Dệt may Campuchia trước ngã rẽ
Ngành công nghiệp dệt may Campuchia đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của hàng trăm ngàn công nhân ở nước này. Nhưng cùng với sự leo thang của giá cả, độ chênh lệch giữa mức lương và mức sống ngày càng lớn khiến giới công nhân bất bình, đẩy ngành này vào thế bế tắc.
Nun Vanak là một thí dụ điển hình. Người phụ nữ 23 tuổi này là một trong số nửa triệu lao động trong ngành dệt may của Campuchia, chủ yếu là các phụ nữ trẻ. Thu nhập từ công việc ngành dệt may đã giúp nuôi sống cô và con gái nhỏ của mình.
Và cũng giống như hầu hết các đồng nghiệp khác, cô thường gửi tiền về quê nhà - một xu hướng giúp tăng thu nhập ở các vùng nông thôn. Nhưng khi được hỏi, Nun và bạn bè cô đều cho biết không muốn con cái mình lớn lên nối nghiệp mẹ. Những phụ nữ này đang ngày càng tức giận. “Giới chủ bắt chúng tôi phải làm việc nhiều giờ mà không hề có thời gian nghỉ, và chúng tôi hầu như không thể đủ sống” - Nun nói.
Những phụ nữ này đã tham gia các cuộc biểu tình. Biểu tình và đụng độ bạo lực tại các nhà máy dệt may ở Campuchia đã tăng gấp 4 lần trong vòng 1 năm qua. Một phúc trình mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết điều kiện làm việc tại các nhà máy nay tệ hơn nhiều so với cách nay vài năm.
“Chúng tôi không bao giờ kiếm đủ sống, đặc biệt với những công nhân phải thuê nhà. Thực phẩm ngày càng đắt đỏ” - Nun nói. “Tôi có nhà riêng, nhưng tôi phải tốn tiền cho việc đi lại và ăn uống. Giới chủ không biết được những khó khăn chúng tôi phải đối mặt. Họ nghĩ rằng chừng đó tiền là đủ cho công nhân, nhưng sự thật là không đủ”.
Một cuộc đình công của công nhân dệt may Campuchia.
|
Campuchia là nơi có mức lương thấp nhất trong khu vực. Nun và bạn bè cho biết họ kiếm được 74USD/tháng tại các nhà máy, thấp hơn mức lương tối thiểu do nhà nước quy định là 80USD/tháng. Làm việc lâu họ có thể kiếm được 100USD/tháng, nhưng mức này vẫn thấp hơn nhiều so với những công nhân dệt may ở các nước châu Á khác.
Dệt may đóng góp 80% xuất khẩu của Campuchia, và được xem là chiếc phao cứu hộ cho nền kinh tế của nước này. Tuy nhiên, phần đông giới chủ ở Campuchia là người nước ngoài. Họ đã chứng kiến công việc làm ăn tiến triển tốt nhờ sự kết hợp giữa lương thấp và việc chính phủ khuyến khích các nhà máy tư nhân.
Nhưng các công nhân nay đang đòi hỏi lương cao hơn, vì cho rằng họ đáng ra phải được hưởng lợi khi giúp kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ. Trong khi đó, giới chủ phàn nàn về việc bị hăm dọa và quấy rối, nói rằng họ không thể trả lương cao hơn.
“Đây không phải là các công nhân biểu tình, mà là hooligan” - Ken Loo, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Campuchia, nói như vậy khi mở đoạn video quay lại cảnh biểu tình bên ngoài một nhà máy gia công cho hãng Nike. Vụ biểu tình diễn ra hồi tháng 6 và đã trở thành tâm điểm chú ý của quốc tế. Video cho thấy công nhân trang bị gậy gộc và ném đá. Cảnh sát chống bạo động phải được điều đến để kiềm chế đám đông.
Ông Loo cho biết công nhân ngày càng “quân sự” hơn và rất kiên quyết với những đòi hỏi của họ. Ông cho biết thực tế là các nhà máy dệt may không thể trả lương công nhân cao hơn vì chính họ đang đối mặt với nhiều áp lực. “Các bạn nói mức lương của công nhân thấp, nhưng năng suất ở Campuchia cũng thấp” - ông Loo nói với BBC. “Mức lương ở Việt Nam có thể gấp đôi ở Campuchia, nhưng năng suất của họ cũng gấp đôi, vì vậy chi phí cũng tương đương”.
Các nhà quan sát quốc tế nói xung đột giữa giới chủ và công nhân ngành dệt may ở Campuchia không thể chấm dứt sớm. “Tôi tin mức lương không theo kịp lạm phát và rất thách thức cho công nhân ngành dệt may” - theo Jill Tucker, Giám đốc Cố vấn kỹ thuật cho chương trình Better Factories của ILO ở Campuchia. Campuchia là một nước đang trên đường phát triển, nhưng ngành công nghiệp dệt may đang đứng trước ngã rẽ. Vấn đề xung đột giữa công nhân và nhà máy được giải quyết như thế nào sẽ quyết định hướng phát triển của ngành này trong tương lai.
Vĩnh Cầm (Theo BBC)
sài gòn đầu tư tài chính
|