiểu (22/04/2013)

>   Mỹ sẽ siết hàng xuất khẩu (22/04/2013)

>   Tái cơ cấu nền kinh tế cần “sự can thiệp” của Quốc hội (22/04/2013)

>   Giảm thuế cho doanh nghiệp chính là 'thả con săn sắt' (22/04/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật