Thứ Hai, 19/08/2013 10:00

LTS: Chủ tịch hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh cùng đại diện Mỹ Hảo, Vinamit, Kim Chuông, nệm Vạn Thành và một số doanh nghiệp trong hội vừa hoàn tất chuyến làm việc tại Myanmar. Chuyến đi ngắn ngày, nhỏ gọn nhưng lại hiệu quả với các cuộc trao đổi cụ thể về làm ăn với đối tác phân phối, những câu chuyện ghi ở chợ truyền thống… Sài Gòn Tiếp Thị xin giới thiệu phần nhật ký của ông Lê Đức Duy, giám đốc tiếp thị công ty Vinamit về chuyến đi này.

Chinh phục thời cơ tại thị trường Myanmar

Bây giờ, hoặc không bao giờ

Trong bốn ngày ở Myanmar, nhóm chúng tôi, sáu doanh nghiệp Việt Nam đã đi thăm hầu hết các chợ truyền thống lớn của Yangon và trực tiếp đến chào hàng, kết nối với các kênh phân phối. Nhóm đã đến tiếp kiến ông đại sứ và phó đại sứ – tham tán thương mại Việt Nam ở Myanmar, nghe nhiều ý kiến phân tích phong phú và gặp lãnh đạo hai tập đoàn đa ngành có khâu phân phối, một nhà phân phối lớn của một công ty đa quốc gia, bốn hệ thống siêu thị và ba khu chợ truyền thống. Và chúng tôi rút ra kết luận nhanh sau chuyến đi như tựa bài trên. Vì sao?

Một thị trường đầy tiềm năng…

Và cũng đầy thách thức. Xin bắt đầu câu chuyện với cuộc gặp đầu tiên. Eric, 26 tuổi, mời chúng tôi dùng cơm tối với chiếc siêu xe mới nhất trong bộ sưu tập của mình. Chàng trai này vừa tốt nghiệp đại học Hoa Kỳ trở về để quản lý việc kinh doanh của gia đình. Trái với hình dung của chúng tôi về một “thiếu gia” lắm của nhiều quyền, Eric lịch thiệp, khiêm tốn kể rằng anh đã đến Việt Nam tìm cơ hội hợp tác mấy lần. Anh kể nhiều nhà đầu tư Nhật và phương Tây đang đổ vào Myanmar, và một miếng đất của gia đình anh, diện tích 7 x 15m gần trung tâm Yangon, đã có nhà đầu tư trả 20 triệu USD. Gia đình Eric có hàng ngàn hecta đất đai khắp Yangon. “Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẵn sàng đón nhận các nhà sản xuất nhỏ của Việt Nam đến đây bán hàng, hay tính tới chuyện đầu tư sản xuất ở Myanmar vì người Myanmar thiện cảm với Việt Nam”.

Thăm công ty chuyên phân phối của một công ty hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đa quốc gia, người tổng giám đốc kiên nhẫn hướng dẫn cách định giá sản phẩm, cách ghi nhãn tiếng Anh, phân tích văn hoá và thị hiếu người tiêu dùng Myanmar. Ông kể rằng, cuộc chạy đua giành thị phần của các đại gia Hàn Quốc, Âu châu, Thái Lan, Nhật…đang tăng tốc chóng mặt. Phim Hàn được cung cấp miễn phí cho các đài truyền hình đang được thanh niên Myanmar quan tâm. Nhiều sự kiện quảng cáo sản phẩm của các hãng sữa, hoá mỹ phẩm tổ chức dài cả tháng với quà tặng hậu hỉ.

Tại các siêu thị, đã thấy có các khu vực bày hàng của Việt Nam, bánh Hải Hà, Kinh Đô, Bibica, mì ăn liền Vina Acecook, giấy Sài Gòn, đồ hộp Vissan, nước giặt Lix, càphê Trung Nguyên, có cả hàng nhái mít sấy của Vinamit từ Việt Nam sang (thiệt nhức đầu) nhưng có vẻ, hầu hết là bán “thử” thị trường vì chưa làm bao bì mới cho thị trường này, nói chi đến thay đổi khẩu vị phù hợp. Cầm gói G7 trên tay, nhà phân phối chuyên nghiệp chặc lưỡi, càphê G7 chúng tôi đã thử khẩu vị thị trường rất hợp nhưng nhà sản xuất tiếp thị còn sơ sài quá, thiệt uổng cơ hội thị trường khi Nestlé ở đây làm mạnh quá.

Thăm những khu chợ truyền thống nằm xen kẽ cạnh siêu thị, nơi đầy ắp các mặt hàng từ mấy nguồn Trung Quốc, Mã Lai, Ấn, Thái, chúng tôi lại có những trải nghiệm khác hẳn khi quan sát việc mua sắm của những người dân bình thường. Có thể gọi họ là tầng lớp nghèo và siêu nghèo, mua những đơn vị sản phẩm rất nhỏ với giá thấp. Lương lao động phổ thông ở trung tâm Yangon chỉ đang là 70 – 80 đôla Mỹ một tháng, những địa phương khác còn thấp hơn. Nhìn cái cân đang dùng ở đây, ai cũng phải ồ lên vì lạ và tôi thì nghĩ đến cơ hội của cân Nhơn Hoà. Ông chủ Mỹ Hảo mang tất cả các loại sản phẩm chào hàng thử và được chào đón xởi lởi với lời đề nghị thêm, nhớ là chất lượng hàng phải luôn ổn định, chọn thêm các loại giá mềm hơn nữa càng tốt… Khắp các sạp hàng, các quầy kệ mới, các công cụ quảng cáo đang được công ty đa quốc gia cấp tốc trang bị có vẻ để đón mức tiêu dùng đang tăng nhanh khi kinh tế phát triển.

Nhưng bài toán khó cho doanh nghiệp Việt

Ông Phạm Thanh Dũng, đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Myanmar cho biết đại sứ quán Việt Nam tại Yangon hiện có chín người, thường rất bận rộn đón tiếp và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sang tìm hiểu, thâm nhập thị trường mới nổi này. Ông nhấn mạnh, tuy doanh nghiệp đến nhiều nhưng xem ra, quay lại và trụ vững ở đây chưa nhiều. Ông Trần Phước Anh, phó đại sứ phân tích thêm: thị trường 60 triệu dân này chủ yếu dùng hàng nhập khẩu, sản xuất trong nước chỉ đáp ứng khoảng 15% nhu cầu. Tuy nhìn chung còn nghèo, nhưng đa số người tiêu dùng Myanmar đều ưa thích các sản phẩm ngoại nhập có thương hiệu. Chúng ta không đủ tiền dội bom quảng cáo, phí vận chuyển rất cao, giá hàng Việt vốn cũng cao (do đầu vào của doanh nghiệp Việt quá cao) vậy phải rất tính toán chọn cách đi. Ông Phước Anh đặt vấn đề, TP.HCM đã xây dựng thương hiệu tập thể “Hàng Việt Nam chất lượng cao” và có kinh nghiệm mười năm đem thương hiệu này chinh phục thị trường Campuchia, nên tính đến hình thức hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao tại Myanmar để tạo sự khác biệt và cũng rất phù hợp đặc điểm tiêu dùng, thay vì làm hội chợ chung chung thì không đọ sức nổi các hội chợ hoành tráng đang tổ chức ngày càng dày đặc ở đây của Thái, Nhật, Hàn, Đài Loan, Trung Quốc…

Việc nhập khẩu hàng hoá vào thị trường Myanmar cũng chưa thông thoáng hoàn toàn. Người nước ngoài chưa được làm phân phối và nhập khẩu ở Myanmar, nên cần liên kết với công ty phân phối Myanmar hay lập ra công ty do người Myanmar đứng làm chủ. Các mặt hàng như thực phẩm, dược phẩm muốn vào Myanmar phải có giấy phép do cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Qua tìm hiểu thực tế thị trường, các chính sách thương mại và cục diện cạnh tranh, chúng tôi thấy, vấn đề lớn nhất là: doanh nghiệp Việt Nam phải có kế hoạch, phải cử người lo kinh doanh, theo đuổi hàng ngày thị trường này. Chỉ mỗi năm đi dự hội chợ một lần hay phó mặc cho công ty Việt Nam phân phối ở đây là… lãng phí tiền bạc vô ích, trong tình hình tất cả đối thủ đang tập trung mọi phương cách giành thị trường. Hoặc làm cho ra làm, hoặc thôi ngừng, đừng làm cho có, sẽ không cạnh tranh nổi, nghĩa là, không có hiệu quả gì.

Lê Duy – VK

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Dệt may Campuchia trước ngã rẽ (15/08/2013)

>   Doanh nghiệp mới ở Campuchia giảm so với cùng kỳ (18/07/2013)

>   Xuất khẩu hàng may mặc của Campuchia tăng mạnh (09/07/2013)

>   Người Myanmar thích hàng "made in Vietnam" (24/04/2013)

>   EU bỏ gần hết cấm vận với Myanmar (23/04/2013)

>   Dân Myanmar thích hàng tiêu dùng VN (17/04/2013)

>   Campuchia lần đầu tổng điều tra ngành nông nghiệp (11/04/2013)

>   Myanmar: “Báo mới đây!” (10/04/2013)

>   Myanmar có nhật báo tư nhân (02/04/2013)

>   Indonesia xây nhà máy 200 triệu USD tại Myanmar (26/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật