Thị trường ngoại tệ giai đoạn 2011-2013: "Thuốc đắng đã giã tật"
Trong 2 năm qua, các giải pháp quyết liệt, mạnh tay của NHNN về điều hành tỉ giá đã góp phần rất quan trọng trong việc ổn định thị trường ngoại tệ và tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 và suy thoái kinh tế sau đó đã gây tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế trong nước, với biểu hiện rõ nét là dòng vốn đầu tư nước ngoài giảm mạnh, gây áp lực lạm phát và tỉ giá, buộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phải liên tục điều chỉnh tăng tỉ giá USD, riêng trong năm 2010 đã thực hiện hai lần điều chỉnh tỉ giá với mức tăng tổng cộng trên 5%. Tuy nhiên, áp lực tỉ giá vẫn tiếp tục tăng cao.
Ngày 11/2/2011, NHNN tiếp tục điều chỉnh tỉ giá bình quân liên ngân hàng lên 20.693 VND, tăng 9,3% so với mức 18.932 VND trước đó, đồng thời, thu hẹp biên độ giao dịch từ ±3% xuống ±1%; thu hẹp đối tượng cho vay ngoại tệ của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng vay là người cư trú.
Tiếp đó, NHNN ban hành hàng loạt văn bản qui định giảm trần lãi suất huy động USD từ 6%/năm xuống 2%/năm; điều chỉnh tăng dự trữ bắt buộc tiền gửi ngoại tệ đối với các TCTD thêm 2% lên 6%; mở rộng đối tượng doanh nghiệp Nhà nước thực hiện bán ngoại tệ cho các TCTD; chuyển dần quan hệ huy động-cho vay ngoại tệ trong nước của TCTD sang quan hệ mua bán ngoại tệ và xử lý các giao dịch ngoại tệ bất hợp pháp trên thị trường tự do.
Với những biện pháp quyết liệt của NHNN nêu trên, thị trường ngoại tệ đã ổn định dần, căng thẳng tỉ giá bị đẩy lùi.
Cuối năm 2011, tỉ giá chính thức chỉ tăng 10,01% so với cùng kỳ năm trước và đứng ở mức 20.828 VND, tỉ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại (NHTM) tương đối ổn định và nằm trong biên độ cho phép, trạng thái ngoại hối của các NHTM được cải thiện; tỉ lệ nhập siêu giảm mạnh và chỉ bằng 10,4% giá trị xuất khẩu, thấp hơn nhiều so với con số 18% đề ra, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư khoảng 3,1 tỉ USD, so với mức thâm hụt 3,07 tỉ USD vào năm 2010.
Phát huy kết quả đã đạt được, NHNN đặt mục tiêu không điều chỉnh tỉ giá quá 2-3% trong năm 2012.
Để hạn chế "đôla hóa" trong nền kinh tế và kiểm soát tăng trưởng tín dụng ngoại tệ ở mức hợp lý, góp phần ổn định thị trường ngoại hối, NHNN đã ban hành Thông tư số 03/TT-NHNN ngày 08/3/2012 thu hẹp các trường hợp được vay vốn bằng ngoại tệ. Theo đó, khách hàng chỉ được vay ngoại tệ nếu có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất kinh doanh để trả nợ vay, những trường hợp khác phải có sự chấp thuận bằng văn bản của NHNN.
Đến cuối năm 2012, tỉ giá và thị trường ngoại hối tiếp tục ổn định, giá USD mua vào tại các NHTM giảm trung bình 1% so với cuối năm 2011, chênh lệch tỉ giá chính thức và tỉ giá trên thị trường tự do được thu hẹp, tỉ lệ đôla hóa (tiền gửi ngoại tệ trong tổng phương tiện thanh toán giảm xuống 13,2% từ mức 15,8% vào cuối năm 2011). Các tổ chức kinh tế và cá nhân đẩy mạnh bán ngoại tệ cho các NHTM, tạo điều kiện để NHNN mua một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Bước sang năm 2013, NHNN tiếp tục quản lý thị trường ngoại hối và điều hành tỉ giá chặt chẽ theo tín hiệu thị trường, phù hợp với các cân đối vĩ mô và cán cân thanh toán quốc tế, thực hiện các biện pháp tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước và chống đôla hóa. Nhờ đó, thị trường ngoại tệ 8 tháng đầu năm giữ được sự ổn định, tỉ giá dao động trong biên độ cho phép.
Tóm lại, trong 2 năm qua, các giải pháp của NHNN về điều hành tỉ giá đã góp phần rất quan trọng trong việc ổn định thị trường ngoại tệ và tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Từ giữa năm 2012, cán cân thương mại của Việt Nam đã được cải thiện theo hướng giảm nhanh tình trạng nhập siêu, riêng giá trị xuất siêu trong tháng 8/2013 đạt 600 triệu USD, qui mô dự trữ ngoại hối có thời điểm đã đạt 2,8 tháng nhập khẩu, trong khi thông lệ quốc tế là 12 tuần nhập khẩu.
Với xu hướng này, tỉ giá trong năm 2013 sẽ không tăng quá 2% như cam kết của Thống đốc NHN Nguyễn Văn Bình.
TS. Hoàng Thế Thỏa
chính phủ
|