Thứ Tư, 10/04/2013 08:42

Myanmar: “Báo mới đây!”

Đó là tiếng rao bán báo quen thuộc đã vắng bóng từ hơn nửa thế kỷ qua trên đường phố thủ đô Myanmar.

Bốn nhật báo tư nhân đã ra mắt vào đầu tháng 4. Người dân và người làm báo đón nhận làn gió mới này như thế nào?

Từ khi chính quyền dân sự của Tổng thống Thein Sein thực hiện những bước đi cải cách, kinh tế đã có chuyển động, nhiều lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp, xây dựng có bước phát triển rõ rệt. Riêng lĩnh vực truyền thông, cải cách thể hiện rõ ở lĩnh vực báo chí và kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng viễn thông (mạng di động và Internet).

Độc giả đọc tờ The Voice - một trong bốn tờ báo tư nhân phát hành từ ngày 1-4 - Ảnh: AFP

“Mừng rơi nước mắt”

Đó là cảm xúc của ông Khin Maung Lay - tổng biên tập nhật báo Golden Fresh Land - một trong bốn tờ báo tư nhân đã ra mắt ngày 1-4. Đã 50 năm từ khi tướng Ne Win đảo chính và thành lập chính quyền quân sự, nền báo chí bị kiểm soát gắt gao. Báo chí tư nhân không còn tồn tại. Nhật báo New Light of Myanmar của nhà nước trở thành kênh thông tin chủ đạo của người dân. Nó trở thành tờ báo không có đối thủ cạnh tranh, hoạt động theo cơ chế bao cấp. Nay, làn gió mới đã thổi đến để thỏa cơn khát của một đất nước vừa mở cửa đang cần thông tin để phát triển, cũng như của người dân đang cần thông tin đa dạng để đáp ứng những đòi hỏi và nhu cầu mới của mình.

Theo thống kê của tờ Global Post của Mỹ, trong ngày đầu tiên phát hành tờ Golden Fresh Land (1-4), 80.000 bản đã được bán sạch vào trưa cùng ngày. Trả lời phỏng vấn báo Irrawaddy, ông Maung Lay không giữ nổi cảm xúc: “Chúng tôi đã chờ đợi hơn nửa thế kỷ cho ngày hôm nay”.

Một thay đổi có thể thấy: hình lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi đã xuất hiện trên trang nhất của báo, điều mà cách đây vài năm người ta không tưởng tượng được khi hình bà bị cấm treo ở nơi công cộng.

Tun Win, một tài xế taxi tại Yangon, hào hứng: “Giờ đây người dân có thể tiếp cận thông tin mỗi ngày, không phải mỗi tuần một lần”.

Cùng với Golden Fresh Land, ba nhật báo khác là The Voice, The Union và The Standard Time cũng đồng loạt ra mắt độc giả cùng ngày. 16 nhật báo khác đã được cấp phép và sẽ ra mắt trong thời gian tới. AP trở thành hãng thông tấn đầu tiên đặt văn phòng tại Myanmar từ khi chính quyền Thein Sein tiến hành cải cách truyền thông, với 6 nhà báo hoạt động thường trú tại Yangon. Đài NHK (Nhật) cũng sẽ hoạt động tại Myanmar trong thời gian tới.

Các nhà báo Myanmar đang lạc quan với bức tranh cải cách của chính phủ. Những cách thức làm báo mới cũng du nhập vào Myanmar. Để cạnh tranh, các tờ báo đua nhau làm mới nội dung. Tờ The Voice in màu trang nhất với đủ chuyên mục từ tin tức trong nước đến nước ngoài, thể thao, công nghệ giới thiệu các sản phẩm tiêu dùng từ TV thông minh (smart TV) đến điện thoại di động của các hãng nổi tiếng.

Khi không còn bị ngăn chặn, các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter... trở thành một kênh truyền thông mới để trao đổi, những đề tài từ cộng đồng mạng trở thành đề tài báo chí nóng hổi. Dù còn nhiều hạn chế như dự luật về báo chí chưa được thông qua, một số vấn đề về xung đột sắc tộc, vai trò của quân đội trong chính quyền vẫn còn là đề tài nhạy cảm, song nền báo chí Myanmar đang tiến dần trên con đường “mở cửa”.

Để cải cách lĩnh vực truyền thông, chính quyền Thein Sein xem ra đã có những bước chuẩn bị chủ động. Nhà báo kỳ cựu tại Myanmar Ye Naing Moe cho biết ngay từ lúc chưa “mở cửa” cho báo chí, ông đã được Bộ Thông tin mời đến giảng dạy cho các công chức về báo chí. “Tại khóa học này, những vấn đề nhạy cảm như chính trị được mang ra mổ xẻ” - tờ Global Post dẫn lời ông Ye Naing Moe. Tương tự, từ ngày 20-8-2012, chính quyền Thein Sein đã bỏ cơ quan kiểm duyệt báo chí. Các tờ báo từ nay không phải nộp bản thảo cho cơ quan kiểm duyệt trước khi đăng tải, mà phải tự chịu trách nhiệm về nội dung tin bài trước công luận.

Hạ tầng truyền thông: thị trường “béo bở”

Việc phát triển hạ tầng truyền thông cũng đang trở thành một thị trường hấp dẫn tại Myanmar. Theo BBC, chỉ 10% dân số nước này tiếp cận với điện thoại di động trên tổng số 60 triệu người. Để thực hiện mục tiêu tăng vùng phủ sóng di động lên 80% diện tích lãnh thổ vào năm 2016, đầu tháng 4 vừa qua Myanmar đã mở thầu gói cung cấp hạ tầng viễn thông. Các ông lớn đua nhau nhảy vào, tiêu biểu như Vodafone (Anh), China Mobile (Trung Quốc) và hàng loạt tên tuổi lớn khác như Telenor của Na Uy, Qatar Telecom để tranh nhau gói thầu cung cấp mạng di động quốc gia.

Các “đại gia” trong ngành dịch vụ Internet cũng không chậm chân trong thị trường non trẻ nhưng hấp dẫn này. Sau chuyến công cán vào tháng 3 đến Myanmar, chủ tịch Google Eric Schmidt đã mở ngay trang tìm kiếm Google dành riêng cho thị trường này và hỗ trợ ngôn ngữ Myanmar trong dịch vụ tìm kiếm trực tuyến. Các quán cà phê Internet mọc lên như nấm tại các thành phố lớn Yangon, Mandalay, Naypyidaw... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vùng Internet chưa phủ sóng khiến Myanmar trở thành thị trường tiềm năng cho nhiều công ty viễn thông xây dựng cơ sở hạ tầng.

Anh Duy

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Tàu chiến săn ngầm Việt Nam: 50 năm vẫn chạy tốt! (09/04/2013)

>   Đại gia chi tiền tỷ tiêm tế bào gốc để hồi xuân (09/04/2013)

>   Chủ tịch xã... đưa phong bì cho đoàn thanh tra (09/04/2013)

>   Không ai nhận đã ra lệnh phá nhà ông Vươn (09/04/2013)

>   Thông điệp gửi tới Bầu Đức: 'Bỏ bóng đá người' (09/04/2013)

>   Bệnh thành tích đã thành mãn tính (09/04/2013)

>   'Người đàn bà thép' Margaret Thatcher qua đời (08/04/2013)

>   Chủ tịch FPT 'khoe' robot (08/04/2013)

>   Xét xử 5 cựu quan chức phá nhà ông Vươn (08/04/2013)

>   Đối đầu liên Triều tới “ngưỡng” chiến tranh tổng lực (08/04/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật