TPHCM: Sản xuất phục hồi
Tốc độ tăng lượng tồn kho nhiều mặt hàng của các doanh nghiệp tại TPHCM đã chậm lại, lượng máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất nhiều hơn, số lao động được tuyển dụng tăng lên...
Nguyên liệu nhập khẩu cho sản xuất của các doanh nghiệp tại TPHCM tăng trở lại
|
Trên đây là các thông tin được đại diện các sở ngành liên quan nêu ra tại hội nghị tổng kết về kinh tế-xã hội TPHCM trong 4 tháng đầu năm 2013 diễn ra sáng 24-4.
Theo ông Huỳnh Khánh Hiệp, Phó giám đốc Sở Công Thương thành phố, trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu của thành phố đạt 9,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 15,6% so với cùng kỳ. Trong khi đó, nhập khẩu 4 tháng đạt 8,04 tỉ đô la Mỹ, tăng 19,5% so với cùng kỳ.
Ông Hiệp cho biết chủ yếu lượng hàng nhập khẩu tăng là máy móc thiết bị, nguyên liệu sản xuất, điều này cho thấy tình hình sản xuất của doanh nghiệp đang cải thiện. Các doanh nghiệp dệt may có đơn hàng đến hết quí 3-2013.
Chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố trong tháng 4 tăng 7,3%, trong khi chỉ số tồn kho trong tháng 3 tăng 10,1%, điều này cho thấy tốc độ tăng tồn kho nhiều mặt hàng đã chậm lại.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online bên lề hội nghị, ông Nguyễn Tấn Định, Phó ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TPHCM (Hepza) cho biết, tình hình sản xuất của nhiều doanh nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố đang khởi sắc, trong đó, các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) duy trì sản xuất ổn định hơn nhóm doanh nghiệp trong nước.
Tính từ đầu năm đến ngày 22-4, các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp đạt giá trị xuất khẩu 1,25 tỉ đô la Mỹ, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Định cũng cho biết hiện chỉ có nhóm doanh nghiệp chế biến thủy sản chủ yếu xuất đi thị trường châu Âu, Nhật Bản gặp nhiều khó khăn về đầu ra do giá bán giảm, giá nguyên liệu đầu vào tăng dẫn đến lợi nhuận giảm, các doanh nghiệp chỉ duy trì sản xuất để đảm bảo việc làm cho người lao động.
Theo ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM, từ đầu năm đến nay các tổ chức tín dụng tại thành phố đã cho vay đối với 5 lĩnh vực sản xuất ưu tiên được 102.117 tỉ đồng (5 lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp nông thôn, hàng xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao), lãi suất cho vay dao động 9 - 11%/năm.
Trong đó, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ vay 60.773 tỉ đồng vốn cho sản xuất.
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND thành phố, nói chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố trong tháng 4 giảm 0,33% so với tháng 3 và nếu so với cùng kỳ năm 2012, CPI thành phố tăng 2,44%. Các nhóm mặt hàng có mức giá giảm như dịch vụ ăn uống, nhà ở, chất đốt và vật liệu xây dựng, bưu chính viễn thông …
Bà Hồng cũng cho biết lượng hàng hóa tiêu thụ trên thị trường trong 4 tháng đầu năm cũng tăng cao so với cùng kỳ. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ trong 4 tháng đạt gần 190.000 tỉ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2012.
Văn Nam
tbktsg
|