Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản muốn bỏ thuế VAT
Một số hiệp hội ngành hàng trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản như cà phê, mía đường đã kiến nghị ngành thuế bỏ thuế giá trị gia tăng (VAT) để giảm bớt phiền hà và loại bỏ tình trạng gian lận thuế.
Nông dân thu hoạch cà phê. Ảnh: Kinh Luân.
|
Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) và Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã lần lượt gửi công văn lên Tổng cục Thuế yêu cầu đưa thuế giá trị gia tăng từ 5% về 0%.
Nguyên nhân theo các hiệp hội này là thời gian qua tình trạng gian lận và doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó với việc hoàn thuế VAT xảy ra thường xuyên và nhiều đến nỗi gây rủi ro cho hoạt động kinh doanh.
Theo Vicofa, Việt Nam xuất khẩu hầu hết sản lượng cà phê, do vậy việc áp thuế VAT là không cần thiết.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Vicofa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Intimex nói: “Nếu doanh nghiệp xuất khẩu cà phê sẽ được hoàn thuế sau đó thì tại sao không bỏ luôn thuế VAT để giúp doanh nghiệp không mất quá nhiều thời gian để thực hiện các công đoạn để nhận hoàn thuế”, ông nói.
Theo ông Nam, trong những năm qua, xuất khẩu cà phê đã mang về hàng tỉ đô la Mỹ cho đất nước nhưng những thành quả này có thể chôn vùi trong những năm tới khi các doanh nghiệp “vướng” thuế.
Với lập luận khác, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cũng muốn được đưa thuế này về 0% với lập luận giảm thuế sẽ giúp đường nội “chống chọi” với đường nhập lậu.
Trong cuộc họp bàn về giải pháp cho ngành mía đường trong niên vụ 2013/2014 mới đây, ông Nguyễn Bá Chủ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đường Bourbon Tây Ninh nói, mỗi năm 41 nhà máy mía đường có doanh thu khoảng 22.500 tỉ đồng, đóng góp cho ngân sách nhà nước hơn 2.000 tỉ đồng tiền thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp.
“Nhưng cơ quan quản lý nhà nước chưa có một chính sách cụ thể nào để hỗ trợ ngành mía đường, để đường lậu không chịu thuế thoải mái xâm nhập thị trường, mỗi năm lên đến 400.000 tấn, chiếm gần 30% sản lượng đường của Việt Nam mỗi năm”, ông nói.
Liên quan đến những kiến nghị bỏ thuế của doanh nghiệp, ông Bùi Văn Chuẩn, Phó cục trưởng Cục Thuế Đắk Lắk cho biết cho đến nay chi cục thuế tỉnh vẫn thực hiện theo nội dung quy định trong công văn 7527(*) của Tổng cục Thuế.
Tuy nhiên, ông cũng cung cấp thông tin là trong một vài ngày tới Tổng cục thuế, Bộ Tài chính sẽ mời đại diện cục thuế các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Đắk Lắk, Lâm Đồng và đại diện các hiệp hội có liên quan gặp mặt để cùng bàn giải pháp cho vấn đề xung quanh công văn 7527 này. Lúc đó, những vướng mắc phát sinh bấy lâu nay giữa đơn vị ban hành văn bản pháp luật và các bên liên quan có thể mới được giải quyết.
Trong vòng 3 tháng kể từ khi thông tư 7257 ra đời, Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với ngành thuế các địa phương khác tổ chức 8 đoàn thanh tra liên ngành đi kiểm tra, xác minh các doanh nghiệp trung gian mua bán hóa đơn. “Đa số những gian lận liên quan đến hóa đơn VAT đều diễn ra ở các địa phương không sản xuất nông sản như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai”, ông nói. Nhưng nhờ siết chặt thanh kiểm tra, cục thuế tỉnh đã truy thu 30 tỉ đồng tiền thuế.
Sau khi một số cục thuế địa phương và Hiệp hội Cà phê cacao Việt Nam phản ánh về tình trạng nhiều doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nhằm kê khai khấu trừ, hoàn thuế VAT để chiếm đoạt tiền thuế, ngày 12-6, Bộ Tài chính đã ban hành công văn 7527/BTC-TCT yêu cầu các cục thuế tăng cường công tác quản lý thuế.
(*) Trong công văn 7527 có các nội dung, đặc biệt có nội dung yêu cầu các cục thuế tổ chức kiểm tra trước khi hoàn thuế VAT đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy, hải sản nếu mua trực tiếp của người sản xuất hoặc chỉ qua một khâu trung gian thì được hoàn thuế theo quy định. Nếu phải mua qua nhiều khâu trung gian thì phải kiểm tra khâu trung gian trước. Sau đó, nếu các doanh nghiệp thương mại trung gian đã kê khai, nộp thuế VAT theo đúng quy định thì mới xét hoàn thuế. Đây là những nội dung được cho là gây khó cho doanh nghiệp nhiều nhất.
|
P.Thái – N.Hùng
thời báo kinh tế sài gòn
|