Thứ Hai, 22/04/2013 16:01

Xuất khẩu thủy sản: Nỗ lực trong thế khó

Xuất khẩu thủy sản quý I-2013 đạt khoảng 1,2 tỷ USD, giảm gần 8% so cùng kỳ 2012. Trong đó, 2 mặt hàng chủ lực là cá tra giảm 7,6% và tôm đông lạnh giảm gần 8%. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tình hình xuất khẩu thủy sản đang gặp rất nhiều khó khăn. Để đạt chỉ tiêu 6,5 tỷ USD năm 2013, các DN cần phải vượt qua nhiều thách thức phía trước.

Chủ động, tạo niềm tin

Từ đầu năm đến nay, hầu hết DN thủy sản cũng như hàng loạt hộ nuôi tôm, cá tra, nghêu… đều gặp khó do nhiều nguyên nhân khác nhau như dịch bệnh, giá cả thấp, thị trường biến động. Song, không phải ai cũng ngồi kêu than để rồi chờ được hỗ trợ, mà thực tế nhiều DN đã chủ động vượt qua thời điểm khắc nghiệt để ổn định sản xuất kinh doanh.

Ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc CTCP Thủy sản Hùng Vương, cho biết các nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu của công ty đang chạy hết công suất để kịp giao hàng cho đối tác. Hiện có khoảng 60% sản lượng cá tra của công ty được tiêu thụ ở các siêu thị thông qua khách hàng “mối” từ các nước nên rất ổn định, số còn lại được bán bên ngoài theo nhu cầu thị trường.

Ông Minh cho rằng, ổn định được thị trường tiêu thụ là nhờ những năm qua Hùng Vương đầu tư khép kín từ sản xuất con giống, thức ăn, vùng nuôi nguyên liệu, đến chế biến, xuất khẩu… tất cả được áp dụng theo tiêu chuẩn chất lượng cao. Vì vậy, giá cá nguyên liệu trong nước cũng như giá xuất khẩu dù có dao động, nhưng công ty vẫn hoạt động đều đặn.

Năm 2013, xuất khẩu cá tra giảm lượng để nâng giá

Không phát triển ồn ào, song hoạt động của CTCP Gò Đàng khá ổn định. Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Gò Đàng tăng hơn 10% so năm 2012. Tổng giám đốc Nguyễn Văn Đạo cho hay, không phải bây giờ mà từ các năm trước công ty đã dự báo xuất khẩu thủy sản nói chung và cá tra nói riêng sẽ đối mặt khó khăn.

Công ty chủ động xây dựng vùng nuôi cá nguyên liệu cơ bản đáp ứng nhu cầu chế biến nhằm tránh phụ thuộc. Đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật mới để hạ giá thành, tiết giảm các chi phí không cần thiết, tăng cường chế biến sản phẩm chất lượng để khẳng định thương hiệu và uy tín với khách hàng quốc tế… nhờ đó sản xuất, kinh doanh giữ ổn định.

Với đà này, dự báo cả năm 2013, công ty xuất đạt 45 triệu USD, tăng 12%. Trong khi đó, CTCP Thủy sản Nam Việt (An Giang) chủ trương đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, trong đó đẩy mạnh thị trường Nam Mỹ, đã thành công khi từ đầu năm đến nay kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 10%, tạo niềm tin để nỗ lực trong thời gian tới.

Theo nhận định của các nhà chuyên môn, cái khó của xuất khẩu cá tra trong 3 tháng qua chủ yếu rơi vào những DN nội lực yếu, kinh doanh thiếu bài bản. Riêng những DN mạnh, đã tạo được uy tín vẫn được đối tác quốc tế ký hợp đồng.

Giảm lượng, nâng chất

VASEP nhìn nhận, trong quý I-2013, một số DN tăng trưởng là tín hiệu đáng mừng. Song về cơ bản, nhiều DN vẫn khó khăn, lợi nhuận thu về giảm mạnh bởi giá xuất khẩu cá tra phi-lê không tăng, trong khi chi phí lại nhảy vọt.

Hiện mặt bằng lãi suất ngân hàng đã giảm, nhưng nhiều DN và người nuôi vẫn khó tiếp cận nguồn vốn, cộng với giá cá tra ở mức thấp khiến nhiều hộ không dám đầu tư. Ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, trăn trở mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD tôm trong năm 2013 của tỉnh rất khó hoàn thành do thị trường khó khăn, nguồn nguyên liệu thiếu hụt…

Tỉnh đang triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường mới, tiết giảm các chi phí đầu vào nhằm tăng suất cạnh tranh.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Minh Phú, nhìn nhận xuất khẩu tôm nước ta ngày càng mất thế cạnh tranh so với các nước như Thái Lan, Indonesia, Ecuador, Ấn Độ… bởi giá thành sản xuất quá cao do tỷ lệ nuôi thành công đạt thấp, chỉ 30-40%. Đơn cử, tôm Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản với giá 11,2USD/kg, trong khi giá bán của Ấn Độ chỉ 8,6USD/kg, thấp hơn 2,6USD/kg…

Thêm lo ngại là mới đây Tổng cục Thanh tra-Kiểm dịch động thực vật và thủy sản Hàn Quốc (QIA) thông báo sẽ tiến hành kiểm tra chỉ tiêu ethoxyquin trong tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam thời hạn 1 năm (từ 1-1 đến 31-12-2013).

Như vậy, xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ thêm gánh nặng và các DN càng khó hơn. VASEP lo lắng, rào cản ethoxyquin từ Nhật Bản và việc Hoa Kỳ kiện chống trợ cấp tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam đến nay chưa giải quyết ổn thỏa, thì thị trường Hàn Quốc tiếp tục làm khó. Điều này cho thấy, xuất khẩu tôm gặp thách thức lớn.

Trong bối cảnh khó khăn trên, VASEP đưa ra 3 kịch bản cho xuất khẩu tôm 2013. Theo đó, nếu ngành chức năng khống chế được dịch bệnh, tìm được chất thay thế ethoxyquin thỏa mãn vụ kiện… dự báo xuất khẩu tôm 2013 có thể đạt 2,4 tỷ USD, tăng khoảng 6,5% so năm 2012. Trong điều kiện nguồn tôm nguyên liệu thiếu, cạnh tranh gay gắt trên thương trường quốc tế… khả năng xuất khẩu tôm chỉ đạt 2,2 tỷ USD.

Nếu tình trạng xấu hơn, dự báo xuất khẩu tôm 2013 chỉ đạt kim ngạch 1,9 tỷ USD, giảm tới 13% so năm 2012. Đối với cá tra, với điều kiện giá cá nguyên liệu thấp, vốn thiếu, thị trường khó khăn… VASEP khuyến cáo nên giảm sản lượng nuôi cá tra năm 2013 xuống mức 900.000 tấn (giảm 300.000 tấn so năm 2012), kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,5 tỷ USD, giảm so với 1,74 tỷ USD của năm 2012.

Việc giảm sản lượng nuôi và giảm kim ngạch xuất khẩu là cần thiết nhằm “tái cấu trúc” ngành cá tra phù hợp với nhu cầu thị trường. Đây là cách để nâng cao giá xuất khẩu, thu về lợi nhuận nhiều hơn.

Phương Uyên

sài gòn đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   Nhập siêu gần 1 tỷ USD (22/04/2013)

>   Hàng xuất khẩu “trưởng thành” sẽ không được EU ưu đãi thuế (22/04/2013)

>   Đề xuất giãn lộ trình tăng lương tối thiểu (22/04/2013)

>   Mỹ sẽ siết hàng xuất khẩu (22/04/2013)

>   Tái cơ cấu nền kinh tế cần “sự can thiệp” của Quốc hội (22/04/2013)

>   Giảm thuế cho doanh nghiệp chính là 'thả con săn sắt' (22/04/2013)

>   Mexico ngừng nhập khẩu tôm từ Việt Nam (22/04/2013)

>   Giá đường bị thao túng (22/04/2013)

>   Doanh nghiệp kiệt sức: Teo tóp, chết như rạ (22/04/2013)

>   Xuất siêu giảm 609 triệu USD nửa đầu tháng 4 (21/04/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật