Sở giao dịch hàng hóa nước ngoài: “Bàn đạp” xuất khẩu
Trong bối cảnh hội nhập, việc tham gia vào các sở giao dịch hàng hóa nước ngoài chính là giải pháp giúp doanh nghiệp xuất khẩu và nông dân tiếp cận trực tiếp với các thương nhân nước ngoài, chủ động được giá bán, thời điểm bán và tránh được tình trạng “được mùa mất giá”.
Lợi ích lớn
Là nước dựa nhiều vào xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu nông sản, song do thói quen kinh doanh vẫn theo hình thức “mua đứt bán đoạn”, nên các sản phẩm Việt Nam thường xuyên rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”.
Trên thế giới, sở giao dịch hàng hóa đã trở thành một hình thức kinh doanh hiện đại, thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia. Chia sẻ về những lợi ích mà hình thức này có thể mang lại cho DN và nông dân, ông Phạm Tuấn Long – Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập WTO, hoạt động kinh doanh của các DN Việt Nam chịu tác động ngày càng nhiều trước biến động của thị trường thế giới. Bên cạnh đó, nhu cầu phòng hộ, ngăn ngừa rủi ro của các DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại, xuất nhập khẩu các mặt hàng nông sản, nhiên liệu, kim loại, dệt may... đang ngày một cao. Tham gia giao dịch, kinh doanh qua các sở giao dịch hàng hóa nước ngoài sẽ giúp DN Việt Nam thêm thuận lợi giải quyết những vấn đề này.
Tuy nhiên, hình thức này cũng khiến DN gặp rất nhiều khó khăn, trong đó, lớn nhất là khung pháp lý chưa đầy đủ. Khó khăn thứ hai là cơ chế thanh toán, hiện kiểm soát rất chặt việc chuyển tiền ra nước ngoài hoặc lập tài khoản ở nước ngoài.
Theo thông lệ quốc tế, trong những điều kiện tài chính minh bạch và pháp luật chặt chẽ, trong quá trình giao thương thông qua các sở giao dịch hàng hóa nước ngoài, việc chuyển và nhận tiền được diễn ra nhanh chóng và liên tục. Trong điều kiện ở Việt Nam, việc chậm trễ trong chuyển tiền hoặc không có tài khoản sẽ khiến DN khó khăn trong thương thuyết hoặc giao dịch.
Ngoài ra, việc giao dịch qua các sở giao dịch hàng hóa nước ngoài liên quan chặt chẽ đến các hoạt động, phát triển của sở giao dịch hàng hóa trong nước. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, hệ thống sở giao dịch hàng hóa trong nước chưa phát triển, mới chỉ có một trung tâm giao dịch hàng hóa. Hai sở giao dịch hàng hóa được cấp phép thì một sở đang tạm dừng hoạt động (sở giao dịch hàng hóa Việt Nam VNX), một sở đầu năm 2014 mới đi vào hoạt động (sở giao dịch hàng hóa Info).
Gỡ khó
Ông Trần Thanh Hải – Giám đốc Công ty CP Kinh doanh và đầu tư vàng Việt Nam (VGB) cho rằng, để gỡ khó, điều đầu tiên là thành lập từ một đến hai sở giao dịch hàng hóa trong nước, do Nhà nước quản lý và điều hành, làm đầu mối cho các hoạt động giao dịch trên các sở giao dịch hàng hóa nước ngoài.
Các sở giao dịch trong nước này có chức năng tự động điều chỉnh các hoạt động mua bán trong nước trước khi chuyển ra các sở giao dịch hàng hóa ở nước ngoài. Thí dụ, nếu một DN muốn bán 600 tấn cà phê, một DN khác muốn mua 500 tấn cà phê thì sở giao dịch này có thể tự động khớp lệnh cho DN mua 500 tấn cà phê trong nước trước, còn 100 tấn còn lại chuyển ra các sở giao dịch hàng hóa nước ngoài. Hình thức này không chỉ giúp sở giao dịch hàng hóa trong nước thu được tiền dịch vụ, tránh để khoản tiền này “chảy” hết vào các sở giao dịch hàng hóa nước ngoài, mà còn giúp các hoạt động mua bán trong nước trôi chảy hơn, nhanh hơn, từ đó kích thích sản xuất trong nước.
Thứ hai là cần một cơ chế giúp giải quyết việc chuyển tiền trong và ngoài nước nhanh chóng hơn để kích thích DN tham gia nhiều hơn vào các sở giao dịch hàng hóa. Ông Đoàn Hồng Quân – Giám đốc Sở giao dịch hàng Hóa Info kiến nghị thêm, danh mục mặt hàng nào được tham gia các sở giao dịch hàng hóa nước ngoài đang được xem xét , tuy nhiên, cần đa dạng hóa để hấp dẫn DN tham gia. Hiện danh mục các mặt hàng được giao dịch qua các sở giao dịch trong nước chỉ gồm cà phê, cao su và sắt thép. Đây là hạn chế lớn vì còn rất nhiều mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như: gạo, tiêu, điều…
Về hệ thống văn bản pháp luật, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho biết, hiện Bộ Công Thương đang chuẩn bị ban hành Thông tư quy định phạm vi, điều kiện đối với thương nhân Việt Nam tham gia giao dịch mua bán qua các sở giao dịch hàng hóa nước ngoài.
Thông tư này được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng cho phép DN có nhiều thuận lợi hơn khi tham gia kinh doanh qua các sở giao dịch hàng hóa nước ngoài.
Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết thêm, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ mở rộng thêm các nhóm hàng mới được tham gia các sở giao dịch hàng hóa nước ngoài nhằm tạo cú hích mạnh mẽ đưa hàng Việt lên các sở giao dịch quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế chính sách, bản thân các DN tham gia sở giao dịch hàng hóa phải làm tốt về kho vận, kiểm định, xây dựng tiêu chuẩn, hợp đồng, phải khẳng định năng lực đủ khả năng đứng ra giao dịch loại hàng hóa này. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương sẽ xem xét phê duyệt.
Theo dự thảo Thông tư "Quy định phạm vi, điều kiện với thương nhân Việt Nam tham gia giao dịch mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa nước ngoài", điều kiện được tham gia sở giao dịch hàng hóa nước ngoài là doanh nghiệp phải có vốn pháp định từ 50 tỷ đồng Việt Nam trở lên; có lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan đến mặt hàng giao dịch mua bán qua Sở giao dịch hàng hóa. Doanh nghiệp tham gia mua bán phải thực hiện giao dịch qua môi giới trong nước, không được nhận ủy thác từ thương nhân khác.
Đối với các trung gian môi giới, Bộ Công Thương cấp giấy phép (điều kiện hoạt động) cho đối tượng này. Các điều khoản thanh toán, ký quỹ qua sở giao dịch hàng hóa nước ngoài phải tuân thủ các quy định pháp luật và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước...
Hà Anh
nhân dân
|